Được mệnh danh là 1 trong 40 món ngon của thế giới do Business Insider bình chọn, phở Việt Nam là món ăn truyền thống hoàn hảo kết hợp giữa nước dùng, thịt, bánh phở, rau thơm và những bí quyết gia truyền đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, đứng trước những thông tin cho rằng món phở ngày nào người Việt cũng ăn dù ngon đến mấy nhưng lại làm tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh do nhiều chất béo và muối, chúng ta – những người Việt phải làm gì?
Một bát phở đầy đủ được tạo thành bởi sự hòa trộn giữa bánh phở, thịt, các loại rau thơm và đặc biệt là nước dùng. Nguyên nhân khiến phở trở nên "béo phì" và làm người ta muốn "tăng huyết áp" là do chúng ta thường có xu hướng ăn nhiều hơn khẩu phần cần thiết trong 1 bát phở. Nhất là với những thực khách ưa dùng "nước béo".
Một số nhà hàng kém chất lượng cũng hay sử dụng "gia vị phở" thay vì nước hầm xương thật khiến hàm lượng chất béo no và muối trong phở lại càng cao. Vì thế, bát phở quốc túy ngày nào bỗng dưng bị gắn cái mác xấu xí "kẻ âm thầm hại sức khỏe".
Thế nhưng, rất dễ dàng để nhận ra rằng, 2 nguyên nhân trên đều đến từ con người: là người nấu và người ăn, còn bát phở thì hoàn toàn vô tội. Thậm chí, phở có thể trở thành 1 phần của kế hoạch ăn kiêng tốt nhất nếu bạn ăn ở mức vừa phải và biết tùy chỉnh nó 1 cách khôn ngoan vì so với cơm thì các món phở, bún, miếng có hàm lượng calo ít hơn hẳn.
Với 2 nguyên nhân chính đến từ con người, bạn hoàn toàn có thể có những cách điều chỉnh phù hợp để món phở không làm bạn phát phì và tăng huyết áp. Bên cạnh việc lựa chọn các nhà hàng uy tín và sạch sẽ, hãy tự nhắc bản thân 5 lưu ý sau khi ăn phở:
Dùng nước dùng trong
Ăn ít bánh phở
Ăn nhiều rau
Thay phở bò bằng phở gà
Hạn chế các loại tương ăn kèm