Theo CNN đưa tin, một người đàn ông sống tại bang California đã bị bắt giữ do liên quan tới trò chơi khăm qua điện thoại dẫn đến cái chết của một nạn nhân xấu số tại bang Kansas, Mỹ vào hôm 28/12.
Sự việc lần này lại là một ví dụ điển hình của trò chơi khăm tai hại mang tên "swatting" - một người sẽ thông báo giả tới cơ quan cảnh sát về tình huống khẩn cấp mà thực ra nó không hề có gì.
Cụ thể, vào hôm thứ năm, cảnh sát thành phố Wichita nhận được một cú điện thoại thông báo về vụ bắt cóc. Cảnh sát đã ngay lập tức tới hiện trường và không may bắn chết nạn nhân xấu số 28 tuổi Andrew Thomas Finch - người mà thực ra không có liên quan gì tới vụ bắt cóc.
Ngay sau đó, cảnh sát đã bắt giữ Tyler Barriss, nghi phạm thực hiện cuộc gọi điện thoại trên vào hôm thứ sáu. Dự kiến, hắn sẽ phải ra hầu tòa vào thứ ba tuần sau.
Chân dung nghi phạm Tyler Barriss.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Tyler Barriss thực hiện "Swatting". Một trong những tài khoản Twitter của Tyler Barriss mang tên @SWAuTistic. Dù tài khoản này đã bị khóa nhưng CNN đã tìm ra những thông tin liên quan tới tài khoản này và một vài dòng tweet về việc "Swat" mà Tyler Barriss từng muốn thực hiện.
Được biết, hồi năm 2015, Tyler Barriss đã bị bắt giữ vì thông báo bom giả. Hắn ta phải nhận bản án 2 năm tù vì hành động ấy.
Tyler Barriss vốn khá nổi tiếng trong cộng đồng chơi game. Tuy nhiên, mẹ của nạn nhân không hiểu vì sao con trai mình có mâu thuẫn gì với Tyler Barriss vì Andrew không hề chơi game.
Cảnh sát thành phố Wichita Troy Livingston kể lại những gì mà Tyler đã gọi điện thông báo cho sở cảnh sát. Với trò chơi khăm ấy, Tyler đã gọi điện tới sở cảnh sát và nói rằng có một thanh niên cãi nhau với mẹ, bắn chết bố rồi sau đó giữ mẹ, chị gái và em trai làm con tin.
Cảnh sát lên tiếng sau vụ việc đau lòng xảy ra hôm 28/12.
"Chúng tôi thấy tình huống trên vô cùng nguy hiểm. Cảnh sát đã tới hiện trường để xử lý vụ bắt cóc con tin. Khi một người đàn ông từ trong nhà bước ra, một trong 4 cảnh sát đã nổ súng". Cảnh sát cho biết họ đã bắn Andrew sau khi thấy anh ta đặt tay lên eo, như thể muốn rút ra cái gì. Anh ta sau đấy đã được đưa tới bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Tuy nhiên, khi khám nhà, họ phát hiện ra đó chỉ là trò chơi khăm và không có ai bị bắt cóc cả.
"Trò chơi khăm dại dột ấy thực sự đe dọa mạng sống của người khác. Vụ việc lần này là cơn ác mộng với bất cứ ai liên quan, bao gồm cả gia đình nạn nhân và sở cảnh sát. Vì trò chơi khăm này mà một người đã thiệt mạng", Troy Livingston chia sẻ.
Dẫu vậy, mẹ của nạn nhân cho rằng cảnh sát cũng phải có trách nhiệm khi đã nổ súng ngay như vậy.
Khu vực xảy ra vụ việc.
"Swatting" xuất hiện lần đầu vào những năm 2000. Tuy nhiên, mãi đến năm 2008, FBI mới đưa ra những cảnh báo về tầm nguy hiểm của nó. Những người nổi tiếng thường xuyên là đối tượng của trò đùa kiểu này.
Hiện tại, vụ việc trên vẫn đang được tiếp tục xem xét và đưa ra xét xử vào thứ ba tuần sau.
(Nguồn: CNN)