Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý

Anh Minh, Theo Báo dân sinh 15:30 13/03/2020

Bệnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các hoạt động lao động, sản xuất không thể bị tạm ngừng, trì trệ, do đó, mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo phòng chống COVID-19 cho người dân tại nơi làm việc.

Bệnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp tại Việt Nam, chỉ sau ít ngày khi phát hiện ca dương tính thứ 17 với virus, đến nay, chúng ta đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân thứ 45 bị lây nhiễm COVID-19. Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho người dân, trường học các cấp và các trường đại học đã cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học để ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất, việc tạm ngừng lao động, sản xuất sẽ gây trì trệ và bắt nguồn cho nhiều hệ quả khác nhau về tài chính - kinh tế. Vậy làm sao để vừa lao động, sản xuất kinh tế, vừa có thể phòng chống dịch bệnh một cách an toàn tại nơi làm việc?

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 1.

Để giải đáp cho câu hỏi đó, Bộ Y tế mới đây đã đưa ra khuyến cáo phòng chống COVID-19 thông qua Công văn số 1133/BYT-MT về việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động (kèm Hướng dẫn) cho người dân tại nơi làm việc và nơi ở. Thông tin này cũng được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona.

Theo đó, Bộ Y tế cung cấp cả những chỉ dẫn cho người lao động phòng chống COVID-19 tại 3 thời điểm: trước khi đi làm, tại nơi làm việc và sau khi kết thúc ca làm. Đồng thời, Bộ cũng chỉ dẫn công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc, ký túc xá của người lao động. Cụ thể như sau:

1. Trước khi đến nơi làm việc 

1.1. Hướng dẫn chung khi ở nhà/ký túc xá

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), thường xuyên súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng; Hạn chế tiếp xúc với vật nuôi, động vật hoang dã. 

- Chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho thời gian làm việc như nước uống hợp vệ sinh và cốc uống dùng riêng (đảm bảo vệ sinh); khăn giấy, khẩu trang, găng tay, dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng trong quá trình làm việc; quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác (nếu cần)… 

- Tự theo dõi sức khỏe nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở thì chủ động ở nhà, ký túc xá và thông báo cho đơn vị quản lý.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 3.

Nếu ở nhà thì đeo khẩu trang, tự cách ly ở phòng riêng, thoáng khí, giữ khoảng cách với người khác ít nhất 02 mét. Gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Thải bỏ khẩu trang, khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác có nắp đậy kín hoặc vào túi và buộc kín miệng. Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân như cốc, uống nước, bát, đũa... Hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đến chỗ đông người. Chủ động cập nhật tình hình sức khỏe, kết quả khám cho đơn vị quản lý. 

- Không được đi làm nếu đang trong thời gian cách ly y tế theo quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19. 

1.2. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19

- Tham khảo thông tin về tình hình dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://www.moh.gov.vn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của chuyến công tác. 

- Người lao động có bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh phổi,...) cần cân nhắc khi đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. 

- Tìm hiểu thông tin và các biện pháp dự phòng lây nhiễm từ người làm công tác y tế/cơ quan y tế địa phương. 

- Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn và các vật dụng cần thiết tạo điều kiện cho việc rửa tay thường xuyên, vệ sinh cá nhân khi đi công tác. 

1.3. Lưu ý khi thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19

- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú, ký túc xá đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp tại gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác ít nhất 2 mét. 

- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày. 

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 6.

- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người trong gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang đúng quy định, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng. 

- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn hoặc cán bộ quản lý được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân. - Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở. 

- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú, ký túc xá. 

- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly. - Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú, ký túc xá. 

- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, ưu tiên sử dụng quạt, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn phòng, đặc biệt các bề mặt thường xuyên tiếp xúc và phòng vệ sinh. Hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly. 

2. Tại nơi làm việc 

2.1. Các khuyến cáo chung cho người lao động 

Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế: 

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng. Rửa tay tại các thời điểm: trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. 

- Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc mặt trước khuỷu tay để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào túi đóng kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay với xà phòng. 

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 8.

- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Nghiêm cấm hành vi khạc, nhổ tại nơi làm việc. - Giữ ấm cơ thể, duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể; ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,… 

- Nếu phát hiện bản thân hoặc người cùng làm việc/khách hàng có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở thì bản thân hoặc hướng dẫn người cùng làm việc/khách hàng hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh và phải báo cho người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế tại nơi làm việc. 

- Không có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. 

2.2. Đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao 

Ngoài các khuyến cáo chung ở trên, người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ tiếp xúc và lây nhiễm cao cần lưu ý: 

- Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, người dân cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

- Sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết. Nếu không sử dụng găng tay, phải rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây, dùng giấy lau tay sử dụng một lần để làm khô tay; hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn. 

- Sử dụng bộ quần áo phòng hộ (bao gồm cả khẩu trang, kính, mũ, găng tay) khi phải tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. - Hạn chế bắt tay, tiếp xúc với khách hàng trong khoảng cách dưới 2m (nếu có thể). 

- Không mua bán, tiếp xúc, chuyên chở các loại động vật hoang dã. 

- Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp. 

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 9.

2.3. Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 

Ngoài các khuyến cáo ở trên, người lao động phải đi công tác đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cần lưu ý: 

- Tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của chính quyền địa phương nơi đến công tác. - Rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ho, hắt hơi. Tránh xa ít nhất 02 mét đối với những người đang ho hoặc hắt hơi. 

- Trong khi đi công tác, nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

3. Khi kết thúc ca làm việc 

3.1. Đảm bảo vệ sinh phòng chống lây nhiễm 

- Dọn vệ sinh và vứt bỏ túi chứa khăn giấy, khẩu trang, vật dụng đã sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay bằng xà phòng. 

- Không mặc quần áo sử dụng khi làm việc về nhà/ký túc xá. Để quần áo, vật dụng (đối với khẩu trang, găng tay sử dụng nhiều lần) đã sử dụng trong túi kín và giặt sạch sau mỗi ca làm việc. 

3.2. Sau khi đi công tác về từ khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 

- Người lao động tự theo dõi các triệu chứng trong 14 ngày và đo nhiệt độ 02 lần một ngày. 

- Nếu có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở người lao động phải cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, gọi điện cho đường dây nóng của Sở Y tế hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 3228 hoặc 1900 9095) và đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và cách ly chặt chẽ tại cơ sở y tế. Thông báo cho người quản lý hoặc/và người làm công tác y tế tại nơi làm việc để thông báo cho những người tiếp xúc gần tại nơi làm việc tự theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi cần thiết. 

Về việc vệ sinh môi trường, khử khuẩn nơi làm việc, nơi ở, Bộ khuyến cáo:

1. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường 

Có thể sử dụng dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Đối với các bề mặt bẩn phải được làm sạch bằng xà phòng và nước trước khi khử khuẩn. 

2. Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại nơi làm việc 

2.1. Làm tốt công tác vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chung tại nơi làm việc. 

Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, phân xưởng, gian bán hàng, các bề mặt có nguy cơ tiếp xúc cao, khu vệ sinh chung: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày. 

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 11.

Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, bàn phím máy tính, điều khiển từ xa, điện thoại dùng chung…: khử khuẩn ít nhất 02 lần/ngày. 

2.2. Tăng cường thông khí tại các khu vực, vị trí làm việc, trên phương tiện giao thông vận chuyển người lao động bằng cách tăng thông gió hoặc mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt hoặc các giải pháp phù hợp khác. Hạn chế sử dụng điều hòa. 

2.3. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày. 

3. Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại ký túc xá 

3.1. Tổ chức khử khuẩn tại phòng ở và các khu vực của ký túc xá (bao gồm cả khu bán hàng/căng tin, nơi tập thể dục) cho người lao động như sau: 

- Đối với nền nhà, bàn ghế, các đồ vật, bề mặt có nguy cơ tiếp xúc: khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày. 

- Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy, công tắc điện, điều khiển từ xa: khử khuẩn ít nhất 01 - 02 lần/ngày. 

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 12.

- Đối với khu vực rửa tay, nhà vệ sinh: Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn ít nhất 01 lần/ngày. 

3.2. Tăng cường thông khí tại các phòng và các khu vực trong ký túc xá cho người lao động bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa. 

3.3. Xử lý chất thải: Bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, đặt ở vị trí thuận tiện tại khu vực ký túc xá cho người lao động và thực hiện thu gom, xử lý hằng ngày. 

4. Khử khuẩn phương tiện giao thông vận tải công cộng và phương tiện chuyên chở người lao động 

- Thường xuyên vệ sinh, dọn rửa, lau khử khuẩn bề mặt tay nắm cửa xe, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe, điều hòa trong xe và các vị trí không đảm bảo vệ sinh, có tiếp xúc với người trên phương tiện giao thông đường bộ, tàu hoả, tàu thuyền bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,1% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành. 

- Khử khuẩn tàu bay thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, quy định của hãng hàng không hoặc Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO.

Nguồn: Lá chắn Virus Corona

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống COVID-19 tại nơi làm việc, phần cho các ngành nghề có nguy cơ lây nhiễm cao cần chú ý - Ảnh 13.