Thời gian gần đây, thông tin về các cụ ông cụ bà chuyển sang làm YouTube ngày một nhiều, khởi đầu với hiện tượng "Bà già 61 tuổi" cách đây ít lâu. Tính tới thời điểm hiện tại, không chỉ 1, 2 mà thực chất còn thêm nhiều kênh nữa đều do các ông bà lập ra và đứng tên, làm video chính chủ đam mê không kém gì các YouTuber trẻ khác.
Có mới có cũ, có nổ có xịt, trong khi một số kênh chỉ nổi lên tàm tạm, không quá đặc sắc thì mới đây nhất, một cái tên mới mang tên "Bà Tân Vlog" đã khiến rất nhiều người phải trầm trồ. Thành tích tới nay của bà đã lên tới 250.000 sub chỉ sau hơn 1 tuần đăng video nghiêm túc, ngưỡng triệu view/video cũng đã đạt được ngon ơ. Những con số đó thật sự là một ngưỡng cửa thách thức có thể mất tới hàng năm trời để đạt được với nhiều người, kể cả là giới trẻ được cho là tiếp xúc và làm quen với công nghệ dễ hơn người già.
Bà Tân Vlog đã tăng hơn 50.000 sub chỉ trong 1 ngày từ 15/5-16/5.
Một số kênh YouTube của các ông bà khác.
Theo nhận định của phần lớn cư dân mạng, hầu hết các kênh YouTube của các ông bà đều được con cái hỗ trợ xây dựng cùng, đặc biệt có "Bà Tân Vlog" phất lên nhanh nhất nhờ kênh triệu sub của con trai chung tay quảng bá, kéo view. Từ hôm qua (15/5) tới hôm nay (16/5), kênh của bà đã tăng 50.000 sub - một con số có thể nói là khổng lồ! Trong khi đó, các kênh cùng thể loại "người già làm YouTube" khác có tốc độ tăng trưởng chậm, đều đều hơn, không thể bì kịp với Bà Tân.
Theo dõi trong một số Group kín của nhiều người làm YouTube, già trẻ gái trai, nút vàng nút bạc đủ cả, luồng ý kiến và suy nghĩ của dư luận về hiện tượng này đã chia làm khá nhiều hướng.
Khá nhiều ý kiến dư luận khác nhau được đưa ra về hiện tượng các cụ ông cụ bà làm YouTube.
- Chỉ trích, xem nhẹ thành tích: Một bộ phận YouTuber sau khi biết tin đã có phần mạnh miệng, không thực sự công nhận thành tích của các ông bà làm YouTube. Nên nhớ rằng vài nghìn sub YouTube trong thời kỳ đầu lập kênh cũng là cả một vấn đề, vì thế họ cho rằng tất cả đều nhờ bàn tay của người khác câu kéo hộ, chống lưng nên mới có thể phát triển nhanh như vậy. Cuối cùng, họ kết luận đó là một sự bất công cho nhiều người "làm YouTube chân chính, đam mê" khác.
- Săm soi, bóc mẽ tiểu tiết: Cũng có thái độ gần giống với kiểu 1, nhưng những người này tập trung vào việc nhận xét chi tiết và cách làm nội dung nhiều hơn. Video đơn giản, ngô nghê, không đặc sắc; soi xét đây là kênh mua lại có sẵn sub để làm tiếp... rất nhiều những lý do được họ tìm ra để phục vụ quan điểm của mình. Thậm chí, một số người còn cho rằng YouTube sẽ sớm "chặn" hoặc không thể cho bật kiếm tiền với những thể loại video như vậy vì nội dung không có nhiều giá trị.
- Ủng hộ, trung lập và ôn hòa: Trái ngược với 2 thành phần trên, vẫn còn đó những người mang quan điểm ủng hộ các ông bà làm YouTube, phê phán tư tưởng soi xét, kỳ thị và ghen ghét. Họ cho rằng dù có hay không hỗ trợ cũng là công sức chính đáng, không có lý do gì để hạ bệ và đánh đồng tiêu cực. "Bản thân muốn làm như người ta thì hãy nỗ lực phấn đấu, cứ đăng bài chỉ trích thì bao giờ khá nổi," một cư dân mạng comment.
Thực chất, xu hướng người già chuyển dịch sang chạy đua với thời đại 4.0, tham gia làm YouTube đã xuất phát từ khá lâu, chủ yếu từ Trung Quốc với dịch vụ livestream nở rộ mạnh mẽ, vượt xa cả giới hạn Facebook và YouTube như chúng ta thường biết. Xét cho cùng, những sản phẩm của các ông bà có thể không được đẹp đẽ, trau chuốt và hiện đại phù hợp với thị hiếu chung của nhiều người, nhưng cũng không hề vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của YouTube. Nếu có bất kỳ sai trái nào xảy ra, YouTube sẽ là bên chịu trách nhiệm và xử lý đầu tiên, còn nếu không, biết đâu một ngày chúng ta lại thấy một số ông bà trở thành "sao" triệu view, triệu sub cũng có thể lắm chứ.