Bố mẹ liên tục nhắc chuyện học hành trong bữa cơm, nữ sinh áp lực muốn tự sát

Nguyễn Ngoan/VTC News, Theo VTC News 14:43 06/06/2024

Bữa cơm nào bố mẹ cũng nói về việc học tập, điểm thi, định hướng nghề nghiệp khiến nữ sinh áp lực, lâu dần sinh ra ý định tự sát.

Nguyễn Mai Anh, học sinh giỏi một trường cấp 3 tại Hà Nội, sinh ra trong gia đình nền tảng giáo dục tốt. Bố mẹ đều là giáo viên dạy giỏi, anh trai là sinh viên đại học top đầu của Việt Nam với nhiều thành tích ưu tú.

Bố mẹ kỳ vọng rất lớn vào các con của mình, mỗi bữa ăn của gia đình thường chỉ xoay quanh chuyện học hành, thi cử, điểm thi hay tương lai sẽ đi du học ở đâu. Điều này khiến cô gái áp lực cần phải đạt thành tích cao. Cô luôn cố gắng học để đứng số 1 của lớp. Khi điểm thi của Mai Anh chỉ đứng vị trí 2 hoặc 3 thì em cho rằng đó là thất bại.

Cô gái không dám chia sẻ với bố mẹ, chỉ lao đầu vào học để trở thành người ưu tú.

Bản thân Mai Anh là người thích sống hướng ngoại, muốn tham gia các hoạt động xã hội, truyền thông và có nhiều tài năng khác. Tuy nhiên, gia đình nữ sinh không coi trọng những sở thích đó mà chỉ đề cao việc học hành. Dần dần cô gái sống thu mình không dám chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ, sở thích, ý định với gia đình, trở nên mất kết nối với bố mẹ.

Bố mẹ liên tục nhắc chuyện học hành trong bữa cơm, nữ sinh áp lực muốn tự sát - Ảnh 1.

Bố mẹ liên tục nhắc chuyện học hành trong bữa cơm, nữ sinh áp lực muốn tự sát. (Ảnh minh hoạ)

Trước đây Mai Anh có bạn trai cùng tuổi, thường chia sẻ tâm sự với người này. Tuy nhiên, sau khi 2 người chia tay nữ sinh không còn ai để chia sẻ, bấu víu nên trong đầu chỉ nghĩ tới chuyện tự sát. Thậm chí cô còn thực hiện ý định tự sát, được gia đình phát hiện ngăn cản kịp thời.

Khi đưa đến bệnh viện thăm khám, cô gái được chẩn đoán rối loạn cảm xúc.

Ths.BS Nguyễn Viết Chung, Trưởng khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) cho hay, trong tình huống bố mẹ bị mất kết nối với con khiến cho trẻ không tìm được người chia sẻ, trẻ sẽ có suy nghĩ là người bị bỏ đi, không người lắng nghe, không cảm thấy được bố mẹ quan tâm nên đưa ra quyết định sai lầm làm hại bản thân.

Nếu như việc mất kết nối với con chỉ đơn thuần là việc không có thời gian quan tâm để ý tới con thì rất dễ tháo gỡ. Để lấy lại kết nối bố mẹ có thể dành nhiều thời gian quan sát con hơn, đặt vào hoàn cảnh của con để biết trẻ đang trải qua những gì, điều gì làm cho trẻ vui, buồn, cảm xúc ra sao. “Khi quan sát con thì sẽ phát hiện ra những sở thích để bước vào thế giới của con ”, bác sĩ nói.

Ở trường hợp thứ hai khi bố mẹ quan sát con, tìm ra sở thích để kết nối nhưng con vẫn né tránh thì cần có sự tới giúp đỡ. Cha mẹ không nên cố tìm cách hỏi lý do vì càng làm cho trẻ im lặng. Lúc này rất cần có người thân, thầy cô, bạn bè hay chuyên gia tâm lý, bác sĩ có thể nói chuyện với con để tìm ra con có định kiến gì với bố mẹ hay không.

Qua câu chuyện của nữ sinh trên, bác sĩ Chung khuyên bố mẹ dù bận rộn làm việc vẫn cần dành thời gian quan tâm tới con, đừng để mất kết nối với con. Một đứa trẻ kết nối được với gia đình có ý nghĩa rất lớn trong hành trang trưởng thành. Bố mẹ sẽ là người chia sẻ cùng con những kinh nghiệm những vấp ngã, lắng nghe con cho con những lời khuyên bước đầu để con có những quyết định đúng.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày