Các nhà lãnh đạo y tế toàn cầu đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ (mpox) là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, khi các nhà khoa học gióng lên hồi chuông cảnh báo về một chủng mới đang lây lan nhanh chóng khắp Châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố vào hôm kia (14/8) rằng một đợt bùng phát chủng này ở Cộng hòa Dân chủ Công đã trở thành "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế".
Thông báo này đánh dấu lần thứ hai trong vòng ba năm, cơ quan y tế này chỉ định một dịch bệnh mpox là trường hợp khẩn cấp toàn cầu.
Hơn 15.600 ca bệnh được ghi nhận trong năm nay đã cao hơn tổng số ca bệnh của năm 2023, với 537 ca tử vong cho đến nay theo WHO.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo khả năng virus lây lan xa hơn nữa ở Châu Phi và xa hơn nữa là "rất đáng lo ngại", đồng thời nói thêm: "Một phản ứng quốc tế phối hợp là điều cần thiết để ngăn chặn đợt bùng phát này và cứu sống nhiều người".
Vậy mpox thực chất là gì và những triệu chứng bạn cần chú ý là gì?
Đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng do virus chủ yếu được tìm thấy ở miền Trung và miền Tây Châu Phi. Con người và động vật chủ yếu bị ảnh hưởng bởi virus này, xuất phát từ một nhóm virus thường gây ra các bệnh giống đậu mùa, bao gồm phát ban, mụn nước và các nốt sần trên da.
Các vết sưng có thể bao phủ da trong những trường hợp nghiêm trọng và thường chứa đầy mủ hoặc dịch. Theo thời gian, chúng có thể lành lại sau khi đóng vảy và bong ra như vảy.
Cho đến gần đây, mpox vẫn được gọi là 'bệnh đậu khỉ' , sau khi lần đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ nghiên cứu bị nuôi nhốt ở Đan Mạch vào cuối những năm 1950.
Mpox tương tự như bệnh đậu mùa, căn bệnh đã gần như được xóa sổ, cũng như các loại virus đậu khác như vaccinia và đậu bò.
Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền qua tiếp xúc gần với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
Sự lây truyền từ động vật sang người thường xảy ra thông qua vết trầy xước, vết cắn hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu, vết thương hoặc dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh.
Virus mpox có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua da bị trầy xước, niêm mạc (bao gồm mắt, mũi, miệng và đường hô hấp).
Theo trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bệnh mpox có thể lây truyền từ người sang người thông qua:
- Bất kỳ tiếp xúc vật lý gần gũi nào với mụn nước hoặc vảy mpox (bao gồm cả khi quan hệ tình dục, hôn, âu yếm hoặc nắm tay);
- Chạm vào quần áo, đồ giường hoặc khăn tắm mà người bị mpox đã sử dụng;
- Phản ứng ho hoặc hắt hơi của người bị mpox khi họ ở gần bạn.
Ở một số vùng phía tây và trung Phi, nơi các ca bệnh đang tăng đột biến, mpox cũng có thể lây truyền từ các loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh (như chuột, chuột nhắt và sóc) nếu:
- Bạn bị cắn;
- Bạn chạm vào lông, da, máu, dịch cơ thể, đốm, mụn nước hoặc vảy của chúng;
- Bạn ăn thịt của chúng khi chưa được nấu chín kỹ.
Các triệu chứng đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong khoảng từ 5 đến 21 ngày sau khi nhiễm trùng, mặc dù một người có thể lây truyền virus từ 1 đến 4 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.
Các triệu chứng đầu tiên bao gồm:
- Nhiệt độ cao (sốt cao);
- Đau đầu;
- Đau nhức cơ bắp;
- Đau lưng;
- Sưng tuyến;
- Run rẩy (ớn lạnh);
- Kiệt sức;
- Đau khớp.
Một đến năm ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, phát ban thường xuất hiện, thường bắt đầu ở mặt trước khi lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có thể bao gồm miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn. Người bệnh cũng có thể bị đau hậu môn hoặc chảy máu.
Người bệnh cũng thấy hạch bạch huyết của họ, nằm ở những nơi như dưới mỗi cánh tay và sau gáy, sưng lên khi cơ thể phản ứng để chống lại virus.
Phát ban đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu, và bắt đầu bằng các đốm nổi lên, sau đó biến thành các mụn nước nhỏ chứa đầy dịch. Cuối cùng, chúng cứng lại và rơi ra khi lành.
Các triệu chứng thường hết sau vài tuần nhưng đối với một số người có thể gây tử vong.
Có thể xác định mpox thông qua xét nghiệm dịch lấy từ phát ban.
Hiện chưa có cách điều trị đậu mùa khỉ
WHO báo cáo đã có 537 ca tử vong trong đợt bùng phát mới nhất, trong đó cứ 100 trường hợp thì có 4 trường hợp tử vong.
Các nhà khoa học rất quan ngại về chủng virus mới nhất hiện đang lây lan khắp các vùng Trung và Đông Phi, vì biến thể này có tỷ lệ tử vong cao.
Các đợt bùng phát mpox có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng vắc xin đậu mùa. NHS giải thích: "Mpox do một loại virus tương tự như đậu mùa gây ra. Vắc xin đậu mùa (MVA) sẽ mang lại mức độ bảo vệ tốt chống lại mpox".
Tuy nhiên, các loại vắc xin này thường chỉ dành cho những người có nguy cơ, ví dụ như ở những khu vực có nguy cơ hoặc đã tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho biết hiện tại "không có phương pháp điều trị nào được chấp thuận cụ thể cho nhiễm virus mpox. Đối với hầu hết bệnh nhân mắc mpox có hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn và không mắc bệnh ngoài da, việc chăm sóc hỗ trợ và kiểm soát cơn đau sẽ giúp họ phục hồi mà không cần điều trị y tế".
Nguồn và ảnh: Express.co.uk