Theo báo cáo từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (United States Environmental Protection Agency) thì bắt đầu từ thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình của hành tinh đã cao hơn trước đó 0,6 ± 0,2 độ C. Bước sang thế kỷ 21, hiện tượng tiếp tục diễn tiến xấu, có thể sẽ tăng từ 1,1-6,4 độ C.
Trên khắp thế giới, tác động tồi tệ của hiện tượng Trái đất nóng lên đang hiển hiện. Băng ở Bắc cực tan mỗi lúc một nhanh, khiến nước biển dâng cao. Khí hậu bị ảnh hưởng, trở nên cực đoan tại mọi vùng miền.
Cần tăng gấp đôi diện tích đất đai bảo tồn
Để nhanh chóng ổn định cục diện, toàn bộ các quốc gia trên thế giới đều cần phải tăng diện tích đất bảo tồn hiện có lên gấp đôi.
Thực tế thì từ lâu, Chiến dịch Wyss vì Thiên nhiên (Wyss Campaign for Nature) đã từng kêu gọi hãy dành ra 30% đất đai của hành tinh cho thiên nhiên hoang dã.
Cần gấp rút hoàn trả 50% diện tích đất liền cho thiên nhiên hoang dã
"Không có tự nhiên thì không có chúng ta," - Enric Sala, một thành viên của Wyss khẳng định. Các đất nước trên toàn cầu cũng đã thống nhất sẽ dành 17% đất liền cùng 10% đại dương cho công tác bảo tồn, đảm bảo đến năm 2020 là hoàn tất mục tiêu. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra đa phần không đáp ứng được cam kết này.
Đáng ngại là Trái đất lại không thể chờ đợi. Theo phán đoán mới nhất của các nhà nghiên cứu thì trừ khi chúng ta dành riêng cho tự nhiên 30% đất đai, thêm 20% được ổn định khí hậu – tổng cộng là 50% diện tích, thì mới chắc chắn giữ được mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C.
Không thể để nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng ngoài 1,5 độ C
Trước đó, Tạp chí Climate Change từng công bố một dự đoán về tác động của nóng lên toàn cầu trên tính toán bằng máy tính. Theo đó:
Nếu nhiệt độ Trái đất tăng 3,2 độ C (theo thỏa thuận bảo vệ khí hậu của các quốc gia), 60% các loài thực vật và 50% các loài động vật sẽ tuyệt chủng.
Nếu tăng 2 độ C, thế giới có triển vọng bảo vệ tự nhiên cao hơn nhưng vẫn sẽ mất 35% các loài.
Nếu nhiệt độ toàn cầu nóng hơn hiện tại 1,5 độ C, Trái đất sẽ đánh mất hệ sinh thái đang có
Còn nếu tăng 4,5 độ C (trường hợp không có biện pháp giảm thiểu nóng lên toàn cầu), 70% các loài thực vật, động vật lưỡng cư không còn trên mặt đất, 60% các loài thú, bò sát, chim biến mất khỏi hành tinh.
Để bảo vệ hệ sinh thái hiện tại của địa cầu, nhiệt độ trung bình của Trái đất trong những năm kế tiếp không được phép vượt quá 1,5 độ C so với hiện tại. Một khi vượt qua con số này, hành tinh xanh cũng mất luôn khả năng tự hấp thụ và xử lý carbon.
Giả sử nhân loại phải tự sản xuất ra oxy để thở, thế giới sẽ cần một số tiền cao gấp 1600 lần GDP toàn cầu hiện thời.
Tăng trồng rừng, giảm nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh năng lượng tái tạo
Có một thực tiễn là các khu rừng nguyên sinh với vô số loài cây chen chúc nhau "tiêu hóa" được một lượng carbon gấp đôi so với các khu vực độc canh (chỉ trồng 1 loại cây).
Không chỉ rừng nguyên sinh mà các đồng cỏ hoang và các kiểu loại rừng khác cũng có tác dụng xử lý carbon triệt để tương tự.
Rừng nguyên sinh có khả năng hấp thụ carbon gấp đôi các khu vực độc canh
"Thiên nhiên cho chúng ta mọi thứ cần thiết," – Sala phân tích. "Mỗi miếng chúng ta ăn, ngụm nước chúng ta uống, không khí chúng ta hít thở đều là thành phẩm được thế giới tự nhiên tạo ra."
Bảo vệ hệ sinh thái của Trái đất cũng là bảo vệ cho chính mình
Ngoài gia tăng rừng, nhân loại còn cần tích cực cắt giảm nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Trái đất rất giàu nắng và gió. Chúng đều là năng lượng xanh sạch sẽ, không hoặc ít gây thiệt hại cho môi trường.
30% diện tích biển cũng cần được đưa vào diện bảo tồn
Thực tế thì 37% diện tích đất liền của Trái đất vẫn là đất hoang. Thế nên chỉ cần tất cả các quốc gia đều nghiêm túc, việc biến 50% đất đai địa cầu thành diện tích bảo tồn không hẳn là chuyện quá khó. Chúng ta cũng vẫn có thể thu hoạch lợi ích kinh tế từ rừng, thậm chí là biến rừng thành "rừng thực phẩm" (bằng cách trồng thêm các loại cây ăn quả, lấy hạt, thảo dược vào rừng tự nhiên).
Cũng cần bảo vệ tối thiểu 30% diện tích biển
Mặc dù Thỏa thuận Tự nhiên Toàn cầu (Global Deal for Nature) chủ yếu tập trung vào đất liền, nhưng theo các nhà nghiên cứu của IUCN - Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - thì cũng không thể bỏ qua môi trường biển.
Đại dương chiếm đến 3/4 bề mặt Trái đất, là môi trường sống của vô số các loài thủy sinh nước mặn. Tính đến nay, các rạn san hô trên thế giới đã phải chịu không ít đợt nóng, gây chết hàng loạt. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên ngoài 2 độ C, e rằng phần lớn chúng sẽ tuyệt diệt.
Trong môi trường biển, san hô là "nhà" của hầu hết các sinh vật sống. Sự cáo chung của chúng tất yếu kéo theo tuyệt chủng hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến nguồn thực phẩm gốc hải sản của con người.
Sẽ tốn khoảng $100 tỷ/năm
Để hoàn trả và bảo vệ 50% đất liền + 30% biển cho thiên nhiên hoang dã, cần một khoản chi phí khổng lồ. Theo ước tính, nó tốn khoảng $100 tỷ/năm. Nghe thì lớn, nhưng bạn có biết chưa đầy 2 ngày sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ở Paris, người Pháp đã quyên góp được gần $1 tỷ cho công tác phục dựng?
Dù công tác bảo tồn rất tốn kém, nhưng nhân loại đã không còn cách nào khác
Theo một báo cáo vào năm 2009 thì gói cứu trợ của Cục Dự trữ Liên bang (U.S. Federal Reserve) có tổng số tiền lên tới $29.000 tỷ. Giả sử số tiền này được chi cho công tác bảo vệ Trái đất, nó sẽ đủ để dùng trong những 290 năm.
Đồng ý rằng $100 tỷ/năm là một khoản tiền lớn. Có điều, nhân loại đã không còn được quyền lựa chọn. Chúng ta bắt buộc phải bỏ ra để đảm bảo tiếp tục sống sót, hoặc là chết vì nóng cùng với sự sống của hành tinh.
Tham khảo National Geographic