Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì?

GH, Theo Báo dân sinh 14:10 15/08/2020

Bình tĩnh và có lòng tin thôi chưa đủ, bạn còn phải chủ động chuẩn bị cho những tình huống chưa từng hình dung tới trước đây.

Có nhiều lý do khách quan và chủ quan với những người rơi vào trường hợp đang đi du lịch/ công tác thì nơi đó trở thành vùng dịch, và nhận được lệnh cách ly ngay lập tức. Việc cách ly là một trong những biện pháp đầu tiên được thực hiện nghiêm ngặt với thông điệp “ai ở đâu, cứ ở yên đó” để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Thử hình dung xem, nếu đang ở một nơi rất xa nhà và lập tức phải cách ly, chưa biết bao giờ mới được trở về thì phải làm gì? Tất nhiên cần giữ sự bình tĩnh, nhưng chưa đủ. Chia sẻ của những người từng bị kẹt lại ở vùng dịch sau đây sẽ là cẩm nang quý báu để mỗi người có thể chủ động xử lý nếu rơi vào trường hợp tương tự, xoay sở về cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Siêu mẫu Minh Tú: Từng kẹt lại ở Bali gần 5 tháng vì đi công tác thời điểm bùng dịch

Dù đã trở về Việt Nam và hoàn thành thủ tục cách ly 14 ngày ở khu tập trung nhưng câu chuyện về quãng thời gian gần 5 tháng kẹt lại Bali của Minh Tú vẫn được nhiều khán giả quan tâm. Nàng siêu mẫu luôn giữ tinh thần lạc quan và cực cẩn trọng trong mọi hoàn cảnh:

“Thật ra đợt sang Bali công tác, Tú chỉ dự dịnh đi khoảng 3 - 4 ngày thôi. Tuy nhiên, vì biến cố bất ngờ nên Tú bị kẹt lại gần 5 tháng. Do vậy, nên Tú chuẩn bị không đủ các vật dụng bảo hộ. Tuy nhiên, sau đó, Tú cũng đặt trên mạng được vài hộp khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, nước rửa tay phòng những khi cần thiết phải ra ngoài. 

Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì? - Ảnh 1.

Như mọi người cũng đã biết, bị kẹt lại ở Bali khoảng thời gian khá dài nên Tú cũng cố gắng tiết kiệm hết sức có thể. Chính do vậy, Tú ưu tiên việc tự nấu ăn. Mỗi khi cần phải đi siêu thị, đi chợ mua đồ ăn hoặc đồ dùng sinh hoạt, Tú đều trang bị kĩ lưỡng từ khẩu trang đến nước rửa tay sát khuẩn. Mặt khác, siêu thị hay chợ là khu vực đông người qua lại nên Tú cũng ý thức trong việc giữ khoảng cách 2m an toàn khi xếp hàng đợi tính tiền hoặc rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với những món đồ trong siêu thị. Cuối cùng là tránh để tay lên mắt, mũi, miệng”. 

Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì? - Ảnh 2.

Phan Ngân (cựu thí sinh The Face): Hơn 20 ngày ở lại Đà Lạt vì cách ly toàn xã hội

Đầu tháng 4, sau khi từ Nha Trang lên Đà Lạt để lấy đồ đạc bị bỏ quên, Phan Ngân cùng nhóm bạn quyết định nghỉ dưỡng vài ngày tại đây. Thế nhưng ngay trước ngày về TP.HCM thì cả nhóm nhận được thông tin về chỉ thị cách ly xã hội. Hội Phan Ngân đã có 20 ngày “ở yên tại chỗ” trên Đà Lạt như thế.

Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì? - Ảnh 3.

Đúng dịp đó, homestay của nhóm Phan Ngân có chương trình ưu đãi cho khách thuê lâu nên khoản chi phí lưu trú được giảm bớt phần nào. Hàng ngày, Phân Ngân cùng các bạn cách ly giữa núi rừng thơ mộng. Sáng dậy sớm, pha một cốc cafe, ăn nhẹ tô mì rồi ngồi ngắm mây trời, nghe chim hót... Đến chiều tối thì cả nhóm lại nhóm lửa, cùng nhau nướng thịt, nướng khoai... 

Vì đang trong thời gian cách ly nên cả nhóm cũng chỉ ở trong homestay. Mỗi tuần đi siêu thị 2 lần, mỗi lần 2 người phụ trách để mua đồ ăn và các đồ dùng cần thiết. Các món ăn vặt ở Đà Lạt vì giãn cách xã hội không được ăn nên hội Phan Ngân quyết định tự làm tại homestay.

Mỹ Duyên (sinh viên tại TP.HCM): Kẹt lại 20 ngày ở vùng dịch Đà Nẵng

Mỹ Duyên (21 tuổi) đi du lịch tại Đà Nẵng từ 25/07, dự kiến 28/07 sẽ trở lại TP.HCM, nhưng khi vừa đặt chân xuống sân bay, đoàn của Duyên đã nhận được thông tin về ca bệnh số 416 và lập tức có lệnh cách ly xã hội từ 26/07: “Lúc đó mình hơi hoảng vì mọi thứ có thể nói là quá nhanh. Vé bay về của mình là 28/07 thì đến ngày 27/07 trên hệ thống vẫn trong trạng thái bình thường nên mình không đổi chuyến bay về sớm hơn. Thời gian đó sân bay rất đông, du khách đổi lịch trình gấp để về nên mình sợ sẽ có nhiều nguy cơ tiềm ẩn ở sân bay. Mình đã dự tính đến trường hợp xấu nhất nên cũng đã liên hệ nhà xe để sáng 28/07 đi về sớm hơn nhưng mà không ngờ từ 0h ngày 28/07 thì có lệnh cấm toàn bộ phương tiện vận chuyển ở Đà Nẵng. Mình đã kẹt lại ở thành phố này như vậy.

Về nơi ở: Rất may, mình được khách sạn hỗ trợ rất nhiều, họ cho mình ở lại tiếp tới khi rời đi với chi phí rất thấp. Lúc đó chính quyền yêu cầu khách sạn khai báo lưu trú cho mình và yêu cầu mình hạn chế ra đường cũng như tiếp xúc với người ngoài và khai báo sức khoẻ mỗi ngày. 

Về ăn uống, sinh hoạt: Nơi lưu trú của mình có bếp khá đầy đủ tiện nghi nên mình nhờ người đi mua đồ về và tự nấu nướng. Bị kẹt lại nên phần kinh tế cũng hơi hạn hẹp vì không biết đến khi nào mới hết cách ly nên mình chi tiêu tiết kiệm hơn.

Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì? - Ảnh 5.

Khách sạn của Mỹ Duyên lưu trú khi kẹt lại ở Đà Nẵng.

Sau khi khách sạn gửi email tới Sở Du lịch để khai báo thông tin mình bị mắc kẹt thì các anh chị bên trung tâm hỗ trợ có gọi hỏi thăm mình rất tận tình, còn phổ biến về chính sách hỗ trợ khách sạn và ăn uống miễn phí. Nhưng lúc đó mình đã tạm lo ổn thoả khoản ăn ở rồi nên nhường lại suất cho người khác. 

Khi bị mắc kẹt, mình chủ động lên mạng tìm thêm thông tin về chính sách huỷ hoàn vé và liên hệ được đến phòng vé Vietjet tại Đà Nẵng. Hãng đã hỗ trợ làm thủ tục hoàn vé thông qua email rất nhanh.

Về thủ tục đăng ký bay về Sài Gòn, mình đã giữ liên lạc với các anh chị bên trung tâm hỗ trợ nên họ đã liên hệ sớm, phổ biến thông tin và giúp mình làm thủ tục đăng ký, xét nghiệm đầy đủ và kịp thời. Vì vậy mà mình đã được trở về TP.HCM trong đợt 13 - 14/08 vừa qua.

Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì? - Ảnh 6.

Hình ảnh Mỹ Duyên cung cấp khi ở khu xét nghiệm, làm thủ tục lên chuyến bay trở về Sài Gòn.

Sau đợt mắc kẹt này, mình đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu muốn chia sẻ: Trước hết, chúng ta phải bình tĩnh, bình tĩnh thì mới tìm được những hướng giải quyết đúng đắn. Sau đó, vì sức khoẻ bản thân và những người xung quanh, nên hạn chế di chuyển đến vùng dịch trong thời điểm nhạy cảm, và nếu đã mắc kẹt như mình thì phải trang bị đủ kiến thức y tế về dịch bệnh, đồ bảo hộ, biện pháp phòng tránh… Quan trọng là cần tin tưởng và nghe theo chỉ dẫn của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương nơi bạn lưu trú. Sẽ không ai bị bỏ lại!”.

Chia sẻ từ những người bị kẹt lại ở vùng dịch khi đi du lịch/ công tác: Nếu rơi vào tình huống này phải làm gì? - Ảnh 7.