27 năm trước, Debbie Baigrie đã bị bắn vào mặt trong một vụ cướp, và kẻ tấn công cô khi ấy chỉ mới là một cậu bé 13 tuổi. Mặc dù nhỏ tuổi nhất trong băng cướp hôm đó, nhưng Ian Manuel chính là kẻ đã dùng súng bắn vào mặt Debbie.
“Tôi nghe một âm thanh từ phía sau mình: Đừng chống cự, tôi nói nghiêm túc đấy” - Debbie kể lại khoảnh khắc kinh hoàng lúc chạm mặt bọn cướp ngày hôm đó. Khi Debbie quay lại để nhìn người vừa nói ra câu nói ấy, Manuel đã bóp cò, viên đạn trúng vào mặt cô.
Manuel khi còn bé (Ảnh: Starbucks)
Viên đạn sượt ngang qua khuôn mặt Debbie khiến cô cảm thấy đau khủng khiếp, cô thấy một chiếc răng của mình bị gãy và nằm lăn lóc trên mặt đất. Những tên cướp sau khi nghe tiếng súng nổ cùng tiếng hét của Debbie liền lập tức bỏ chạy, còn Debbie thì cố gắng quay trở lại nhà hàng, nơi cô vừa ăn tối để tìm sự giúp đỡ.
Sau khi đi cấp cứu, Debbie được thông báo rằng cô vô cùng may mắn, khi viên đạn trượt qua chỉ làm rụng răng hàm dưới bên trái của cô. Nếu súng hướng lên cao hơn một chút nữa thôi, Debbie có thể đã bị chấn thương não và nguy hiểm đến tính mạng.
Vài ngày sau, Manuel bị bắt trong khi đang lái một chiếc xe cướp được, và ngay lập tức cậu ta thừa nhận mình là người đã bắn Debbie Baigrie. Tuy nhiên, Debbie đã không biết tuổi thật của kẻ bắn súng vào mặt mình cho đến khi cô đọc được thông tin trên báo.
Mẹ và luật sư của Manuel đã thuyết phục cậu nhận tội để được hưởng sự khoan hồng từ pháp luật. Nhưng thẩm phán quyết định đưa ra mức án cao cho Manuel để làm gương cho kẻ khác. Dù nhỏ tuổi nhất băng cướp, nhưng cuối cùng Manuel vẫn bị buộc tội giết người, cướp có vũ trang, và cố gắng cướp có vũ trang như những đồng phạm trưởng thành. Mức án nặng nhất được đưa ra, Manuel bị kết án chung thân.
Dù là nạn nhân, nhưng cô Debbie không đồng ý với phán quyết của tòa án dành cho kẻ hại mình. (Ảnh: Starbucks)
Mặc dù là người bị hại, nhưng Debbie Baigrie không thể tin được vào phán quyết này: "Việc trừng phạt nặng thế này không phù hợp với một cậu bé chỉ mới 13 tuổi".
Hai tuần trước sinh nhật lần thứ 14 của mình, Manuel bắt đầu chấp hành bản án được đưa ra. Cũng trong năm đó, vào dịp lễ Giáng Sinh, cậu quyết định liên lạc với Debbie Baigrie.
Manuel đã bắt đầu cuộc hội thoại rằng: "Chị Baigrie, tôi gọi để chúc chị và gia đình có một mùa Giáng sinh vui vẻ. Và tôi gửi lời xin lỗi đến chị vì hành động bắn vào mặt chị hôm ấy”. Dù Manuel đã mở lời với tất cả sự chân thành, nhưng thực sự mà nói, đó là một cuộc trò chuyện khá khó khăn với Debbie. Vì thế, Manuel đã hỏi rằng liệu cậu có thể tiếp tục thăm hỏi cô bằng cách viết thư hay chăng, thì Debbie đã không ngần ngại mà đồng ý.
Những lá thư liên lạc giữa Debbie và Manuel (Ảnh: Starbucks)
Trong 15 năm tiếp theo, hai người liên lạc thường xuyên hơn qua thư và họ đã trở thành bạn của nhau, một điều thực sự gây bất ngờ với mọi người xung quanh. Debbie Baigrie khá ấn tượng với khả năng viết lách của Manuel thông qua lời lẽ trong thư, nó vượt xa tưởng tượng của cô về một cậu bé 13 tuổi có quá khứ không mấy tốt đẹp.
Bên cạnh những lá thư, Manuel còn gửi kèm cho Debbie các bảng thành tích mà cậu đạt được trong quá trình học tập tại trại giam, để cho cô biết cậu đã cố gắng thay đổi thế nào. Debbie rất vui khi nhận những lá thư từ phía sau song sắt, và cô luôn hồi đáp lại Manuel với lời lẽ khuyến khích, mong cậu cải thiện bản thân tốt hơn dù đang ở trong hoàn cảnh khó khăn ra sao.
Thời gian dường như là liều thuốc chữa lành mọi tổn thương tốt nhất đời này. Bởi lẽ, Debbie không nhớ rõ mình đã tha thứ và quên đi lỗi lầm của Manuel từ bao giờ. Và hơn tất cả, giờ đây cô còn trở thành bạn của Manuel, luôn dõi theo giúp đỡ, nhắc nhở giúp cậu sống tốt hơn.
Bên cạnh việc viết thư cho Baigrie, Manuel cũng viết thư gửi đến các tổ chức về quyền công dân với hy vọng rằng sẽ có một cuộc xét xử lại vụ án của anh. Đến năm 2006, thần may mắn đã nở nụ cười với Manuel, một trong những tổ chức anh gửi thư cầu cứu đã hồi âm.
Tổ chức EJI đã giúp Manuel được xét xử lại (Ảnh: Starbucks)
Tổ chức Equal Justice Initiative (EJI) đã hồi âm cho Manuel rằng họ quan tâm đến trường hợp của anh. Họ không đồng ý với việc kết án chung thân mà không có lệnh tha khi người phạm tội ở độ tuổi trẻ em. Gần đây, tổ chức này đã giúp được một trường hợp trẻ vị thành niên thoát khỏi án tử hình, vì thế họ nghĩ rằng vụ án của cậu sẽ có cơ hội.
Phải mất đến 4 năm sau, tổ chức EJI mới trình bày được trường hợp của Manuel đến Tòa án tối cao. Nhưng lần này, phần thắng dường như nghiêng về phía Manuel, các thẩm phán đảm bảo rằng sẽ hỗ trợ hết sức trong quyền hạn của mình để giúp cậu.
Bảy năm sau đó, người thẩm phán kết án Manuel nhiều năm về trước, bất chấp sự hỗ trợ xin giảm án của Debbie, một lần nữa ra phán quyết cuối cùng cho Manuel. Nhưng lần này, kết quả tốt đẹp hơn mong đợi, Manuel đã được trả tự do.
"Tôi nói với thẩm phán rằng tôi và Debbie đã chờ đợi nhiều năm để hệ thống tư pháp thấu hiểu sự hối lỗi của tôi, và sự vị tha của Debbie dành cho kẻ đã hại mình", Manuel nhớ lại.
Sau 26 năm tù giam, với 18 năm biệt giam, Manuel đã được hít thở không khí của sự tự do. Và người đầu tiên cùng ăn pizza mừng ngày anh trở về này chính là Debbie - nạn nhân suýt bị anh lấy mạng nhiều năm trước.
Người đầu tiên ăn mừng cùng Manuel khi anh được trả tự do chính là Debbie (Ảnh: Starbucks)
Sau khi ra tù, tổ chức EJI còn giúp cho Manuel nhận được thẻ an sinh xã hội cùng một căn hộ để sinh sống, và cả công việc ổn định trong tổ chức của chính họ. Đó là một bước tiến lớn trong cuộc đời Manuel. Dù vậy, anh vẫn phải học hỏi rất nhiều, bởi cả quãng thời gian trưởng thành Manuel đã sống tách biệt với thế giới bên ngoài.
Manuel quả thực rất may mắn khi có những người bạn như Debbie ủng hộ trên đường đời. Debbie nói: “Tôi thấy được con người của Ian. Tôi không nói Manuel không cần phải chịu trách nhiệm về những việc mình đã gây ra. Nhưng tôi nghĩ rằng, khi bạn phạm sai lầm lúc còn quá bé, cụ thể là chỉ mới 13 tuổi, thì bạn xứng đáng được trao cơ hội để thay đổi và làm lại cuộc đời”.
Sự hối lỗi và xin tha thứ từ tận đáy lòng của Manuel đã cứu anh ấy và mang lại sự thanh thản trong tâm hồn cho Debbie. Câu chuyện này cũng cho thấy rằng, mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người có thể giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, cho dù nó đã từng tồi tệ đến đâu.
(Theo Upworthy, New York Times)