Thứ Bảy, Chủ nhật cuối cùng trước khi bắt đầu bước vào kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán , phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) nhộn nhịp người đi chụp ảnh áo dài. Trên mặt đường đến ven hồ, đâu đâu cũng có từng tốp người mặc áo dài, mang theo đạo cụ như hoa, quạt, nón lá... tạo dáng trước ống kính.
Người chụp ảnh đa số là bạn trẻ, chủ yếu phái nữ, nhưng vẫn có nam, trẻ em và cả người trung niên. Mỗi người diện một bộ áo dài khác nhau, ít trùng lặp mẫu mã, họa tiết.
Cảnh tượng dễ thấy nhất là những nhóm bạn thay phiên nhau tạo dáng và chụp ảnh bằng điện thoại thông minh. Những người khác chuyên nghiệp hơn mang theo máy ảnh và tấm hắt sáng hoặc thuê những thợ ảnh dạo ngay tại phố đi bộ.
Trần Ngọc Bảo Châu (16 tuổi, ở Hà Nội) cùng hai bạn gái thân chụp ảnh và quay video TikTok trên đường ở phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ba thiếu nữ mặc áo dài không tay cổ yếm cùng kiểu dáng nhưng khác màu sắc. Họ mang theo bó hoa lay ơn màu cam làm đạo cụ cho buổi chụp ảnh.
Bảo Châu chia sẻ vài năm trở lại đây, trước mỗi dịp Tết Nguyên đán, cô đều mua cho mình một bộ áo dài mới. Đối với cô, áo dài không chỉ là nét truyền thống cần gìn giữ, mà còn đẹp.
Cũng như nhiều cô gái khác, với mỗi bộ áo dài, Bảo Châu chỉ mặc một lần vào ngày mồng 1 Tết Âm lịch. Thiếu nữ Hà thành cho rằng khoác lên mình bộ đồ mới vào ngày đầu tiên của năm đại diện cho sự mới mẻ, từ đó gửi gắm mong muốn những thay đổi tốt đẹp hơn trong năm mới.
Áo dài mà Bảo Châu mua chỉ trong khoảng 200.000-300.000 đồng. Theo cô, mức giá này hợp lý với túi tiền học sinh, chỉ mặc một lần cũng không thấy phí phạm.
Cách nhóm Bảo Châu không xa là Thanh Huyền (22 tuổi) đang giữ đồ cho các bạn chụp ảnh sau khi xong lượt của mình.
Nữ nhân viên văn phòng chọn cho mình áo dài hai lớp đỏ - trắng kín đáo, điệu đà. Thanh Huyền cho biết tranh thủ thực bộ ảnh áo dài Tết trước khi về quê ở Yên Bái nghỉ lễ.
Không như Bảo Châu "tự biên, tự diễn", nhóm Thanh Huyền có nhiếp ảnh gia đồng hành, với máy chụp hình chuyên nghiệp cùng tấm hắt sáng. Tuy nhiên, do đều là bạn bè, các cô gái không tốn nhiều tiền thuê, chỉ phải bỏ ra khoản trà, nước cho hai bạn trai.
Thanh Huyền chia sẻ mỗi năm Tết đến, cô thường mua ít nhất 2 bộ áo dài thay đổi, một để chụp ảnh ở Hà Nội, còn lại dành cho ngày đầu xuân ở quê.
"Mỗi bộ rơi vào khoảng 250-400.000 đồng. Đó là chi phí hợp lý nhất đối với mình. Có nhiều sự lựa chọn đắt hơn, nhưng mình tìm mua áo dài mức giá tầm trung. Mình thấy áo dài mang đậm bản sắc dân tộc, thích hợp mặc vào Tết truyền thống. Bây giờ có nhiều mẫu áo dài cách tân , bọn mình có nhiều sự lựa chọn hơn để mang lại hình ảnh đẹp nhất cho bản thân. Người nước ngoài nhìn vào cũng dễ gây ấn tượng", Thanh Huyền nói.
Bùi An An (13 tuổi, ở Hà Nội) vừa được mẹ mua cho áo dài mới liền rủ nhóm bạn lên bờ hồ chụp ảnh. Thiếu nữ tiết lộ vì không tự tin vào trình độ của bản thân, cô cùng 3 người bạn thuê thợ chụp ảnh dạo tại phố đi bộ với giá 200.000 đồng trong nửa giờ.
An An cho rằng đi chụp ảnh áo dài trong một ngày cuối tuần nắng đẹp là hoạt động thú vị và lành mạnh. Cô thích mình xuất hiện với vẻ xinh tươi, nữ tính, còn có ảnh đẹp để đăng lên mạng xã hội, phù hợp không khí trước thềm năm mới.
Theo An An, áo dài cách tân nhiều kiểu dáng, màu sắc, dễ mặc lại vẫn giữ được nét truyền thống. Năm nào cô cũng xin mẹ mua cho bộ mới để đón Tết.
Hoàng Mai Đức Hạnh (SN 1992, làm việc ở Hoàng Cầu, Hà Nội) không đến phố đi bộ để chụp ảnh, nhưng cho biết đã mua áo dài cho dịp Tết Nguyên đán. Cô đầu tư cho mình bộ cánh hơn một triệu đồng và khẳng định mức giá đó nằm trong khả năng chi trả với tư cách là một nhân viên ngân hàng .
"Tết mỗi năm chỉ có một lần. Mình muốn tự thưởng cho mình bộ đồ đẹp, lịch sự lại có ý nghĩa. Mình nghĩ giống như bánh chưng hay cành đào, áo dài cần phải có trong dịp Tết. Dù mặc được 1-2 lần thôi, mình thấy xứng đáng. Áo dài bây giờ đa dạng, nhiều mức giá, nhưng tiền nào của nấy", Đức Hạnh nêu quan điểm.
Nhật Lệ (SN 1992, ở Quan Nhân, Hà Nội) cho biết vốn không có ý định mua áo dài, nhưng đã thay đổi suy nghĩ sau khi chứng kiến các cô gái mỗi người một vẻ, xinh tươi và rạng ngời.
"Cả năm bận rộn công việc, chăm sóc gia đình, mình gần như quên mất bản thân. Mọi người mặc áo dài đẹp quá, tự nhiên thấy háo hức trong lòng, mình cũng sẽ mua một bộ. Tết phải khác những ngày bình thường đúng không?", nữ nhân viên ngân hàng bày tỏ.
Trời chuyển dần sang tối, khi phố đi bộ vơi dần những người chụp ảnh, cửa hàng quần áo trên đường Ô Chợ Dừa (Hà Nội) vẫn đông đúc khách hàng ra vào.
Cửa hàng có nhiều loại trang phục, nhưng loại được khách thử nhiều nhất là áo dài. Trên giá treo đồ, hàng chục bộ áo dài nhiều màu sắc, chất liệu được bày biện sẵn phục vụ khách sắm Tết.
Cửa hàng đông đúc khách nữ thử áo dài. Video: Petbychang. |
Chị Chang Nguyễn, nhà thiết kế kiêm chủ cửa hàng, chia sẻ bắt đầu bán áo dài từ 13 năm trước. Đó cũng là thời điểm trào lưu mặc áo dài vào dịp Tết Nguyên đán rộ lên trong giới trẻ.
“Mỗi năm, khoảng 2 tháng trước Tết, mình bắt đầu bày bán áo dài. Năm nào cũng vậy, trong suốt 13 năm nay. Riêng năm nay, mình bán sớm hơn một tháng. Do kinh tế khó khăn cộng với trời lạnh muộn hơn, những mặt hàng như đồ len hay áo dạ không được ưa chuộng. Mình quyết định tập trung vào áo dài", chị Chang Nguyễn nói.
Bà chủ 8X cho biết lúc mới bắt đầu mùa bán áo dài, lượng khách cầm chừng. Tuy nhiên, trong tháng cận Tết, nhu cầu tăng vọt, mỗi ngày tiêu thụ trung bình 500-600 đơn hàng, thậm chí có ngày lên đến hơn 1.000 đơn, trong đó 70% là áo dài.
Theo chị Chang Nguyễn, vài tuần trước kỳ nghỉ, cửa hàng gần như không còn áo dài để bán. Xưởng luôn trong trạng thái "căng như dây đàn", thợ may tăng ca đến 1-2h sáng, nhưng vẫn không đủ, hàng ra đến đâu cháy hàng đến đó.
"Cửa hàng mình bắt đầu mở cửa lúc 9h sáng, nhưng từ nửa tháng gần đây, không ít ngày chưa đến giờ đã có khách đến lấy hàng. Trong những năm gần đây, nhu cầu mặc và chụp ảnh với áo dài tăng vọt. Mọi người chụp ảnh với áo dài rồi đăng lên mạng xã hội tạo thành trào lưu. Hầu như mọi phụ nữ, không chỉ riêng bạn trẻ, đều có cho mình một bộ áo dài ngày Tết. Thậm chí trong những dịp quan trọng khác, áo dài cũng trở thành lựa chọn hàng đầu. Trước đây, hiếm bạn trẻ mặc áo dài đi dự đám cưới, chủ yếu là các mẹ hay người lớn tuổi, nhưng giờ đã khác rồi", cô chỉ ra.
Lý giải cho hiện tượng này, chị Chang Nguyễn cho rằng ý thức về văn hóa truyền thống ngày càng được nâng cao. Mọi người không chỉ nhận ra được vẻ đẹp của tà áo dài, mà còn biết đề cao bản sắc dân tộc. Một ví dụ được nhà thiết kế nêu ra là trong một bộ ảnh áo dài mới của cửa hàng, chị bị góp ý vì phối phụ kiện mang hơi hướng Trung Quốc.
Tất cả mẫu áo dài tại PetbyChang đều do chị Chang Nguyễn thiết kế. Tệp khách hàng cửa hàng hướng đến là phụ nữ ở độ tuổi 22-40, cân nặng từ khoảng 70 kg đổ xuống, với 2 kích cỡ là S và M. Ngoài ra, cửa hàng còn có một số mẫu áo dài cho bé gái, thường phục vụ cho những khách nữ có con nhỏ.
Cửa hàng tập trung vào kiểu áo dài cách tân, phom suông, theo đúng thị hiếu của phần đông khách nữ ngày nay. Cũng như các mặt hàng thời trang khác, áo dài cũng theo xu hướng từng năm. Nhưng theo kinh nghiệm bán hàng lâu năm, chị Chang Nguyễn nhận thấy mẫu nào càng cơ bản càng trường tồn, càng đắt hàng. Những mẫu trơn đơn giản bán được hàng nghìn chiếc, trong khi những mẫu cầu kỳ lại khiến khách hàng dè chừng, số lượng xưởng sản xuất cũng hạn chế hơn vì may phức tạp hơn, đắt hơn mà kén người mua. Tuy nhiên, khách đòi hỏi mẫu có kiểu dáng đơn giản nhưng họa tiết phải đặc biệt, không được đại trà quá.
Mức giá áo dài tại cửa hàng trong khoảng 600-900.000 đồng, chưa tính quần mặc kèm (360.000 đồng). So với thị trường local brand (thương hiệu nội địa), chị Chang Nguyễn đánh giá đây là mức giá trung bình - khá, không quá rẻ nhưng cũng không quá cao.
Về việc giá áo dài cao hơn các kiểu trang phục tự thiết kế khác, bà chủ 8X không nghĩ là đắt: "Bỏ qua vấn đề thương hiệu, định mức vải của áo dài gấp đôi váy bình thường, đương nhiên giá đắt hơn. Một chiếc váy thông thường cần dùng 1,5-1,6 m vải, nhưng với áo dài một lớp, cần 1,9-2 m. Áo dài 2 lớp còn cần đến 3,6 m vải cho một cái. Tính tổng giá trị sản phẩm đã cao hơn rồi".
Chị Chang Nguyễn chia sẻ thêm hầu hết doanh thu áo dài đến từ các sàn thương mại điện tử. Mặc dù khách đến cửa hàng thử đồ tấp nập, nhưng chưa đến 10% thanh toán trực tiếp. Mọi người ưa chuộng mua online vì có thể áp mã khuyến mãi và chính sách đổi trả tốt.
Tuy nhiên, điểm bất lợi của mua qua sàn thương mại điện tử trong dịp Tết là tình trạng quá tải. Cửa hàng của chị Chang Nguyễn thông báo dừng bán hàng trên các sàn từ ngày 21/1 để đảm bảo hàng đến tay khách trước Tết.