Nếu bạn đã từng từ chối hoặc để lại thức ăn trong phần ăn của mình trên máy bay với tâm lý muốn “nhường lại” hoặc đơn giản là không thích ăn, có lẽ bạn sẽ cảm thấy áy náy và hối hận sau khi biết được quá trình xử lý đồ ăn thừa của các hãng hàng không.
Với tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh cực kỳ cao, các thực phẩm được chế biến và phục vụ đều được kiểm soát chặt chẽ từ đầu đến cuối. Theo Hiệp hội cung cấp dịch vụ hàng không (ACA), đó là một quá trình khép kín tuyệt đối để không chịu biến số từ bên ngoài và không có biến tố thoát ra.
Quy trình xử lý đồ ăn thừa trên máy bay như sau. Các tiếp viên hoặc nhân viên dọn dẹp khi đi thu gom rác và đồ ăn thừa sẽ trực tiếp phân loại chúng trên máy bay (không phải di chuyển đến nơi nào khác rồi mới bắt đầu phân loại). Thường chỉ có ly, dĩa sắt, bát sứ, đồ thuỷ tinh trong hạng thương gia mới được rửa sạch và tái sử dụng, còn lại đều bị đưa vào thùng rác và tiêu huỷ ngay lập tức, bao gồm cả thức ăn và khay, đồ nhựa, chai rượu, lon nước ngọt, bao bì nhựa… Dù bạn có để nguyên một hộp đồ ăn lại thì cả hộp vẫn sẽ bị tống thẳng vào túi rác.
Đồ thuỷ tinh, sứ, inox ở khoang thương gia được tái sử dụng.
Còn lại sẽ bị tống vào túi rác.
Đặc biệt là sau các chuyến bay quốc tế, đồ thừa sẽ được đốt càng sớm càng tốt. Khi được đưa ra khu vực tiêu huỷ, các túi chứa đồ ăn và rác thải đều bị khoá kín để không ai có thể can thiệp, đưa chúng ra ngoài tái sử dụng.
Như vậy có thể hình dung với quy trình này, lượng đồ ăn bị bỏ đi và lượng rác thải từ ngành công nghiệp hàng không lớn đến mức nào. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), năm 2018 đã có 6,1 triệu tấn rác thải đến từ 290 hãng hàng không trên thế giới. Đa phần đều là rác thải khó phân huỷ, ảnh hưởng nặng đến môi trường.
Trước vấn đề trên, nhiều hãng hàng không đã có những cam kết để hạn chế rác thải như tái sử dụng, sử dụng vật liệu an toàn, thân thiện với môi trường hơn như Air New Zealand, JetBlue, Ryanair, Qantas… Các hành khách cũng được khuyến cáo là chủ động mang theo bình nước, dụng cụ ăn uống cá nhân và không nên để thừa, tránh lãng phí đồ ăn.