Những ngày vừa qua, tại Ấn Độ đã diễn ra tình trạng nắng nóng cực điểm. Hôm thứ Năm (30/5), hãng tin Reuters đưa tin nhiệt độ ở New Delhi đã đạt mức cao kỷ lục 52,9 độ C.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng nhiệt độ khắc nghiệt trên khắp Ấn Độ đang gây ra tác động tồi tệ nhất tại các siêu đô thị đông đúc của đất nước. Các vùng phía tây bắc và miền trung Ấn Độ đã trải qua đợt nắng nóng dẫn đến sóng nhiệt nghiêm trọng trong nhiều tuần, khiến các chuyên gia cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt đang nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.
Chính quyền hiện chưa công bố thống kê về số ca tử vong chính thức do đợt nắng nóng hiện nay trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngày 31/5, bang Bihar và bang Odisha cho biết ít nhất 15 người đã tử vong nghi là do say nắng. Cộng thêm các báo cáo từ nhiều bang khác, đến nay đã có ít nhất 36 người thiệt mạng vì nắng nóng. Trước tình hình đó, Tòa án nhiều bang đã đưa ra đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp.
Do nhiệt độ tăng cao, Phó Thống đốc New Delhi Vinai Kumar Saxena hôm thứ Tư (29/’5) đã chỉ đạo chính phủ đảm bảo các biện pháp được thực hiện để bảo vệ người lao động bằng cách cung cấp nước và các khu vực râm mát tại các công trường xây dựng, đồng thời cho họ nghỉ phép có lương từ trưa đến 3 giờ chiều.
Đợt nắng nóng năm nay cũng trùng với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quốc gia, buộc nhiều người phải chịu nắng nóng để đi bỏ phiếu.
Một người đàn ông đang tắm dưới dòng nước đổ từ đường ống ở vùng đồng bằng Yamuna trong một ngày nắng nóng.
Người dân Ấn Độ đang phải chật vật đối chọi với cái nóng kỷ lục
Các nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra đã tạo ra tác động nhiệt nghiêm trọng ở Ấn Độ và cần được coi là một cảnh báo.
Aarti Khosla, giám đốc viện nghiên cứu Xu hướng khí hậu, nói với hãng tin AFP rằng các thành phố dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng hơn do “tác động phức tạp của đô thị hóa và biến đổi khí hậu”.
Bà nói: “Dự kiến sẽ có nhiều ngày nóng hơn, khô hạn kéo dài và ít mưa hơn khi mô hình thời tiết tiếp tục thay đổi do lượng khí thải của con người tăng lên”.
Friederike Otto, nhà khí hậu học tại Đại học Hoàng gia London (Anh) và giám đốc World Weather Attribution, cho biết: “Nỗi đau khổ mà Ấn Độ phải đối mặt trong tuần này còn tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, do đốt than, dầu khí và nạn phá rừng”.
Quốc gia đông dân nhất thế giới là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba nhưng đã cam kết sẽ đạt được nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2070 - 20 năm sau hầu hết các nước công nghiệp hóa phương Tây.
Nguồn: Aljazeera, Reuters