Boonpeng In-kaew là một cư dân sống ở Pieng Kok, Chiang Mai, Thái Lan. Như mọi người làm công ăn lương, ông về hưu khi đã 65 tuổi. Thế nhưng vào năm thất thập (70), lão niên này lại đưa ra một quyết định sẽ khiến toàn thế giới phải bội phục.
Boonpeng In-kaew
Thay đổi vì một thảm họa thiên tai 100 năm có một xảy ra ngay trước mắt
Chính xác là vào ngày 24/9/2011, Boonpeng In-kaew quyết định tự chấm dứt những tháng ngày hưu trí. Vào ngày này, một trận lũ quét kinh hoàng đã xảy ra tại Pieng Kok, ngôi làng miền núi xa xôi nằm trong thành phố Chiang Mai của Thái Lan, nơi ông sinh sống kể từ khi mới lọt lòng.
Chỉ trong vòng vài tiếng, trận lũ san bằng toàn bộ ngôi làng, đánh sập cây cầu quan trọng nhất, nhấn chìm khu rừng và đường xá xung quanh trong biển nước. Có tổng cộng 2 người thiệt mạng và 80 ngôi nhà bị phá hủy.
Thảm họa tự nhiên chính là nguyên nhân thúc đẩy Boonpeng đứng lên vì cộng đồng
"Ở làng tôi, thiên tai là thứ thường niên. Mỗi năm đều có một vài trận lũ nhỏ hoặc cháy rừng, nhưng không lần nào tai hại như vụ lũ quét năm 2011," - Boonpeng nhớ lại. "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi rằng một thảm họa khủng khiếp như thế lại có thể xảy ra ở đây. Chúng tôi chưa từng gặp trận lũ nào nghiêm trọng trong hơn 100 năm rồi."
Cùng lúc ấy, Thái Lan cũng đang phải lao đao đối phó với các hậu quả thảm khốc tương tự trên quy mô toàn quốc. Không thể cứ ngồi chờ đợi chính quyền đến giải quyết, Boonpeng đứng ra chỉ đạo mọi người trong làng. Ông xác định những ngôi nhà cần sửa chữa khẩn cấp nhất, tranh thủ sự trợ giúp từ một tổ chức cứu trợ địa phương, đảm bảo cái ăn tạm thời.
Xây dựng chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai và vận động cả làng thực hiện
Sau trận lũ quét không ngờ, Boonpeng cũng nhận ra cái mà mọi người cần không chỉ là ứng phó trước mắt mà còn về lâu về dài nữa. Gạt phăng suy nghĩ sống nhàn nhã nốt những tháng ngày còn lại, ông tích cực vận động toàn bộ bà con trong làng chung tay thực hiện dự án Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai (Disaster risk reduction - DRR).
Đã luống tuổi nhưng Boonpeng vẫn không ngừng nghiên cứu, tiến hành thực hiện dự án DRR
Việc đầu tiên là phải đắp đập ngăn dòng chảy. Nó vừa có tác dụng quản lý mực nước, giảm thiểu khả năng bị lũ quét bất thần, vừa cung cấp một trữ lượng dồi dào khi đến mùa khô nóng.
Tiếp đến là trồng cây hai bên bờ sông để bảo vệ đất khỏi bị sụt lở, dạy dỗ trẻ em hiểu tầm quan trọng của việc làm này cũng như các dấu hiệu cảnh báo thiên tai.
Sau kế hoạch 3 năm DRR đầu tiên hoàn tất, Boonpeng lại mở ra kế hoạch 3 năm tiếp theo. Kết hợp với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ông cho dân làng tập dượt sơ tán người già yếu, phụ nữ mang thai và trẻ em, rồi chia sẻ kinh nghiệm với các làng xung quanh.
Rất nhanh, DRR của Boonpeng đã được 10 làng học hỏi và làm theo. Thú vị nhất là thay vì thanh niên trẻ khỏe, Boonpeng lại nỗ lực "tuyển dụng" người già. "Tụi nhỏ còn bận rộn với cuộc sống và phải đi làm," – ông giải thích.
78 tuổi vẫn không ngừng vì mọi người
Thoắt cái, 8 năm đã trôi qua. Boonpeng hiện đã 78 tuổi nhưng vẫn đứng ra chỉ đạo nhóm ứng phó thảm họa thiên tai của làng và lên các chiến lược phòng chống hiệu quả. Trong các buổi tập dượt phòng chống thiên tai của ông, không ai được phép vắng mặt.
Nhìn vào Pieng Kok, bạn sẽ thấy nó cũng tương tự như các ngôi làng hẻo lánh khác. Thanh niên vừa đủ lông đủ cánh đã rời làng, tìm kiếm công việc và cơ hội ở những thành phố đông đúc. Thành ra trong làng chỉ còn toàn người già cả và trẻ em.
Thiếu đi các trụ cột khỏe mạnh, sức kháng cự trước thảm họa thiên nhiên cũng yếu.
Mà thiên tai thì xảy ra liên miên, có đủ các loại hình, nào lũ lụt, hạn hán, nào lở đất, động đất... Bằng cách chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng ứng phó, Boonpeng giúp mọi người nâng cao cảnh giác. Đồng thời, ông còn kéo họ xích lại gần nhau hơn.
Ở Pieng Kok, sự có mặt của Boonpeng giống như keo dính kết nối người với người. Tiếng lành đồn xa. Chẳng mấy chốc ông đã trở thành tấm gương của toàn thế giới. Năm 2014, nhân ngày giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc tế, ASEAN nhiệt liệt vinh danh Boonpeng là "Nhà vô địch gắn kết cộng đồng".
Thực tế thì không chỉ sau năm 2011 mà trước đó, Boonpeng cũng đã có những hành động thực tiễn nhằm cải thiện an toàn cho cư dân. Ngạn ngữ Thái Lan có câu, "Người có kiến thức thì nên truyền bá kiến thức." Tinh thần vì mọi người của Boonpeng xuất phát từ ý thức trách nhiệm tự thân. Nhờ nó, ông tìm được mục đích để sống hết mình.
Tuổi tác không phải là vấn đề, bởi "Sống là phước lành," – Boonpeng cười, đuôi mắt nhăn tít tươi vui. "Sống, ấy chính là điều quan trọng nhất."
Tham khảo: National Geographic, Helpage