Chiến lược "cứ để Covid-19 lây lan": Mò mẫm trong phòng tối hay lối thoát khỏi đại dịch

Kiều Anh, Theo VOV 16:45 17/01/2022
Chia sẻ

Thủ tướng Australia cùng lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ ở Australia đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tiêm vaccine là lý do then chốt cho việc tại sao nước này sẽ "sống sót" được qua "cơn bão" Omicron, thậm chí cả khi chấp nhận để virus lây lan.

Khi năm 2021 sắp khép lại, nhiều người dân Australia lạc quan thận trọng rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 đã ở phía sau họ. Australia đã vượt mục tiêu tiêm vaccine đầy tham vọng, tức là các lệnh phong tỏa có thể được dỡ bỏ, cả biên giới trong nước và quốc tế đều sẽ tái mở cửa và như Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố, bây giờ nước này có thể "sống chung với virus".

Tuy nhiên, khi Australia thay đổi chiến lược phản ứng trước đại dịch Covid-19, biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao đã tấn công vào nước này. Chỉ trong hơn 1 tháng, số ca mắc đã tăng từ 1.000 ca/ngày lên 100.000 ca/ngày. Những tác động của đại dịch Covid-19 mà Australia gần như từng tránh được thì nay bắt đầu xuất hiện. Hệ thống y tế đang căng mình trong khi nhiều kệ hàng trong siêu thị trống trơn vì các nhân viên mắc Covid-19 phải ở nhà.

Bất chấp số ca mắc gia tăng, hầu hết các bang và vùng lãnh thổ của Australia vẫn tiếp tục chiến lược của mình và cho virus lây lan trong cộng đồng, một cách thức mà một số nhà quan sát cho là hướng tiếp cận "cứ để nó lây lan". Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có phải là một tin xấu trong đại dịch Covid-19?

Liệu có nên "để virus lây lan"?

Trong hầu hết giai đoạn của đại dịch, Australia đều hướng tới chiến lược Zero Covid, tiến hành các biện pháp phong tỏa thường xuyên (Melbourne - thành phố lớn thứ hai Australia đã phong tỏa trong hơn 260 ngày) và thực hiện chính sách kiểm soát biên giới vô cùng nghiêm ngặt. Điều này đã thực sự hiệu quả khi tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Australia thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá về tình hình đại dịch, chính phủ Australia đã quyết định nới lỏng đáng kể các biện pháp hạn chế sau khi một bang hoặc vùng lãnh thổ tiêm vaccine cho khoảng 80% những người trên 16 tuổi. Tất cả các bang và vùng lãnh thổ ở Australia đều đã đạt được mục tiêu này vào những tháng cuối năm ngoái.

Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, vốn đã trở thành một phần của cuộc sống thường ngày, chẳng hạn như đeo khẩu trang, check-in qua các ứng dụng của chính phủ để phục vụ việc truy vết tiếp xúc, cũng sớm được nới lỏng.

Dù vậy, Alexandra Martiniuk, giáo sư và là nhà dịch tễ học tại Đại học Sydney đánh giá, thời điểm cho giai đoạn bước ngoặt của Australia không phải là lý tưởng.

"Một số bang và vùng lãnh thổ thực sự chỉ còn duy trì hầu như rất ít biện pháp hạn chế, ngay cả khi biến thể Omicron xuất hiện... Các nhà khoa học và các chuyên gia đều đang đặt câu hỏi: 'Liệu đây có phải một chiến lược thông minh? Chúng ta vẫn chưa hiểu hết về biến thể Omicron. Liệu chúng ta có nên làm điều này?'".

Chuyên gia này cũng cho rằng: "Chúng ta lẽ ra nên thay đổi kế hoạch khi biến thể Omicron xuất hiện. Chúng ta đang đi thẳng vào một căn phòng tối mà không biết có gì đang ở trong".

Những hàng dài người chờ xét nghiệm và những kệ hàng trống

Giống như nhiều quốc gia trên thế giới, Omicron đã hoành hành dữ dội ở Australia. Một số bang và vùng lãnh thổ ở Australia từng trải qua những tuần không có ca mắc nào nay chứng kiến hàng nghìn tới hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Số ca tử vong hàng ngày đã nhảy vọt từ khoảng 10 ca vào tháng 12/2021 lên hơn 50 ca ở thời điểm hiện tại.

Tác động của đại dịch Covid-19 đã được cảm nhận ở khắp Australia.

Đầu tiên, hệ thống xét nghiệm nhanh chóng bị quá tải. Mọi người đứng chờ hàng tiếng trước các cơ sở xét nghiệm PCR với kết quả bị trì hoãn nhiều ngày. Nhiều hiệu thuốc và cửa hàng đã cạn kiệt kit xét nghiệm nhanh trong khi một số cửa hàng bị cáo buộc nâng giá.

Với số ca mắc tăng quá nhanh, các nhân viên phải nghỉ việc do mắc bệnh hoặc để đáp ứng các điều kiện cách ly, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng.

Các siêu thị đang thiếu một số sản phẩm. Các chuyến tàu ở thành phố lớn nhất Australia là Sydney đang phải giảm lịch trình do thiếu nhân viên. Các nhà hàng KFC cũng đối mặt với việc thiếu gà để chế biến.

"Omicron là một con quái vật. Các quốc gia đều đang đối phó với nó và tình hình ở Australia chưa bao giờ là hoàn hảo. Những điều chúng ta nên làm lẽ ra phải là bẻ lại đường cong dịch bệnh - làm chậm số người mắc bệnh", chuyên gia Martiniuk cho hay.

Đối mặt với biến thể Omicron, các bang và vùng lãnh thổ đã tái áp đặt một số biện pháp hạn chế Covid-19 như bắt buộc đeo khẩu trang và cấm hát hò, nhảy múa tại một số địa điểm.

Một bang hiện đang tránh được làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron là Tây Australia, vốn đang duy trì biên giới với các bang và vùng lãnh thổ khác. Bang này gần như không có ca Covid-19 nào nhưng đang đối mặt với làn sóng chỉ trích vì không cho phép những người Australia ở các khu vực khác vào, thậm chí vì những lý do đặc biệt.

Vaccine cứu sống nhiều sinh mạng

Thủ tướng Australia cùng lãnh đạo các bang và vùng lãnh thổ ở Australia đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tiêm vaccine là lý do then chốt cho việc tại sao nước này sẽ "sống sót" được qua "cơn bão" Omicron.

Khoảng 77% dân số Australia đã nhận được 2 mũi vaccine Covid-19 trong khi 92% dân số trên 16 tuổi đã nhận được 2 mũi vaccine. Australia cũng đang tăng cường nỗ lực triển khai mũi vaccine tăng cường.

Peter Collignon, giáo sư và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Australia cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine cao ở Australia tức là nước này đang ở một vị thế thuận lợi để ứng phó với biến thể Omicron.

"Tình hình vẫn nghiêm trọng và chúng ta vẫn cần thận trọng nhưng không phải tất cả mọi thứ đều tăm tối", chuyên gia này cho hay.

"Trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên, cứ 100 người thì có 1 người mắc bệnh, chúng ta ghi nhận 1 ca tử vong. Hiện nay, chúng ta chứng kiến số ca mắc tăng gấp 10, nhưng ít nhất thì tỷ lệ còn thấp hơn cả như vậy. Điều đó đã phản ánh hiệu quả của chiến dịch tiêm vaccine. Đây là một tin tốt. Ngoài ra, bản thân biến thể Omicron dường như cũng khiến bệnh ít nghiêm trọng hơn".

Giữa bối cảnh chính phủ Australia đối mặt với sự chỉ trích về cách phản ứng trước làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron, Thủ tướng nước này khẳng định, Australia đang ở vị trí thuận lợi để vượt qua dịch bệnh,

"Chúng ta có 2 lựa chọn ở đây: chấp nhận kế hoạch này hoặc phong tỏa. Và hiện tại chúng ta đang thúc đẩy kế hoạch này", ông Morrison nhận định với báo giới.

"Mọi thứ sẽ rất khó khăn. Đại dịch rất khó khăn nhưng Australia đã thể hiện sự kiên cường, kiên nhẫn và kiên quyết của mình. Khuyến cáo y tế tốt nhất có thể là hãy chấp nhận kế hoạch này".

Biến thể Omicron đang "lây lan với tốc độ vô cùng nhanh chóng so với những ước tính trước đây của chúng ta. Nhưng những gì chúng ta chứng kiến là mức độ nghiêm trọng của nó thấp hơn nhiều so với dự đoán", Thủ tướng Australia cho hay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày