Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5%

Nguyễn Trang, Theo VOV 20:45 11/07/2019
Chia sẻ

Chiều nay (11/7), Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5% để trình Chính phủ phê duyệt.

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ 2 nhằm thống nhất về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Sau nhiều giờ thương lượng, đại diện phía doanh nghiệp và người lao động đã tìm được tiếng nói chung về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5% - Ảnh 1.
Đại diện Hội đồng tiền lương quốc gia thông tin về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020.

Như vậy, mức tăng lương tương ứng của tối thiểu vùng 1 là 240.000 đồng, vùng 2 là 210.000 đồng, vùng 3 là 180.000 đồng, vùng 4 là 150.000 đồng.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá, mức tăng này không những đáp ứng 100% mà còn vượt 0,3% mức sống tối thiểu theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27 đề ra đến năm 2020 mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 thêm 5,5% - Ảnh 2.

Mức tăng lương tối thiểu từng vùng năm 2020.


Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với mức tăng này, vì sẽ "đội” chi phí của doanh nghiệp lên cao. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều trong thay đổi công nghệ, nâng cao tay nghề của người lao động, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để tăng năng lực cạnh tranh.

Ông Phòng cũng cho rằng, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang giảm, do đó, nếu không có những nỗ lực và tính toán cẩn thận, doanh nghiệp có thể bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

Trong khi đó, đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tỏ ra hài lòng với mức tăng lương 5,5%.

“Tăng lương tối thiểu quả thực tạo ra những áp lực cho doanh nghiệp, nhưng đó là động lực cho người lao động cống hiến, tăng năng suất lao động và cuối cùng tạo nên sự tăng trưởng, phát triển cho doanh nghiệp”, ông Quảng cho biết.

Trước đó, bước vào phiên đàm phán đầu tiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng từ 7-8%. Trong khi đó VCCI đề xuất không tăng lương để đảm bảo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Khoảng cách giữa các bên đã dần được rút ngắn trong phiên đàm phán thứ 2 để đi đến thống nhất chung.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày