Chần chừ tiêm vaccine COVID-19 - cuộc chiến về nhận thức diễn ra trên toàn thế giới

Chuyển động 24h, Theo VTV 11:46 26/05/2021

Đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài trong bối cảnh thái độ chần chừ, hoài nghi tiêm vaccine có nguy cơ cản trở cuộc chiến chống dịch.

Hiện 1,7 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được triển khai tiêm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mới chỉ có 5,1% dân số đã được tiêm đủ liều.

Sự chần chừ làm chậm chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới đang bước vào giai đoạn then chốt, nhiều người vẫn còn do dự đi tiêm. Nguyên nhân một phần đến từ những thông tin sai lệch có sức ảnh hưởng trong cộng đồng hay trên mạng xã hội.

Tuần trước, các chuyên gia Mỹ đã tố giác 12 đối tượng phát tán tới 65% lượng tin giả có nội dung bài vaccine trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter. Những người này thường kêu gọi tăng cường "sức khỏe tự nhiên" thay vì tiêm vaccine phòng bệnh. Trên thực tế, trong số các đối tượng này có cả chủ doanh nghiệp bán thực phẩm chức năng muốn quảng bá sản phẩm của mình. Các chuyên gia cảnh báo, những thông tin sai lệch về vaccine lan truyền hiện nay có thể "gây hậu quả chết người" khi người dân không chịu đi tiêm để tạo ra miễn dịch.

Trong khi đó, mới đây tại Ấn Độ, gần 200 dân làng tại bang Uttar Pradesh đã bỏ chạy tán loạn, thậm chí còn nhảy xuống sông khi các nhân viên y tế tới đây tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nguyên nhân họ nhảy xuống sông là vì một số người đã loan tin, đây không phải là vaccine mà là thuốc tiêm độc, dù có 14 người đã được tiêm chủng tại làng và không có ai gặp vấn đề sức khỏe. Giới chức địa phương cho biết, sau vụ việc này sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của việc tiêm chủng và giải tỏa những nghi ngờ thiếu chứng cứ.

Còn tại Anh, chính tâm lý ngần ngại tiêm vaccine COVID-19 đã khiến một số ổ dịch mới tiếp tục bùng phát. Cụ thể, ở điểm nóng dịch Bolton, thống kê có 19 bệnh nhân bị mắc COVID-19. Dù đã đủ điều kiện được tiêm vaccine COVID-19 nhưng những người này lại nấn ná không tiêm và sau đó đã bị nhiễm chủng B1.6.17 phát hiện tại Ấn Độ.

Chần chừ tiêm vaccine COVID-19 - cuộc chiến về nhận thức diễn ra trên toàn thế giới - Ảnh 1.

Mới chỉ có 5,1% dân số đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (Ảnh: AP)

Sáng kiến khuyến khích tiêm chủng trên thế giới

Bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách, tiêm chủng đang được coi là những tấm khiên hữu hiệu chống lại dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, việc tiêm hay không còn là do ý chí chủ quan của mỗi người dân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hàng loạt biện pháp để khuyến khích người dân tiêm chủng, từ khuyến khích vật chất đến tinh thần, thậm có cả những chế tài nếu việc từ chối tiêm chủng đe dọa đến sức khỏe toàn bộ cộng đồng.

Lợi ích của việc tiêm vaccine COVID-19

Càng chần chừ tiêm vaccine, virus càng biến thể nguy hiểm, người dân càng dễ bị lây, khiến dịch bệnh kéo dài, hậu quả càng thảm khốc. Bản chất việc tiêm vaccine là đưa vật chất hoặc các protein vô hại từ virus vào cơ thể để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể nhằm chống lại virus đó. Các kháng thể sẽ duy trì hoạt động trong cơ thể người được tiêm, từ đó sẵn sàng chống lại các loại virus, vi khuẩn đã được tiêm trong vaccine.

Hiện có nhiều loại vaccine COVID-19 đang được phát triển, phê duyệt và phân phối. Các thử nghiệm cho thấy, vaccine của Pfizer có tỷ lệ hiệu quả là 95% và vaccine của Moderna là 94%. Các loại vaccine khác cũng có hiệu quả cao chống lại virus SARS-CoV-2. Trong một cộng đồng, càng nhiều người có miễn dịch, cộng đồng càng được bảo vệ khỏi bệnh dịch này. Tỷ lệ miễn dịch an toàn cho cộng đồng đối với dịch COVID-19 là 70%, tức là khi 70% người trong cộng đồng đó được tiêm vaccine.

Tuy vậy, virus SARS-CoV-2 không ngừng biến thể. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên đi tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất có thể. Việc chậm trễ tiêm có thể khiến người dân mắc các loại biến thể COVID-19 mang đột biến cao hơn.

Chần chừ tiêm vaccine COVID-19 - cuộc chiến về nhận thức diễn ra trên toàn thế giới - Ảnh 2.

Sự chậm trễ tiêm có thể khiến người dân mắc các loại biến thể COVID-19 mang đột biến cao hơn (Ảnh: AP)

Phá vỡ tư tưởng chần chừ tiêm vaccine

Cần phải phá vỡ tư tưởng chần chừ tiêm vaccine càng sớm càng tốt, như thế mới có thể đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng chống COVID-19, đây là ý kiến của nhiều chuyên gia trên thế giới. Cùng với các biện pháp khuyến khích, chiến dịch nâng cao nhận thức về vaccine cũng đã được tiến hành ở nhiều nơi, khiến nhiều người có quan điểm tích cực, thậm chí thay đổi quan điểm về vaccine.

Sự xuất hiện của vaccine được xem là một thành tựu y học vĩ đại của loài người vì kể từ khi vaccine ra đời, nhân loại đã có được một loại vũ khí hữu hiệu để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong đại dịch COVID-19, việc khuyến khích người dân tiêm vaccine là rất quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết đã đặt mục tiêu sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho 10% dân số của tất cả các nước trước cuối tháng 9 và tiêm cho 30% dân số vào cuối năm nay thông qua việc kêu gọi các nước đóng góp vaccine cho chương trình COVAX.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày