Trong cái nắng oi ả của đầu hè, chị Tuyên (mẹ của Tiến Anh) vội vã đem những mớ rau vừa hái được đem ra chợ bán. Xong xuôi, chị nhanh chóng trở về nhà vào lúc gần trưa.
Trong căn nhà nhỏ ở thôn Muối (xã Lan Mẫu, huyện lục Nam, tỉnh Bắc Giang), chị Tuyên cho biết, hàng ngày, khi trời bắt đầu tờ mờ sáng, chị đã ra đồng để làm việc. Một mình chị Tuyên làm vài mẫu ruộng, không quản ngại nắng mưa.
Chị Tuyên cùng 3 cậu con trai
"Ngoài làm ruộng, tôi nhận nấu cơm cho một trường mầm non tư thục gần nhà. Do mẹ bận rộn nên các công việc dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn đều được các con lo hết. Buổi trưa tranh thủ nghỉ ngơi, tôi đi xe ra chợ mua cho thức ăn rồi đem về cho các con tự nấu", chị Tuyên chia sẻ.
Tâm sự với chúng tôi về tuổi thơ của Tiến Anh, chị Tuyên kể, năm 20 tuổi chị lập gia đình. Khi vừa sinh con đầu lòng thì hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ này đành phải ôm con trai về lại đây sinh sống.
Vài năm sau, khi nỗi đau nguôi ngoai, chị Tuyên mong muốn con có anh, có em nên mở lòng bén duyên mà không đi bước nữa và rồi chị mang bầu lần 2.
Lúc bấy giờ, chị Tuyên vẫn thường xuyên đi khám thai theo định kỳ và được các bác sĩ chuẩn đoán mang bầu song sinh.
Tiến Anh khi còn nhỏ
Thời điểm sinh con tại bệnh viện, khi bé thứ 2 chào đời, chị Tuyên chỉ biết con bị khiếm khuyết một bên tay khi tình cờ nhìn thấy con đang được quấn trong chiếc khăn lớn.
"Do quá nhẹ cân nên các con được nuôi trong lồng kính. Mọi người tưởng tôi chưa biết tin con bị khiếm khuyết tay nên đã giấu giếm sự thật. Đến khi xuất viện, lúc chuẩn bị ôm 2 con vào lòng thì gia đình an ủi, động viên và cho biết", chị Tuyên nói.
Thế nhưng, lúc bế 2 con vào lòng, chị Tuyên đã không cầm được nước mắt ngay khi nhìn thấy đứa con thứ 2 bị khiếm khuyết 2 tay. Trước tình cảnh đó, chị Tuyên cố kìm nén nỗi đau, nhìn 2 cậu con trai bé bỏng bằng ánh mắt trìu mến.
Hai đứa nhỏ được đặt với cái tên là Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Tiến Anh.
Tiến Anh và người anh song sinh khi còn nhỏ
Những tháng ngày về sau, chị Tuyên luôn đau thắt lòng mỗi khi nghĩ về tương lai của cậu con trai kém may mắn ngay từ lúc lọt lòng. Chị Tuyên lo sợ Tiến Anh không thể tự đứng dậy được.
Bỗng một ngày, thấy người anh trai song sinh tập đi, Tiến Anh cũng tự men theo bờ tường tập đi. Do không có tay nên cậu bé chẳng cân bằng được cơ thể, nhiều lần ngã sóng soài ra đất.
Thế nhưng, dù có ngã bao nhiêu lần, Tiến Anh vẫn không chịu khuất phục, cậu bé vẫn kiên trì men theo bờ tường, không chịu để cho ai giúp đỡ.
Rồi đến một ngày, chị Tuyên vỡ òa trong hạnh phúc khi nhìn thấy 3 cậu con trai đi ra cổng đón mẹ.
"Buổi tối hôm đó tôi đi làm về, thấy Tiến Anh lẽo đẽo theo sau 2 anh của mình khiến tôi mừng lắm", chị Tuyên chia sẻ.
Khi Tiến Anh lớn hơn một chút, cậu bé bắt đầu ý thức được việc mình thiếu đôi tay để rồi tự tập luyện làm mọi việc bằng đôi chân trần.
Bức tranh được Tiến Anh vẽ vào dịp Giáng sinh năm 2020
Tiến Anh đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi vẽ tranh
Từ việc dùng chân chơi đồ chơi, tập xúc ăn cơm, gập quấn áo,… cho đến dọn dẹp nhà cửa, Tiến Anh cũng đều tự làm mà không cần nhờ đến ai dạy.
Nhớ lại thời điểm quyết định cho Tiến Anh đến trường, chị Tuyên kể: "Lúc bấy giờ chỉ nghĩ cho con đến trường để được như bạn bè, để con đỡ cảm thấy tủi thân. Tôi không nghĩ đến chuyện con có thể viết hay vẽ".
Ở lớp, Tiến Anh được các thầy/cô giáo đánh giá là thông minh, ngoan ngoãn và lanh lợi. Bởi vậy, khi lớn lên, cậu bé đã không ít lần đặt ra những câu hỏi khiến chị Tuyên nghẹn lòng.
"Hồi nhỏ con hay hỏi tôi "Tại sao anh trai và các bạn có tay mà con không có tay?", "Mẹ ơi, bao giờ tay con mới mọc?" khiến tôi buồn lắm", chị Tuyên chia sẻ.
Trước những câu hỏi hồn nhiên của cậu con trai, chị Tuyên chọn cách nói thật, giải thích cặn kẽ rằng con là cậu bé bị khiếm khuyết, 2 cánh tay sẽ không bao giờ mọc lại nữa.
"Giờ Tiến Anh lớn rồi, con hiểu chuyện nên không còn hỏi như vậy nữa", chị Tuyên nói tiếp.
Mặc dù bị khiếm khuyết hai tay nhưng Tiến Anh vẫn không ngừng cố gắng rèn luyện để cho đôi chân trở lên dẻo dai, linh hoạt
Bước vào lớp 1, Tiến Anh phải tự tập luyện thêm 1 kỹ năng mới đó là viết bằng chân. Ban đầu, Tiến Anh gặp rất nhiều khó khăn bởi các bạn khác có người cầm tay dạy viết, còn cậu bé dùng chân nên phải tự tập luyện.
Mọi công việc sinh hoạt cá nhân như rửa mặt, đánh răng,... Tiến Anh đều tự làm
Tuy nhiên, với đức tính kiên trì, chịu khó và không chịu khuất phục trước khó khăn, cứ hễ có thời gian, Tiến Anh lại tiếp tục lấy giấy và bút ra tập viết. Ngày qua ngày, từ nét chữ nguệch ngoạc đã trở thành nét chữ hoàn chỉnh.
"Em tự tập luyện. Lúc mới đầu, 2 ngón chân sưng vù lên, tê cứng, nhiều lần bị chuột rút, đau lắm nhưng em vẫn gắng chịu. Giờ em quen rồi, chuột rút ngón chân thì em vẫn tiếp tục viết", Tiến Anh hào hứng nói.
Dù không có tay nhưng kể từ khi có thể cầm bút bằng chân, Tiến Anh nhận ra mình có đam mê hội họa. Cậu bé bắt đầu tập vẽ những hình thù đơn giản nhất như hình tròn, hình vuông,…rồi đến bông hoa, ngôi nhà. Rồi cậu bé vẽ cả ước mơ của mình lên những bức tranh.
"Lúc đầu, để vẽ và tô màu hoàn chỉnh một bức tranh, em mất khoảng hơn 1 tuần. Nhưng giờ vẽ chỉ mất 10 phút, tô màu thì mất nhiều thời gian hơn khoảng 2 đến 3 ngày tùy vào mỗi bức họa", Tiến Anh chia sẻ.
Bức tranh với chủ đề "Nói không với bạo lực học đường" của em Nguyễn Tiến Anh
Với nghị lực phi thường cùng tài năng vẽ của mình, năm 2018, Tiến Anh tham gia cuộc thi "Em vẽ ước mơ của em" năm 2018 do Báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức và đoạt giải Khuyến khích.
Năm 2020, cậu bé đạt giải Nhất trong cuộc thi vẽ tranh "Chiếc ô tô mơ ước". Sau đó, Tiến Anh cũng tham gia nhiều cuộc thi vẽ khác và đoạt được rất nhiều giải thưởng.
Ngoài sở thích vẽ tranh, Tiến Anh cũng rất thích đọc sách
"Lên cấp 2 có ít cuộc thi vẽ tranh hơn nhưng cuộc thi nào em cũng đều đăng ký tham gia. Em thường dùng chân trái chuyên để làm việc, chân phải chuyên để viết và vẽ. Em thương mẹ lắm, em muốn sau này có thể kiếm thật nhiều tiền bằng chính tài năng vẽ của mình, để chăm sóc mẹ, để mẹ đỡ vất vả vì chúng em", Tiến Anh chia sẻ thêm.