Kỳ thi đại học vừa kết thúc chưa bao lâu, học sinh vẫn chưa hết căng thẳng thì một “đợt sóng” khác lại ập tới, đó là những phản ứng từ cha mẹ. Đặc biệt là khoảng 5 ngày sau khi biết điểm thi, khi cảm xúc đã dần lắng xuống, cũng là lúc nhiều bậc phụ huynh bắt đầu thể hiện những thái độ, hành vi cho thấy rõ chỉ số EQ (trí tuệ cảm xúc) của mình. Và đáng tiếc, không ít cha mẹ EQ thấp lại vô tình khiến con rơi vào trạng thái áp lực hơn cả khi đi thi.
1. So sánh điểm số với con nhà người ta
“Con nhà bác T. được 27 điểm kìa, còn con…”, câu nói tưởng chừng vô hại nhưng lại trở thành cú tát vào lòng tự trọng của con trẻ. Thay vì lắng nghe con nói về bài thi, quá trình ôn luyện hay những khó khăn đã vượt qua, cha mẹ EQ thấp lại chăm chăm nhìn vào bảng điểm và nhìn sang nhà người ta. Trong khi con đang cần sự công nhận, động viên thì lời so sánh lại như đổ thêm dầu vào lửa, khiến con cảm thấy mình không đủ tốt, không xứng đáng để tự hào về nỗ lực của bản thân.
2. Ép con đưa ra quyết định ngay lập tức
Chỉ mới vài ngày sau khi biết điểm, chưa kịp định hình tâm lý hay tìm hiểu kỹ các phương án xét tuyển, nhiều bạn trẻ đã phải đối mặt với áp lực: “Nộp trường nào rồi?”, “Không đậu NV1 thì tính sao?”, “Có thi lại không?”… Những câu hỏi liên tục, dồn dập có thể khiến con rơi vào tình trạng lo lắng, rối bời. EQ thấp khiến nhiều bậc phụ huynh không đủ kiên nhẫn để chờ đợi con suy nghĩ kỹ càng, cũng không nhận ra rằng con đang cần một khoảng lặng để sắp xếp lại tâm lý sau kỳ thi.
3. Chê bai, đổ lỗi thay vì đồng hành
Có người lôi lại chuyện con học không chăm, không chịu học thêm, ngủ sớm quá, chơi điện thoại nhiều để làm bằng chứng cho việc điểm thấp. Có người thậm chí mỉa mai nhẹ: “Đã nói mà”, “Thi kiểu đó thì điểm thế là đúng rồi”... Những lời này, một khi đã thốt ra, không chỉ gây tổn thương tinh thần mà còn dễ khiến con hình thành cảm giác tội lỗi, xấu hổ, tự ti kéo dài. Điều nguy hiểm nhất ở tuổi đang định hình nhân cách.
Cha mẹ thông thái là người biết lựa lời để con cảm thấy tự tin hơn.
4. Áp đặt ước mơ của bản thân lên con
Sau khi biết điểm, nhiều phụ huynh lập tức vẽ đường cho con theo suy nghĩ chủ quan của mình rằng phải vào trường top, phải chọn ngành dễ xin việc, hoặc “Ngày xưa bố/mẹ cũng muốn làm bác sĩ, giờ con học ngành đó đi cho bố mẹ vui”. Những áp lực mang màu sắc kỳ vọng đó, nếu không được xử lý bằng sự thấu cảm, sẽ dễ biến thành gánh nặng đè lên vai con trẻ. Không ít trường hợp con không dám từ chối, cứ thế bước vào cánh cửa đại học mà lòng đầy hoang mang, vì đó chưa bao giờ là điều mình thật sự muốn.
Ngược lại, cha mẹ có EQ cao hành xử thế nào?
Họ không phản ứng vội vã, không đánh giá con qua điểm số. Họ tạo ra không gian an toàn để con chia sẻ cảm xúc, kể cả những nỗi buồn, tiếc nuối hay thất vọng. Thay vì nói: “Chỉ được thế này thôi à?”, họ hỏi: “Con cảm thấy thế nào về kết quả này?” và lắng nghe bằng sự quan tâm thực sự. Họ cũng đồng hành với con trong việc tìm hiểu các nguyện vọng, sẵn sàng cùng con tìm giải pháp nếu không như mong muốn. Sự kiên nhẫn và tinh tế ấy không chỉ giúp con bình tĩnh hơn mà còn tạo nên mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu. Đây chính là điều mà mọi đứa trẻ đều cần, nhất là sau những giai đoạn mang tính bước ngoặt như kỳ thi đại học.
Kỳ thi đại học chỉ là một trong rất nhiều ngã rẽ trong đời. Nhưng cách cha mẹ cư xử sau kỳ thi lại có thể để lại ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý và sự tự tin của con cái. EQ không nằm ở việc biết bao nhiêu kiến thức, mà ở chỗ cha mẹ có thể kiểm soát cảm xúc, đặt mình vào vị trí của con và hành xử bằng sự yêu thương có lý trí. Vì thế, nếu có một điều cần nhắc lại sau 5 ngày biết điểm thi đại học, thì đó là làm cha mẹ, hãy học cách thấu hiểu trước khi kỳ vọng, hãy lắng nghe trước khi đánh giá. Bởi đôi khi, sự im lặng ấm áp còn có giá trị hơn một tràng lời nói đầy tổn thương.
Tổng hợp