Chả lẽ cứ là Rapper ở Underground là phải rap tục, rap chửi?

LH X HL | Design: Đức Minh, Theo Helino 00:00 08/04/2019
Chia sẻ

Bởi nghệ thuật đâu đi kèm với sự dung tục, cay cú nhỉ.

Đừng “lượng hóa” thành công bằng sự phẫn nộ của khán giả

Làn sóng phản đối, công kích RichChoi của cư dân mạng đã cộng hưởng đến mức các trang báo, trang mạng xã hội Hàn Quốc đã đưa tin rầm rộ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh dân tộc trong mắt nước bạn. Cộng đồng fan BlackPink kêu gọi tẩy chay, lên án RichChoi cũng như bảo vệ Blackpink bằng hashtag trên Twitter và Instagram: #ProtectJisoo #RespectJisoo #RespectBlackPink, để yêu cầu lời xin lỗi chính thức.

Đổi sự ủng hộ của đa số để lấy sự bênh vực keo sơn từ thiểu số, chưa bao giờ là một nước cờ khôn ngoan, nhất là với người làm nghệ thuật. Nếu tự nhận mình là nghệ sĩ, xin đừng bao giờ lượng hóa thành công bằng sự phẫn nộ của khán giả. 

Thành công của người nghệ sĩ là những chàng vỗ tay không dứt từ phía khán đài, là cách khán giả hòa cùng lời ca với mình, là khiến sân khấu hòa làm một, không còn khoảng cách giữa “kẻ pha trò” và “đứa ngồi ngó”.

Ngoài số đông phản đối dữ dội, cũng có cơ số người ủng hộ, bênh vực RichChoi bằng những lý luận lỏng lẻo, nghèo sức thuyết phục rằng chửi bậy, lăng mạ tục tĩu là “đặc sản” của nghề Rap trong giới Underground, và người nghe không nên “cổ hủ, lạc hậu” mà phải chấp nhận khi tiếp xúc với “nền văn hóa Underground” này. 

Tuy nhiên, dù là nghệ thuật Underground thì cũng không được phép nằm dưới chuẩn mực xã hội, đạo đức, nhất là khi ngôn từ của Rich Choi khiến người nghe chẳng cảm nhận được gì, họa chăng toàn là "phản cảm". 

Đồng ý rằng trong rap battle, rapper phải xoáy vào những khuyết điểm của đối phương, thông qua ngôn từ công kích trực diện hoặc ẩn dụ, bóng gió, nhưng lôi hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài và cả tôn giáo để châm chọc thì thực sự là thất sách. Chưa kể, khi chúng ta đang hô hào bảo vệ người phụ nữ, thì ở đây, một nam nhân đường đường chính chính lại sỉ nhục hình ảnh phụ nữ trong sự "ngẫu hứng" của mình. Liệu có đáng mặt một đấng nam nhi?

Thay vào đó, những phép ẩn dụ khéo léo, kín đáo và tế nhị đôi khi lại là đòn thâm hậu rất trong rap diss, chứ hoàn toàn bất cần thiết phải văng tục, xúc xiểm đối phương ở mọi khía cạnh như phần lớn các rapper tự nhận hiện nay.

Chả lẽ cứ là Rapper ở Underground là phải rap tục, rap chửi? - Ảnh 1.

Nếu muốn công kích cá nhân cho thỏa mãn cái “ngông” của rap diss, tại sao không xoáy thẳng vào những bất công trong xã hội, hay thói hư tật xấu của đối phương mà đồng thời cũng là thói hư tật xấu của rất nhiều người, để người nghe phải “nhột”, phải “thấm”, phải “thay đổi”, để xã hội, dù là “ngầm” hay “nổi”, đều cùng nhau phát triển và tốt đẹp hơn?

Sao không công kích lối sống buông thả, nghiện ngập, bất tuân pháp luật, mà lại diss nhau vì “thằng này là fan Kpop”?

Sẽ có người nói: “Ồ thế thì đã chẳng phải là rap”. Nhưng nếu rap cứ tồn tại một cách cô độc trong bóng tối để thỏa mãn cái “ngông” của những con người sống về đêm và tự cho mình là chất, thì liệu nó có tồn tại cái gọi là tương lai cho dòng nhạc này không?

“Underground” có chất riêng, nhưng không phải cứ thế mà nằm dưới, nằm ngoài các giá trị về đạo đức

Công chúng có thể không hiểu thế nào là rap, nhưng biết thế nào là lễ độ. Jisoo có thể chỉ là một idol Hàn Quốc xa lạ, nhưng nếu không có một làn sóng phản đối, hay những yêu cầu gay gắt về sự chấn chỉnh cái thứ “tự do lệch lạc” mà các bạn trẻ vẫn nghĩ đó là “nghệ thuật”, là “phóng khoáng”, liệu ngày mai còn ai bị lôi vào những trận “diss battle” bẩn thỉu đó nữa?

Việc Eminem chửi cả mẹ ruột trong các ca khúc của mình, hay Drake và Kanye West thường xuyên cà khịa nhau bằng âm nhạc không thể bị lôi ra làm bình phong cho việc “bạ cái gì cũng lôi vào rap battle”.

Hãy nhớ, chúng ta đang ở Việt Nam, sống trong môi trường nặng về lễ giáo. Chúng ta hâm mộ hình ảnh đàn ông mặc vest, cử chỉ lịch thiệp thì tại sao lại thích văng tục, nói những điều không hay ho? Tiến dần tới thế giới là phát triển cái gọi là "manner", là cách xử sự ngang tầm bạn bè quốc tế, chứ không phải là đua nhau trên con đường đi ngược chuẩn mực. 

Bằng chứng là chỉ một câu hát “I made that bitch famous” cũng khiến quan hệ giữa Kanye West và Taylor Swift căng thẳng đến tận bây giờ. Chứng tỏ rằng chính các fan Âu Mỹ cũng không hoàn toàn đồng lòng nhất trí với việc “diss nhau là bình thường”.

Đó là chưa kể đến việc, cơ sở văn hóa giữa phương Đông và phương Tây là hoàn toàn khác nhau, không thể áp đặt. Hơn nữa, nền văn hóa underground phương Tây đã đi trước chúng ta cả nửa thế kỉ, và có ai dám lớn tiếng khẳng định rằng, thuở mới xuất hiện, underground phương Tây với cái ngông cuồng, bát nháo đó không phải chịu sự công kích dữ dội của cộng đồng người yêu nhạc?

Đó cũng chính là một bài test hoàn hảo cho sức bền của một dòng nhạc. Vâng, nó tồn tại được đến bây giờ, chứng tỏ nó đã gây dựng được một chỗ đứng nhất định. Còn một bộ phận rap battler Việt với giấc mơ hoang đường là bắt khán giả đại chúng phải chấp nhận cái thứ “văn hóa” rất khó chấp nhận trong ngày một ngày hai, hoàn tòan không thể đánh đồng với nền văn hóa Underground của phương Tây.

Chả lẽ cứ là Rapper ở Underground là phải rap tục, rap chửi? - Ảnh 2.

RichChoi có thể tự nhận mình không phải là người làm nghệ thuật, nhưng bất cứ sản phẩm nào hướng tới đại chúng, chắc chắn phải “vị nhân sinh”

Chúng ta thấy gì từ những sản phẩm của RichChoi, chẳng gì cả, “chân” đâu, “thiện” đâu, “mỹ” đâu, ba giá trị cơ bản của nghệ thuật ở chỗ nào thế?

Nếu coi “chân” (trong “chân thật”) là những lời chửi nhau tục tĩu nhưng thật lòng từ các “battler”, thì chắc diss battle cũng được phần nào đó gọi là nghệ thuật.

Nếu cái “thiện” mà RichChoi và màn diss nhau của anh mang đến chỉ là đem lại niềm vui, đem lại một sự phấn khích nông cạn cho đám thanh niên chỉ chầu trực để ồ lên hớn hở khi anh A “diss” anh B cực gắt với những câu chữ mà người ta phải *beep* gần hết, thì chắc việc lan tỏa niềm vui từ chửi nhau đó cũng được coi là “thiện”?

Thế còn “mỹ”, chúng tôi không hề thấy bất cứ sự hoa mỹ nào trong các sản phẩm “âm nhạc” của RichChoi. Nhiều người nói Underground là vậy, “thô” mà “thật”. 

“Thô” thì chắc chắn rồi nhưng chưa thấy “thật” ở đâu cả. Bởi thế nếu RichChoi và bạn bè coi “thật” là “mỹ”, coi vẻ đẹp của nghệ thuật không gì khác ngoài chửi nhau và hả hê vì chửi nhau, thì cũng ổn thôi. Đó là cái “mỹ”, cái “chất” riêng của underground. Nhưng hãy để nó mãi mãi nằm lại underground, nơi có sẵn những người hiểu, chấp nhận và đam mê nó.

Khi RichChoi và các bạn bè của mình mang chủ đề Kpop vào những màn “diss”, đốt sách vở của các em học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, bản thân anh và ekip có dám khẳng định rằng mình không hề muốn lôi kéo sự chú ý của những người ngoài giới?

Họ có dám chắc rằng mình không có ý đồ thu nạp sự ủng hộ từ một bộ phận không hề nhỏ những người vốn đã có sẵn thành kiến với nền âm nhạc Hàn Quốc và cộng đồng fan Kpop?

Nhiều người bênh vực RichChoi bằng lý luận rằng: “Thấy không hợp thì đừng xem”. Song, một khi đã tự xưng là “nghệ sĩ”, đã sản xuất và quảng báo những sản phẩm thị chúng (Rap Battle, MV, Rap Show, …) thì trách nhiệm với hành động và phát ngôn của bản thân sẽ là cái giá đi kèm, và bất cứ ai tiếp xúc với những sản phẩm này đều có quyền đánh giá và chỉ trích.

Thực tế, với giới trẻ bây giờ, những thể loại “nghệ thuật trá hình” như thế này đang ngày càng phổ biến. Điểm chung của chúng là đều núp bóng mác nghệ thuật để tuyên truyền lối sống trụy lạc, tiêu cực như sử dụng chất kích thích, bỏ học, đánh nhau,…. thông qua ngôn từ đa phần là văng tục, lăng mạ hoặc phô bày nội dung tình dục suồng sã và tục tĩu, hay thậm chí dùng những danh xưng nhạy cảm để gọi người khác (The N word).

Điều đáng lo là những loại hình phi nghệ thuật, phản đạo đức như vậy đang càng ngày càng phổ biến vì ca từ, nhạc điệu bắt tai, là cách nhiều bạn trẻ thể hiện sự “cool ngầu” hay phong cách bản thân. Nếu như trượt dài, giới trẻ sẽ vượt quá ranh giới của nghệ thuật chân chính và hình thành lối sống tiêu cực, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Âm nhạc để kết nối con người, không phải để chia rẽ, nhục mạ lẫn nhau

Dù không đam mê rap nhưng chúng tôi cũng biết đến thế giới underground, bởi ở đó có các nhạc sĩ, nhà sản xuất, bạn bè thân thiết của thần tượng. Chúng tôi biết đến họ qua các chương trình về rap của Hàn Quốc như Show me the money, Unpretty Rapstar, nơi người ta “diss” nhau cũng gắt chẳng kém. Họ cũng lôi khuyết điểm cơ thể, đời sống tình dục, scandal trong quá khứ ra để chửi nhau. Chúng tôi hiểu, “battle phải thế”. Tuy nhiên, nếu không phải fan của hình thức này, chúng tôi cảm thấy mình không có nghĩa vụ phải “mở lòng” để đón nhận nó và gật đầu trước lời giải thích sơ sài rằng nó “kiểu thế”, “phải thế”.

Vậy nên, khi thấy thần tượng bị mang ra để câu view, khi thấy công sức học tập của các em học sinh bị coi thường và phá hoại, khi những giá trị đạo đức bị phá vỡ, đảo lộn để tôn vinh, hú hét, để thỏa mãn cái tôi ngông cuồng và nông cạn, chúng tôi có quyền giận dữ, có quyền phản đối.

Và thiết nghĩ, RichChoi cần phải đối mặt với sức ép này, bởi “kẻ nào muốn đội vương miện thì phải chịu được sức nặng của nó”. Nghe đối thủ chửi thì được, cớ sao không nghe được lời phản đối từ khán giả?

Đã là âm nhạc, dù dưới bất cứ bản dạng nào, khoác lên mình thuật ngữ chuyên môn nào, chia làm bao nhiêu dòng, bao nhiêu nhóm, trải qua bao nhiêu thời kì, thì cái đích đến cuối cùng của tất cả những người cầm mic đều là (và phải là) kết nối con người, chứ không có thứ âm nhạc nào sinh ra đã mang mục đích chia rẽ, nhục mạ lẫn nhau.

Chả lẽ cứ là Rapper ở Underground là phải rap tục, rap chửi? - Ảnh 3.

Nếu ai đó nghĩ rap phải chất, phải diss, phải khẩu chiến máu lửa, phải chà đạp tất cả mọi thứ để nổi tiếng, thì tôi xin tặng người đó ca khúc To. Mom của Kisum, một thí sinh trong cuộc thi Unpretty Rapstar của Hàn Quốc.

Một ca khúc đơn thuần là dành tặng mẹ. Tất nhiên, đây không phải là rap battle, nhưng nó chính là rap, mà rap thì không đơn giản chỉ là đọc nhanh, có flow, có beat và chửi lộn.

Với âm nhạc, chỉ “bắt tai” thôi chưa đủ, nghe phải “lọt tai” nữa. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày