Cận Tết nhu cầu đi lại tăng, phòng chống dịch bệnh đường hô hấp ra sao?

Hoàng Thị Bích, Theo www.nguoiduatin.vn 19:41 18/01/2025
Chia sẻ

Theo BS Trương Hữu Khanh, để phòng tránh dịch bệnh lây qua đường hô hấp, người dân cần tiêm phòng đầy đủ, đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng.

Không cần quá lo lắng

Thời điểm cận Tết Nguyên Đán 2025, nhu cầu giao thương đi lại gia tăng khiến không ít người lo ngại về dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Cận Tết nhu cầu đi lại tăng, phòng chống dịch bệnh đường hô hấp ra sao?- Ảnh 1.

Cận Tết Nguyên Đán 2025, nhu cầu đi lại gia tăng (Ảnh: Hữu Thắng).

Chị Nguyễn Quỳnh (Hà Nội) cho biết có hai con nhỏ và cả gia đình đang chuẩn bị sắm đồ về quê Nam Định ăn Tết. Tuy nhiên, chị cũng rất lo lắng về sức khỏe của hai con và của cả nhà.

"Tôi sợ thời tiết thay đổi kèm theo đường sá đi lại đông đúc, khói bụi, không khí thêm ô nhiễm cũng dễ khiến cho sức khỏe của cả gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng khi di chuyển. Tôi cũng đã tham vấn ý kiến bác sĩ chuẩn bị một số loại thuốc hô hấp để phòng cho cả gia đình", chị Quỳnh cho hay.

Trong khi đó, chị Phạm Tú (quê Phú Thọ) cũng bày tỏ sự lo ngại về việc nguy cơ gia tăng số mắc các bệnh lây truyền, nhất là bệnh qua đường hô hấp khi mà nhu cầu giao thương dịp Tết tăng cao.

Để giải quyết nỗi lo lắng này, thời gian này chị Tú thường yêu cầu gia đình phải thường xuyên rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang và uống một số loại thảo dược đảm bảo tăng đề kháng.

Liên quan đến những lo ngại này, chiều 18/1, trao đổi với Người Đưa Tin , BS.Trương Hữu Khanh – Cố vấn Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, nếu bị bệnh về đường hô hấp không cần di chuyển, đi lại thì vẫn có thể lây, do đó người dân không cần quá lo lắng việc di chuyển có thể gây gia tăng bệnh.

"Chúng ta không cần quá hoang mang, lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan", BS.Khanh nói.

Theo BS.Khanh, điều mỗi người cần làm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình đó là cần tiêm phòng sởi và cúm.

Cận Tết nhu cầu đi lại tăng, phòng chống dịch bệnh đường hô hấp ra sao?- Ảnh 2.

BS.Trương Hữu Khanh – Cố vấn Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 lưu ý người dân cần tiêm phòng sởi và cúm.

"Đồng thời, cần đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao như nơi đông người và trong không gian kín, rửa tay thường xuyên", BS.Khanh cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia truyền nhiễm, người dân cũng cần thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

Đồng thời, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.

Cùng với đó, cần thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…

"Khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời", BS.Khanh nhấn mạnh.

Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh truyền nhiễm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2025.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại nhiều quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc các hội chứng cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Đặc biệt, tại Trung Quốc đã ghi nhận sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân phổ biến như: virus cúm mùa, virus hợp bào (RSV) và virus gây viêm phổi (hMPV).

Đối với tình hình dịch bệnh ở trong nước, thời gian tới là dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội đầu năm nên nhu cầu giao thương, du lịch và sử dụng thực phẩm từ gia súc, gia cầm tăng cao; cộng với diễn biến thời tiết đặc trưng mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Cận Tết nhu cầu đi lại tăng, phòng chống dịch bệnh đường hô hấp ra sao?- Ảnh 3.

Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn (Ảnh: Hữu Thắng).

Trước các nguy cơ trên, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và mùa lễ hội đầu năm.

Đối với Sở Y tế ở các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, nhất là sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do virus, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội và các bệnh truyền nhiễm phổ biến như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới và chủ động triển khai hiệu quả hoạt động giám sát thường xuyên, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu, trong cộng đồng, tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan và hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong….

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày