Lâu lắm rồi chúng ta mới thấy được chiếc MacBook Air của Apple được khoác lên một tấm áo mới, lại còn rất tâm lý khi ra mắt vừa vặn trước thời điểm mua sắm nhộn nhịp cuối năm với đầy rẫy đợt sale mạnh như Black Friday này.
Thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi mình: Đẹp thì đẹp thật, mà liệu nó có xứng đáng để "xúc" ngay cho nóng không?
Hoàn hảo là một từ ngữ mà gần như chưa ai dám nhận để miêu tả cho thành quả mình làm ra, kể cả một thương hiệu hàng đầu như Apple. MacBook Air 2018 đang được coi là một trong những món quà công nghệ hấp dẫn toàn diện, đặc biệt là dành cho chị em. Nhưng 6 khía cạnh sau đây có thể sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại trước khi bấm nút order một đơn hàng online đó.
Nếu tính theo mức giá khởi điểm tại thị trường gốc Mỹ, MacBook Air 2018 xuất phát từ 1199 USD, đắt hơn 200 USD so với phiên bản tương đồng gần nhất trước đó. Tuy nhiên, xét theo mức giá trung bình của một vài đại lý chính hãng khi nhập về thị trường Việt Nam, con số chênh lệch đó sẽ tăng lên chạm ngưỡng 10 triệu đồng giữa 2 phiên bản (khoảng 33 triệu so với 23 triệu).
10 triệu đồng để chi trả cho độ nâng cấp từ 2017 lên 2018 là cần thiết? Câu trả lời tùy thuộc vào góc nhìn mỗi người, nhưng có một điều chúng ta có thể chắc chắn 100%: Vẫn luôn xuất hiện rất nhiều chiếc laptop chạy Windows khác mạnh mẽ hơn, đẹp mã không kém mà lại còn rẻ hơn cả MacBook Air 2018.
Điều này không có nghĩa Apple đang cố tình "làm giá" trắng trợn hay người mua thiếu kiến thức để mà bị dắt mũi. Nếu nhu cầu của bạn gắn liền với những gì Apple cung cấp như hệ điều hành quen thuộc, thiết kế mỏng nhẹ phù hợp và có điều kiện chi tiền, MacBook Air vẫn là một lựa chọn đúng.
33 triệu đồng (tại Việt Nam) để trả cho một chiếc laptop chỉ có 128 GB lưu trữ bộ nhớ - trong khi riêng phần bị chiếm để cài đặt hệ điều hành mặc định đã lên đến tầm 30 GB rồi - đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ còn 90 GB để phục vụ mục đích cá nhân. Đó thật sự là một mức so sánh khập khiễng giữa giá trị bỏ ra so với lợi ích đem lại khi sử dụng.
Tại sao Apple không thể tạo ra thêm một cổng cắm thẻ nhớ ngoài (thứ mà rất nhiều laptop khác hiện nay đều có), thay vì phương án bắt người dùng nâng cấp lên lựa chọn dung lượng cao hơn với giá tiền lại tăng thêm vài triệu đồng? Ở đẳng cấp hiện tại của mình, có lẽ việc vơ vét từng đồng của người dùng thế này cũng không phải chuyện hay ho gì cho lắm.
Trong buổi ra mắt và giới thiệu MacBook Air 2018, Apple có quảng cáo rất nhiệt liệt cho tính năng Force Touch (cảm ứng lực) mà họ quyết định lần đầu đưa lên phiên bản laptop này cho phần trackpad.
Không biết đây có thực sự là một món hời giúp ích trong tương lai hay không, chỉ biết là tính năng đó gần đã bị "bơ" bởi rất nhiều người dùng iPhone từ trước tới nay, không phải vì nó không có tác dụng hay bị lỗi, chỉ là họ không cảm thấy cần thiết phải dùng tới nó. Thậm chí, Apple còn quyết định bỏ đi Force Touch trên iPhone XR để giảm giá thành.
Những chiếc MacBook Air đời trước thường bao gồm 2 cổng USB, đi kèm theo một cổng kết nối màn hình, cắm tai nghe và cả khe cắm thẻ nhớ. Nay, Apple đã loại bỏ đi gần hết, chỉ còn lại 2 cổng USB-C và 1 cổng cắm tai nghe!
Bù lại là gì? Một phụ kiện chuyển đổi cổng kết nối với giá vài trăm USD để có phục vụ nhu cầu cắm dây nhé. MacBook Air sinh ra để trở thành một thiết bị mỏng nhẹ nhỏ gọn tối ưu, nhưng tối ưu sao được khi mà những cổng kết nối cơ bản phổ biến cũng không đủ ngay lập tức?
Chỉ những người dùng laptop của Apple từ vài năm trước hoặc tìm hiểu về nó mới có thể biết đến khái niệm này. Đây là cổng cắm sạc của Apple, nhưng được thiết kế với cơ chế đính hút nam châm từ trường, giúp cho việc cắm sạc rất nhẹ nhàng tiện lợi, không phải cắm thật sâu vào khe như thông thường. Trên hết, mỗi lúc lỡ tay quẹt vào dây cắm, nó sẽ rơi ra ngay không chút tác động chứ không xô kéo cả chiếc MacBook ngã sấp xuống sàn nhà một cách đầy đau đớn và xót của.
Tại sao Apple lại quyết định bỏ nó đi không chút hối tiếc, thay vào đó là USB-C? MagSafe cũng có thể cắm theo bất kỳ hướng nào, chẳng cần lo nghĩ cắm chệch chân, giống như USB-C thôi. Cho đến bây giờ, câu trả lời cho quyết định đó của Apple vẫn còn là một ẩn số.
Cô trợ lý ảo của Apple có vẻ như đang ngày một kém fame hơn so với trước, khi người người nhà nhà dùng iPhone hay MacBook cũng chẳng đoái hoài mấy tới sự có mặt của cô. Nhờ Siri tìm kiếm thứ gì khi đang vướng tay, mở hộ một app? Ok ngay. Nhưng muốn đóng nó lại sau khi sử dụng xong? Hãy tự ra mà cầm máy thực hiện nhé.
MacBook Air không phải một chiếc laptop có màn hình cảm ứng, và chỉ riêng Siri thôi là không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Muốn có màn hình cảm ứng thì phải chịu chi tiền thêm khi cải tiến - vô tình lại tạo ra sự "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa" cho người dùng.