Chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng, cậu bé 15 tuổi đi khám mới biết xương hàm phải bị ăn mòn một nửa

Gà, Theo Helino 19:13 13/09/2019

Ôm hàm răng đau ê ẩm suốt 1 năm trời, cậu bé người Trung Quốc không ngờ rằng mình phải đối diện với một loại u nghiêm trọng ở khoang miệng.

Vào khoảng 1 năm về trước, cậu bé Tiểu Mạc (15 tuổi) sống tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã gặp phải tình trạng đau nhức răng ê ẩm, thậm chí một số chiếc răng còn có hiện tượng xỉn màu. Dù vậy, sau đó cơn đau này cũng biến mất và nó không gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống nên Tiểu Mạc đã bỏ qua việc đi khám nha sĩ.

Cho đến những ngày gần đây, Tiểu Mạc bỗng cảm thấy cơn đau nhức răng lại xuất hiện và lần này nó còn tồi tệ hơn so với một năm trước. Do đó, bố mẹ đã đưa Tiểu Mạc vào Bệnh viện Nhân dân số 1 Hàng Châu để kiểm tra răng. Ban đầu, gia đình nghĩ có thể chỉ là do Tiểu Mạc chưa vệ sinh răng miệng đúng cách. Tuy nhiên, sau khi nhận kết quả chụp X-quang và nghe thông báo từ bác sĩ thì cả bố mẹ lẫn Tiểu Mạc đều vô cùng bất ngờ. Bác sĩ cho biết, một nửa xương hàm bên phải của Tiểu Mạc đã bị ăn mòn, thậm chí còn đang xuất hiện một lỗ thủng lớn.

Chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng, cậu bé 15 tuổi đi khám mới biết xương hàm phải bị ăn mòn một nửa - Ảnh 1.

Trong khoang miệng của Tiểu Mạc có chứa khối u ameloblastoma (u nguyên bào tạo men - u men). Đây là một loại u răng lành tính, chiếm tỷ lệ cao trong các loại u vùng hàm mặt. Chính sự phát triển, xâm lấn của u men đã làm biến dạng mặt theo thời gian.

Phương pháp điều trị cơ bản cho loại u này là cắt bỏ phần bị tổn thương, nhưng việc tái tạo lại hàm sau ca phẫu thuật mới là điều khó nhất. Bởi cấu tạo hàm khá phức tạp, nếu căn chỉnh lệch trong quá trình phẫu thuật có thể gây tắc nghẽn, từ đó làm người bệnh không thể ăn uống hay sinh hoạt bình thường. Thêm nữa, trong môi trường miệng cũng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, không có lợi cho việc chữa lành sau khi tái tạo hàm.

Chủ quan trong việc chăm sóc răng miệng, cậu bé 15 tuổi đi khám mới biết xương hàm phải bị ăn mòn một nửa - Ảnh 2.

Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật sử dụng vạt xương iliac mạch máu được thiết kế dựa trên công nghệ CAD/CAM và công nghệ tạo mẫu nhanh để tái tạo các khiếm khuyết xương hàm cho Tiểu Mạc. Rất may là sau đó, ca phẫu thuật diễn ra thành công nên Tiểu Mạc đã có thể ăn uống và nhai thức ăn bình thường thông qua phương pháp điều trị cấy ghép nha khoa.

Một số triệu chứng điển hình của u nguyên bào tạo men

*Với xương hàm trên: Tùy vào mức độ phát triển, kích thước và khả năng xâm lấn mà có thể biểu hiện thông qua các triệu chứng sau.

- Nghẹt mũi.

- Mất khứu giác.

- Tê môi trên, má, cạnh mũi cùng bên do ảnh hưởng dây thần kinh V2.

- Sưng khối ở tầng giữa mặt, phồng xương ngách lợi.

*Với xương hàm dưới:

- Giai đoạn sớm: U thường phát triển chậm, âm thầm và hầu như không có dấu hiệu gì. Đa phần sẽ phát hiện thông qua phim chụp X-quang. Ngoài ra, một số trường hợp cũng cần phải kết hợp với kết quả giải phẫu bệnh lý.

- Giai đoạn u men phát triển: U men phát triển theo mọi hướng gây phá hủy xương và các mô xung quanh, từ đó làm tiêu ngót chân răng, tê môi cằm... Khi u phát triển lên kích thước lớn hơn sẽ gây phồng xương, biến dạng mặt, mất thẩm mỹ. Răng trên u có thể lung lay hoặc di lệch, có người than đau nhức, khó chịu, chảy mủ.

- Giai đoạn nặng: U có kích thước lớn, gây phồng xương nhiều, mặt biến dạng rõ, xương bị phá hủy. Bệnh nhân thấy đau nhức nhiều, răng lung lay nhiều, hay bị xô lệch.

Source (Nguồn): Sohu