Nhưng phải làm sao khi nạn phá rừng vẫn tăng cao, để rồi mỗi mùa lũ đến khiến người ta lại phải đau đáu "Lấy gì ngăn lũ".
"Lấy gì ngăn lũ?" - câu hỏi đau đáu của hàng triệu người dân vùng lũ dữ
Cô Nga (52 tuổi, giáo viên trường THCS Lê Quang Tiến) sinh ra và lớn lên tại xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vùng quê nhỏ nơi này quanh năm phải sống chung với cảnh ngập lụt, người dân nơm nớp lo sợ mỗi đợt lũ về.
Cả một vùng quê nước ngập trắng xóa, người dân nuốt nước mắt nhìn cả gia tài trôi theo dòng nước lũ. Những hình ảnh thương tâm ấy đến nay vẫn ám ảnh cô Nga. Trong ký ức của cô, trận lụt lịch sử năm 1999 là kinh hoàng và dữ dội nhất.
"Trận lụt lịch sử năm 1999 là trận lụt kinh hoàng nhất. Tôi nhớ tất cả mọi người phải dọn dẹp đồ đạc lên nhà bà chị dâu có 1 cái gác, mọi người lên tập trung ở đó. Khi ấy, người lớn chỉ ngồi ngủ thôi chứ không dám nằm vì quá đông người. 3, 4 ngày liên tiếp phải sinh hoạt trên cái gác xép ấy", cô Nga ngậm ngùi kể lại.
Cô Phượng (60 tuổi, Bình Định) cũng là một người dân lớn lên ở vùng lũ dữ. Người dân nơi đây luôn cẩn thận, cố gắng chuẩn bị đồ đạc, nhà cửa để chống lũ nhưng vẫn không thể ngăn cản được sự dữ dội của dòng nước mỗi đợt lũ về.
"Ở vùng quê tôi, mọi người xây nhà cửa, sắm đồ đạc đều hướng đến việc ngăn lũ nhưng dù xây thế nào cũng khó lòng ngăn được, nước vẫn nhấn chìm tất cả. Người dân chỉ mong mỏi sao tìm được giải pháp để có thể ngăn lũ, giảm bớt được sự khốc liệt của thiên tai", cô Phượng tâm sự.
Từ nhỏ sống tại vùng quanh năm gặp lũ dữ, cô Nga càng thêm thấu hiểu những tác động đến môi trường ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người dân. Việc chặt phá rừng khiến bão lũ năm sau càng dữ dội, nguy hiểm hơn năm trước.
"Tôi thấy qua mỗi năm, năm sau lụt càng nguy hiểm, càng bất ngờ hơn năm trước do nạn phá rừng tác động nhiều đến môi trường. Từ đó, tôi thấy việc trồng cây gây rừng rất quan trọng. Làm sao bảo vệ được rừng, trồng được thật nhiều cây xanh thì mới có thể góp phần giảm được những trận đại hồng thủy", cô Nga chia sẻ.
Ở dải đất miền Trung, người dân quanh năm chỉ mong muốn lũ nhỏ đi chút xíu, lũ đừng về quá bất ngờ. Thế nhưng, thiên tai khắc nghiệt, người dân phải liên tiếp hứng chịu những trận "đại hồng thủy". Cuộc sống vốn nghèo khổ lại phải đối mặt thêm với khó khăn chồng chất.
"Lấy gì ngăn lũ?" trở thành câu hỏi đau đáu của hàng triệu người dân nơi đây. Họ mong mỏi những biện pháp bền vững để chống được sự khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ. Trồng cây, gây rừng trở thành tia hy vọng giúp người dân miền Trung hướng tới cuộc sống bình yên hơn, ổn định hơn.
Trồng rừng chính là "nuôi trồng" những hạt mầm ước mơ của các gia đình vùng lũ
Những năm gần đây, lũ lụt ngày càng gia tăng, thậm chí thảm họa lũ lụt ập xuống nhanh hơn, khốc liệt hơn, thiệt hại ngày càng to lớn hơn. Một trong những nguyên nhân chính là do vấn nạn phá rừng. Thực tế cho thấy, nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung đang bị thu hẹp gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn, giảm khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ. Hiện, độ che phủ rừng nước ta còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm, Việt Nam mất 2.430 ha rừng.
Chứng kiến sự khốn khó, cực khổ của đồng bào vùng lũ qua bao năm, chúng ta càng thêm thấu hiểu sự quan trọng của việc trồng cây, gây rừng. Mỗi người trồng một cây thì sẽ có thêm hàng triệu triệu cây, tạo thành một lớp chắn mạnh mẽ, bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của con người trước bão lũ, trước sự khắc nghiệt của thiên tai. Các chiến dịch trồng cây cũng cần được xúc tiến mạnh mẽ vì màu xanh của đất nước, các vườn xanh như Động Châu - Khe Nước Trong, Quảng Nam và sông Thanh, Quảng Bình hứa hẹn sẽ góp phần khắc phục phần nào những thiên tai từ mẹ thiên nhiên.
"Tôi thấy giải pháp ngăn lũ lụt hiện nay là phải bảo vệ rừng. Mình có thể tiến hành từ những việc đơn giản nhất là trồng cây xanh. Là giáo viên, tôi cũng thường nhắc nhở con cái và học sinh tham gia trồng rừng, trồng cây để tạo một môi trường xanh", cô Nga chia sẻ.
Là người làm công tác xã hội, cô Phượng cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc trồng rừng. Bởi vậy, cô luôn tích cực để người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ sau này tích cực tham gia trồng cây và bảo vệ môi trường.
"Tôi làm bên công tác xã hội, bên hội phụ nữ cũng thường đi trồng cây, mọi người trồng rừng và bảo vệ rừng. Đối với những người sinh ra ở vùng lũ thì trồng rừng chính là 'nuôi trồng' những hạt mầm ước mơ của các gia đình. Tôi cũng hướng con cái của mình và các thế hệ trẻ sau này đến việc trồng cây, bảo vệ rừng như một cách để bảo vệ cuộc sống của người dân", cô Phượng khẳng định.
Mọi người hay nói miền Trung là "khúc ruột yêu thương", nhưng buồn thay, khúc ruột đó bao năm trời vẫn phải "oằn mình" chống lũ. Vì vậy, chúng ta - những người may mắn không chịu nỗi đau từ thiên tai, hãy cùng nhau bắt tay vào việc trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất nước. Để rồi ta cùng hy vọng những mầm xanh đó sẽ biến thành hạt mầm ước mơ, mang bình yên đến người dân vùng lũ!