Chỉ chuyên khóc thuê ở đám tang người lạ, người phụ nữ bỏ túi 660 triệu/năm, dư tiền mua nhà và nuôi con học đại học

Hồng Ngọc, Theo Helino 14:49 01/12/2019

Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một công việc nhẹ lương cao, nhưng thực tế, người khóc thuê phải chịu một số vấn đề về sức khỏe do than khóc quá nhiều.

Ở Trung Quốc và một số nước châu Á khác, người ta tin rằng than khóc thật nhiều trong đám tang mới có thể thể hiện được sự đau thương của "người ở lại" cũng như giữ được thể diện cho "người ra đi". Chính vì thế và tập tục thuê người than khóc trong các đám tang đã có từ lâu và nó dần trở thành một nghề kiếm sống của nhiều người. Những người chuyên hành nghề khóc thuê này đến đám tang của người lạ và than khóc nức nở như thể người đã khuất chính là người thân, là cha mẹ, anh chị em của họ vây.

Một người phụ nữ Trung Quốc đã hành nghề "buôn nước mắt" này trong suốt 20 năm trời và là một trong những "khóc sĩ" ăn nên làm ra. "Chuyên viên" khóc thuê này cho biết, cứ mỗi 30 phút kêu than, bà kiếm được ít nhất 300 NDT (gần một triệu VNĐ). Ước tính mỗi năm bà thu về khoảng 200 nghìn NDT (660 triệu VNĐ) – mức thu nhập khá hấp dẫn ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Chỉ chuyên khóc thuê ở đám tang người lạ, người phụ nữ bỏ túi 660 triệu/năm, dư tiền mua nhà và nuôi con học đại học

Với khoản thu khá khẩm này, bà vẫn có dư dả để tậu cho gia đình mình một căn nhà tử tế và nuôi hai con trai ăn học. Theo lời của người mẹ hai con: "Công việc này là sở thích của tôi. Tôi hành nghề từ khi còn trẻ và đến nay đã được hơn 20 năm. Tôi đã hỗ trợ được gia đình rất nhiều từ công việc này và đã mua được nhà. Tôi có thể nuôi được hai đứa con trai của mình với số tiền kiếm được, đứa lớn cũng có tiền đi học đại học".

Thoạt nhìn, nghề khóc thuê có vẻ như một công việc nhẹ lương cao, tuy nhiên nó lại không hề dễ dàng như thế. Việc thường xuyên gào khóc có ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của người hành nghề, đặc biệt là cổ họng và mắt. Ngoài ra, họ cũng phải nghĩ ra những bài than khóc bài bản, ý nghĩa theo yêu cầu của gia chủ. Bên cạnh đó, nhiều cư dân mạng cũng lên tiếng chỉ trích vì cho rằng đây không phải nghề tốt lành gì vì người khóc thuê vốn không thật lòng mà họ chỉ diễn.

Nguồn: Shanghaiist, Global Times