Wimbledon - Giải quần vợt lâu đời nhất thế giới

Xù, Theo 15:02 17/08/2010

The Championships Wimbledon là giải vô địch quần vợt Anh. Đây là giải lâu đời nhất và có uy tín nhất của môn quần vợt.

Lịch sử hình thành
 
Wimbledon được "Câu lạc bộ croquet và quần vợt sân cỏ toàn Anh" (All England Lawn Tennis and Croquet Club) tổ chức lần đầu tiên năm 1877 ở một sân gần Worple Road, Wimbledon. Giải đấu lúc đó chỉ thi đấu đơn nam. Năm 1884, Câu lạc bộ toàn Anh cho thêm đơn nữ và đôi nam; năm 1913 thêm đôi nữ và đôi nam nữ. Năm 1922 giải chuyển về địa điểm ngày nay là sân gần Church Road.
 
 
Giải được tổ chức vào khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm và là giải thứ 3 trong hệ thống giải Grand Slam sau giải Úc mở rộng và Pháp mở rộng, và trước giải Mỹ mở rộng. Giải tiến hành trong 2 tuần bao gồm các nội dung đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Bên cạnh đó có giải trẻ, gồm đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ. Ngoài ra còn tổ chức giải mời đặc biệt dành cho các tay vợt đã giải nghệ: đôi nam từ 35 tuổi trở lên, đôi nam từ 45 tuổi trở lên, đôi nữ từ 35 tuổi trở lên và giải đôi xe lăn, dành cho người khuyết tật chơi trên xe lăn.
 

Giải dành cho người khuyết tật chơi trên xe lăn là một phần không thể thiếu của Wimbledon.
 
Trước đây, người Anh chỉ chơi quần vợt làm trò thể thao giải trí với tinh thần "thượng võ" (như Thế Vận Hội) nên họ xem những người chuyên nghiệp đánh kiếm tiền là "hạ đẳng", không xứng đáng được dự giải Wimbledon. Vì thế ngày xưa Wimbledon (cũng như 3 giải Grand Slam kia: Úc, Pháp, và Mỹ) chỉ cho các tay vợt tài tử (nghiệp dư) tham dự mà thôi. Mãi cho đến khi “kỷ nguyên mở rộng” của môn quần vợt bắt đầu năm 1968, những tay vợt chuyên nghiệp mới được cho tham dự.
 
Huyền thoại Fred Perry.
 
Người Anh rất tự hào về giải đấu này, nhưng một điều phiền muộn đối với họ là không có tay vợt nam người Anh nào đoạt giải đơn kể từ Fred Perry năm 1963, cũng như chưa có tay vợt nữ người Anh nào vô địch kể từ Virginia Wade năm 1977.
 
Tay vợt nữ người Anh gần nhất vô địch cho đến nay - Virginia Wade.
 
Các sân đấu của giải
 
Wimbledon có 19 sân, tất cả đều là sân cỏ. Đây là truyền thống "lawn tennis" (quần vợt trên sân cỏ) của người Anh, vì vậy họ vẫn muốn giữ mặc dù hầu hết tất cả các giải quần vợt khác trên thế giới dùng sân cứng (hard court) hoặc sân đất nện (clay court). Trên sân cỏ banh đi nhanh, nẩy thấp và không đều, vì vậy nó thường thích ứng với những tay đấu thủ hay giao banh và chạy lên lưới (serve and volley). Nhưng có trường hợp đặc biệt là Bjorn Borg vốn là tay vợt trước đó đã thành danh từ sân đất nện rất ít khi lên lưới, nhưng đã vô địch Wimbledon 5 năm liên tiếp. Sân thi đấu chính ở Wimbledon có tên là Sân Trung tâm (Centre Court), các trận chung kết luôn diễn ra ở đó. Do thời tiết ở London hay mưa trong thời gian tổ chức giải, người ta đã quyết định lắp mái che di động trên sân, công việc này đã hoàn thành năm 2009.
 

Sân Trung tâm.
 
Sân Số 1 nguyên thuỷ gắn liền với Sân Trung tâm, nhưng năm 1997 được làm lại, thay bằng khán đài mới có sức chứa lớn hơn. Người ta nói rằng Sân Số 1 nguyên thuỷ có một không khí rất độc đáo, được nhiều đấu thủ ưa thích, do đó việc thay nó đã làm buồn lòng nhiều người. Sân Số 1 cũng là nơi thi đấu một số trận quan trọng như tứ kết giải đơn, và có một màn ảnh truyền hình khổng lồ bên ngoài cho những người tụ tập trên một bãi cỏ cao để xem. Người Anh thường đặt tên cho ngọn đồi theo tên đấu thủ "gà nhà" nào có nhiều hi vọng thắng giải. Ngày trước đấu thủ Anh đó là Tim Henman nên họ gọi là "ngọn đồi Henman". Nay đấu thủ Anh có hi vọng là Andy Murray nên lại gọi là "ngọn đồi Murray". Họ hy vọng có được nhà vô địch đơn nam người Anh đầu tiên kể từ Fred Perry năm 1936.
 

Sân số 1.
 
Sân Số 2 có hỗn danh là "Mồ chôn các nhà vô địch" vì nơi đó nhiều tay vợt có hạng từng thua những đấu thủ xếp hạng thấp hơn. Các nạn nhân có cả Andre Agassi, Pete Sampras... và suýt nữa là thêm Tim Henman ở vòng 1 năm 2005.
 

Sân số 2.
 
Một vài nét truyền thống của Wimbledon
 
Xanh lá cây đậm và tía là những màu truyền thống của Wimbledon. Wimbledon cũng là giải đấu duy nhất bắt buộc các tay vợt phải mặc trang phục "chủ yếu là màu trắng" trong các trận đấu chính thức của giải. Trước kia, truyền thống của Sân Trung Tâm còn đòi hỏi các vận động viên khi vào sân và khi rời sân phải cúi chào các người thuộc hoàng tộc ngồi trong Chỗ Ngồi Hoàng Gia (Royal Box), nhưng từ sau 2003 họ chỉ phải chào khi có sự hiện diện của Nữ hoàng (Elizabeth II) hay Thái tử (Charles).
 
Hàng năm giải bắt đầu 6 tuần trước ngày thứ hai đầu tiên của tháng 8, và kéo dài 2 tuần. Theo truyền thống thì ngày Chủ nhật giữa giải là ngày nghỉ, nhưng do mưa nên đã có 3 lần thông lệ này bị vi phạm, lần gần đây nhất vào năm 2004. Tuần đầu tiên dành cho các vòng đấu ngoài, tuần thứ hai là các trận vòng 4, tứ kết, bán kết và chung kết.
 
Vô địch đơn nam được nhận một chiếc cúp mạ vàng cao chừng 46 cm (hơn 18 inch). Vô địch đơn nữ nhận một chiếc khay bạc đường kính chừng 48 cm (gần 19 inch), thường gọi là Đĩa Nước Hoa Hồng Vệ Nữ (Venus Rosewater Dish) hoặc gọi tắt là Đĩa Nước Hoa Hồng (Rosewater Dish). Các giải còn lại cũng có cúp. Năm 2009 tiền thưởng là 850.000 bảng Anh cho mỗi danh hiệu vô địch đơn nam và đơn nữ.
 

Cúp vô địch đơn nam (trái) và nữ (phải).
 
Đối với khán giả, món dâu tây và kem là món ăn Wimbledon truyền thống.
 
Các nhà vô địch nắm giữ nhiều danh hiệu Wimbledon nhất
 
Martina Navratilova, người Mỹ gốc Tiệp là tay vợt đoạt giải đơn nhiều nhất: 9 lần vô địch đơn nữ, 1978-79, 1982-87 và 1990, ngoài ra còn có 7 lần vô địch đôi nữ và 4 lần vô địch đôi nam nữ. Các tay vợt nữ thành công khác là Helen Wills Moody với 8 lần vô địch giải đơn; Dorothea Douglass ChambersSteffi Graf, mỗi người 7 lần giải đơn.
 

Martina Navratilova vô địch Wimbledon năm 1978.
 
Về phía nam giới, đoạt giải đơn nhiều nhất là 7 lần: William Renshaw, người Anh (1881-86 và 1889); và Pete Sampras, người Mỹ (1993-95 và 1997-2000). Ngoài ra William Renshaw còn 5 lần vô địch giải đôi cùng với người anh em song sinh của mình, Ernest Renshaw.
 
Trong lịch sử cận đại của Wimbledon, vô địch đơn nam nổi tiếng gồm có Bjorn Borg (thắng 5 năm liên tiếp 1976-1980), Pete Sampras (thắng 7 lần: 1993-1995 và 1997-2000), và Roger Federer (thắng 5 năm liên tiếp 2003-2007, và thứ sáu năm 2009).
 

Roger Federer và cúp vô địch năm 2009.