Rapper underground và những lần thách thức công chúng: Đừng dùng sự “tự do” của hip hop để làm hại đến cộng đồng

SK, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 05/04/2019
Chia sẻ

Rap Việt có những cái tên kiên trì với đam mê để mở ra con đường từ underground lên với mainstream hay rap Việt có những con người khiến công chúng coi giới trẻ mê hip hop là đua đòi và thiếu văn hóa? Chính những rapper Việt là người nắm trong tay câu trả lời.

Bắt nguồn từ những khu ổ chuột nấp bên dưới sự hào nhoáng của nước Mĩ, nhạc rap, nhạc hip hop – một bộ phận của văn hóa hip hop ra đời như một cách để cho bộ phận người nghèo, người da màu nói lên sự phẫn nộ đối với những vấn đề trong cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở đường phố nước Mỹ, văn hóa hip hop đã lan rộng ra khắp toàn cầu. Không ít nhóm nhạc Kpop được hình thành dựa trên nền tảng hip hop, và nhiều nghệ sĩ ở Trung Quốc cũng đã chắt lọc những điểm nổi bật của rap/ hip hop để làm mới mình trong âm nhạc.

Hip hop bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam vào những năm 2008, tuy nhiên những hoạt động của giới rapper Việt có phần lặng lẽ rồi chính thức bùng nổ trở lại vào năm qua. Thế nhưng trong vài tháng đầu năm nay, scandal "rapper đốt sách" và gần đây nhất là những câu rap xúc phạm đến một nữ thần tượng Kpop đã lại khiến công chúng phải nhìn nhận lại về sự "tự do biểu đạt" của những người trẻ ham mê hip hop.

Sự vô văn hóa dưới lá chắn nghệ thuật hay là "battle phải thế"?

Thật khó để trích dẫn lại những ca từ nặng được rapper Richchoi đã sử dụng trong một cuộc rap chiến gần đây mà không chùng tay. Rap chiến (battle rap) được định nghĩa là thể loại mà người tham gia dùng ngôn từ công kích, xúc phạm đối phương và không ngại sử dụng những từ ngữ tục tĩu. Battle rap vốn là một hình thức không hề xa lạ (kể cả là trong rap Việt), và sự trần trụi, tục tĩu của nó chỉ được đem ra mổ xẻ khi Richchoi đụng chạm đến BLACKPINK – nhóm nhạc Kpop với đông đảo người hâm mộ trên toàn cầu. Từ một cuộc battle thường xuyên xảy ra trong giới underground, tên tuổi của Richchoi đã xuất hiện trên Twitter với hàng ngàn lượt re-tweet và còn đi xa đến mức lên cả một trang tin tức Kpop nổi tiếng.

Rapper underground và những lần thách thức công chúng: Đừng dùng sự “tự do” của hip hop để làm hại đến cộng đồng - Ảnh 1.

Thông tin Richchoi xúc phạm BLACKPINK và Jisoo được đăng tải trên trang tin nước ngoài

Có 2 luồng ý kiến đối nghịch về cuộc đụng độ giữa underground và khán giả chưa từng tiếp xúc với thể loại văn hóa đường phố được đưa ra: một bên cho rằng những rapper không thể nhân danh hip hop để lăng mạ người khác, bên còn lại cho rằng đừng lôi underground ra ngoài ánh sáng rồi áp lên nó những tiêu chuẩn của mainstream, vì underground có "luật lệ" riêng của nó.

Đáp lại lập luận của phía tạm gọi là bảo-vệ-Richchoi, số đông khán giả cho rằng một khi giới underground đưa video lên Youtube – một nền tảng chia sẻ nội dung công khai thì họ đã không còn ở trong "thế giới ngầm" nữa. Họ bắt buộc phải chịu sự đánh giá ngang bằng với tiêu chuẩn văn hóa của số đông. Một khi đi lệch khỏi tiêu chuẩn đó, công chúng có quyền tẩy chay và yêu cầu một lời xin lỗi.

Với những lời rap ngông cuồng của Richchoi trong vụ việc vừa qua, vẫn rất khó có thể bao dung cho Richchoi kể cả trong trường hợp đặt nam rapper này vào chính môi trường underground. Đành rằng BLACKPINK là thần tượng của đối thủ trong cuộc rap chiến, nhưng sự công kích của Richchoi đã đi quá giới hạn khi mang cả Kpop, phụ nữ và tôn giáo ra giễu cợt hòng chiến thắng đối phương. Kết hợp với vụ việc đốt sách tại một trường THPT danh tiếng chỉ vài tuần trước đây, Richchoi đã khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm cho cái gọi là "ngông" hay "chất chơi" của một rapper có tiếng tăm trong làng rap Việt.

Rapper underground và những lần thách thức công chúng: Đừng dùng sự “tự do” của hip hop để làm hại đến cộng đồng - Ảnh 2.

Không dừng lại ở vài câu rap "diss", Richchoi còn khiến khán giả giật mình nhận ra rằng có hàng trăm rapper giống như Richchoi, bất chấp sự khác biệt trong văn hóa Á Đông và văn hóa phương Tây để treo lên cửa miệng những điều tục tĩu.

"Eminem cũng nổi tiếng vì những bài rap diss", "rapper phương Tây còn đem cả bố mẹ nhau ra để diss hoặc battle", một vài lời bênh vực như thế này đã xuất hiện trong cuộc tranh cãi về mặt tối của những rapper Việt Nam. Tuy nhiên, việc đem tượng đài của làng hip hop thế giới như Eminem vào so sánh là khập khiễng bởi sự khác biệt giữa văn hóa Á Đông với văn hóa Âu Mĩ, khác biệt giữa tầm vóc nghệ sĩ là rất rõ ràng.

Lần theo cái nôi của văn hóa hip hop, có thể thấy rằng nhạc hip hop ra đời tại những khu phố được gọi là "ghetto", nơi tập trung nhiều tội phạm và tệ nạn. Sự khắc nghiệt của môi trường sống đi kèm với tự do ngôn luận khiến cho rapper ở phương Tây thậm chí còn có thể phát hành công khai những bài rap "diss". Tuy nhiên, khi lan tỏa tới châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, hip hop cũng bắt buộc phải "nhập gia tùy tục". Chúng ta không mong đợi một cuộc rap chiến với những ngôn từ hoa mĩ, hoàn toàn không có một từ tục tĩu đệm vào và những người tham gia đều mang thái độ thiện chí. Thế nhưng hip hop được du nhập về Việt Nam chứ không sản sinh ra ở Việt Nam, nên ý thức được sự khác biệt về văn hóa để bớt đi những gai góc, những lời lăng mạ không đáng có là điều cần thiết.

Và như những loại hình âm nhạc khác, thể loại rap diss này gây ảnh hưởng không nhỏ lên nhân sinh quan của những khán giả vẫn coi những rapper như Richchoi là thần tượng.

Tính chất phản kháng, sự ngông cuồng trong rap diss thu hút nhiều khán giả tuổi teen, độ tuổi nổi loạn và đôi khi thích thể hiện cái tôi một cách thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, không dễ để những bạn trẻ trong độ tuổi này có thể phân biệt đâu là underground bất chấp luật lệ còn đâu là xã hội với quy chuẩn văn hóa nghiêm ngặt. Một khi ranh giới giữa thế giới underground và thế giới thật bị lẫn lộn, các bạn trẻ mê mẩn Richchoi và những "anh hào" khác trong làng rap Việt sẽ phải nhận lấy trái đắng, vì không như những sân khấu battle, xã hội sẽ không dung thứ cho sự nổi loạn, ngông cuồng.

Con sâu làm rầu nồi canh

Cùng với làn sóng underground nở rộ những năm gần đây, rất nhiều rapper Việt đã trở thành cái tên đắt giá để kết hợp cùng những giọng ca Vpop. Binz, Đen Vâu, Karik, Magazine…, những rapper nói trên đều sở hữu những bản hit từ chục triệu đến trăm triệu view trên Youtube. Tuy rằng đôi khi sự dấn thân của những rapper này bị cho là "mất chất" và bị chính những người anh em trong cộng đồng rap Việt coi thường, nhưng cũng chính những rapper này đã mở ra con đường rộng hơn cho việc phát triển sự nghiệp của toàn thể rapper Việt. Không còn là rap để thỏa đam mê và nổi tiếng trong một cộng đồng nho nhỏ, rapper Việt hoàn toàn có khả năng sống bằng đam mê và được công nhận như cách Đen Vâu đã nói trên sân khấu WeChoice Award 2018, "hàng xóm đã biết tôi làm gì".

Rapper underground và những lần thách thức công chúng: Đừng dùng sự “tự do” của hip hop để làm hại đến cộng đồng - Ảnh 3.

Karik - Đen - Binz... là những gương mặt đến từ giới underground có những sản phẩm mang tầm ảnh hưởng đến đời sống giới trẻ.

Richchoi không phải là cái tên có thể đại diện cho rap Việt, nhưng vì vài câu rap nặng nề cộng với sự nhạy cảm luôn luôn có ở cộng đồng fan Kpop mà nam rapper này đã trở thành ví dụ nổi bật nhất để công chúng nhìn vào thế giới bên trong của rap Việt. Công chúng, bất kể có phải là fan Kpop hay không, sẽ không bao giờ chấp nhận những lời thanh minh rằng đó là "bản chất của battle", "cả thế giới đều như thế" để dung thứ cho những lời lăng nhục một cô gái chỉ vì cô gái đó là thần tượng của đối thủ.

Rap diss, những cuộc battle…, rapper Việt hoàn toàn có quyền làm điều đó, chỉ cần không vượt quá giới hạn như vụ việc Richchoi và BLACKPINK lần này. Nhưng một khi đã không còn là thế lực ngầm mà gián tiếp công khai cho tất cả mọi người bình phẩm thì nên suy nghĩ đến bộ mặt của cả cộng đồng rap Việt mà mình đang là thành viên. Chưa kể đến việc ảnh hưởng cả cộng đồng, thiết nghĩ những rapper này cũng nên cân nhắc để giữ cho mình một lối thoát nếu muốn nghiêm túc phát triển sự nghiệp, hoặc ít ra không trở thành một hình ảnh xấu xí trong mắt xã hội.

Khi mà những giá trị tốt đẹp mà lớp rapper đàn anh của rap Việt dày công gây dựng chỉ mới được nhìn nhận trong thời gian ngắn, rap Việt nói riêng và underground nói chung sẽ lại phải chịu những định kiến về sự tục tĩu và tư duy xốc nổi của một bộ phận rapper.

"Rap Việt ngày nay có gì?" - Rap Việt có những cái tên kiên trì với đam mê để mở ra con đường từ underground lên với mainstream hay rap Việt có những con người khiến công chúng coi giới trẻ mê hip hop là đua đòi và thiếu văn hóa? Chính những rapper Việt là người nắm trong tay câu trả lời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày