ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, cho hay tăng huyết áp ở người trẻ có nhiều nguyên nhân, có thể do chế độ ăn – lối sống không khoa học và có thể liên quan tới bệnh lý.
Bác sĩ Mạnh từng gặp trường hợp nam bệnh nhân 35 tuổi đi khám sức khỏe định kỳ, tình cờ phát hiện tăng huyết áp. Bệnh nhân đang khỏe mạnh nên rất bất ngờ khi biết mình mắc tăng huyết áp.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể trạng thừa cân - béo phì, đây là một trong yếu tố nguy cơ của tăng huyếp áp.
Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn thay đổi lối sống (chế độ ăn, chế độ tập luyện, không dùng rượu bia) và hẹn tái khám sau 1 tháng.
Sau 1 tháng thay đổi lối sống, bệnh nhân đã giảm cân. Khi tái khám, kết quả cho thấy huyết áp đã hạ. Và sau 3 tháng duy trì thói quen sinh hoạt tốt, huyếp áp của bệnh nhân đã trở về bình thường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), béo phì là nguyên nhân gây ra khoảng 2,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều bệnh khác như cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2, bệnh thận,…
Béo phì gây tăng huyết áp là do cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ, đặc biệt là mỡ nội tạng, áp lực lên tim và mạch máu tăng lên, làm việc bơm máu trở nên khó khăn hơn. Điều này dẫn đến việc gia tăng sức cản của mạch máu, làm huyết áp tăng cao.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người trẻ
Chế độ ăn dư thừa năng lượng
Bác sĩ Mạnh cho hay cuộc sống hiện đại khiến cho người trẻ ăn uống thiếu tiết chế. Đồ ngọt, đồ chiên rán… là những thực phẩm gây thừa năng lượng, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì, tiềm ẩn các hệ lụy như xơ vữa mạch, tăng huyết áp…
Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia
Bệnh cạnh đó, thói quen lạm dụng rượu bia cũng làm gia tăng tăng huyết áp sớm ở người trẻ. Khói thuốc lá cũng được xem là một trong những thủ phạm gây ra tăng huyết áp cho người trẻ.
Thói quen ít vận động
Bác sĩ Mạnh cho biết thêm nhiều nghiên cứu đã chứng minh lười vận động, ít tập thể dục sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch máu, gây tăng huyết áp.
Ngoài ra, lười vận động cũng làm giảm tính đàn hồi của các động mạch, giảm giải phóng hormone như oxit nitric làm cho động mạch giãn nở, cũng khiến huyết áp tăng cao.
Bệnh lý thận, tuyến giáp
Tăng huyết áp ở người trẻ còn có liên quan tới bệnh lý cơ thể. Trong đó, tăng huyết áp ở người trẻ cần đặc biệt lưu ý tới vấn đề bệnh lý thận, bệnh lý cường giáp.
Bác sĩ Mạnh lưu ý tăng huyết ở người trẻ cần phải được khám tại các chuyên khoa tim mạch để loại trừ các vấn đề bệnh lý. Trường hợp tăng huyết áp vô căn, người trẻ sẽ phải xem lại chế độ ăn, sinh hoạt, thói quen sống và thay đổi để cải thiện huyết áp.
Phòng ngừa tăng huyếp áp ở người trẻ
Theo bác sĩ Mạnh, để phòng ngừa tăng huyết áp, người trẻ cần lưu ý:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế thói quen ăn mặn, các món nhiều dầu mỡ;
- Tránh uống rượu, bia, hút thuốc lá;
- Tập thể dục ít nhất 30 phút hàng ngày;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu;
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi huyết áp của bản thân ở nhà và đi khám khi thấy huyết áp tăng thường xuyên.
- Theo dõi, điều trị các bệnh lý có liên quan đến thận, tim mạch hay nội tiết.
Tăng huyết áp ở người trẻ tiềm ẩn nguy cơ tai biến mạch máu não, biến cố bệnh mạch vành, tàn phế và tử vong cao. Do vậy, người trẻ không nên chủ quan sức khỏe của mình mà nên khám sức khỏe định kỳ, theo dõi chỉ số huyết áp.