Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,3 triệu ca mắc và gần 615.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 7.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/6, nước này ghi nhận hơn 62.200 ca mắc mới COVID-19 và trên trường hợp tử vong. Như vậy, đây là ngày thứ 9 liên tiếp số ca bệnh mới trên toàn Ấn Độ giảm dưới ngưỡng 100.000 ca/ngày. Hiện tổng cộng trên 29,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 379.600 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Trước những diễn biến tích cực này, Chính phủ Ấn Độ hôm qua đã quyết định mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra vào tuần này. Tuy nhiên, nhà chức trách Ấn Độ khẳng định sẽ áp đặt mọi biện pháp phòng dịch mới tại khu vực này. Theo đó, du khách phải thực hiện khử trùng giày dép trước khi vào thăm đền và không được phép chạm vào lăng mộ bằng đá cẩm thạch.
Đền Taj Mahal là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Ấn Độ, thu hút 7 triệu lượt du khách tới thăm mỗi năm. Tuy nhiên do đại dịch COVID-19, khu di tích nổi tiếng này đã phải đóng cửa, ngừng đón du khách trong gần 2 tháng.
Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới Đến nay, hơn 488.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 17,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Ngày 15/6, một số khu vực ở Nga đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt.
Dịch bệnh COVID-19 dường như đang quay trở lại Nga sau khi nước này liên tiếp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian gần đây. Ngày 15/6, Nga có thêm 14.185 ca mắc mới, trong đó 6.805 bệnh nhân ở thủ đô Moscow, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước lên trên trên 5,2 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 379 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 127.180 trường hợp.
Dịch bệnh COVID-19 dường như đang quay trở lại tại Nga (Ảnh: AP)
Israel đã chính thức dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín ở các điểm công cộng kể từ ngày 15/6 sau hơn 1 năm thực hiện. Quyết định trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Chezy Levy thông báo trong một văn bản ký vào đêm 14/5. Theo đó, các tòa nhà, văn phòng, trường học, khách sạn... sẽ không yêu cầu nhân viên hoặc khách đến phải đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín này. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt, ví dụ người chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đi thăm nom tại các cơ sở chăm sóc người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu bị lây nhiễm, người đang trên đường phải đi cách ly hoặc hành khách trên máy bay.
Trước đó, ngày 18/4, Chính phủ Israel cũng đã dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời và từ ngày 1/6 đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội sau hơn 1 năm áp dụng. Nhờ chiến dịch tiêm phòng vaccine hiệu quả, hiện số bệnh nhân COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm tại Israel đã giảm xuống mức rất thấp.
Chính phủ Hàn Quốc vừa quyết định miễn cách ly bắt buộc 2 tuần sau nhập cảnh đối với người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 ở nước ngoài. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới với những người nhập cảnh với mục đích kinh doanh, học thuật, nhân đạo, thăm người thân trong gia đình trực hệ. Tuy nhiên, quy định mới chỉ áp dụng với điều kiện người nhập cảnh đã hoàn tất tiêm chủng sau 2 tuần với đủ mũi tiêm theo quy định bằng một trong 7 loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Trường hợp nhập cảnh từ các quốc gia có biến thể virus như Nam Phi không thuộc đối tượng được miễn cách ly. Công dân ở nước ngoài phải nộp giấy đăng ký và giấy chứng nhận tiêm chủng cho cơ quan ngoại giao Hàn Quốc tại nước sở tại để tiến hành kiểm tra và cấp giấy miễn cách ly. Công dân được miễn cách ly sau khi nhập cảnh phải làm xét nghiệm COVID-19 3 lần, khai báo triệu chứng hàng ngày thông qua ứng dụng tự chẩn đoán tại nhà.
Ngày 15/6, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết đang lên kế hoạch triển khai thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội mới trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ đầu tháng 7, cùng lúc nỗ lực ngăn chặn đà tăng đột biến các ca nhiễm mới hàng ngày. Theo kế hoạch, nhà chức trách Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm tập trung từ 5 người trở lên hiện nay và tăng lên mức 8 người. Tuy nhiên, giới chức y tế Hàn Quốc cho biết, họ có thể cân nhắc việc áp dụng thử nghiệm cơ chế giãn cách xã hội nới lỏng, ban đầu cho phép tụ tập tối đa lên 6 người tại khu vực thủ đô, sau đó nới lỏng dần dần phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Hiện tại, các cơ sở giải trí sẽ được phép hoạt động đến 22h hàng ngày tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo gia hạn đến ngày 30/6 đối với lệnh cấm các chuyến bay từ các nước Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đến nước này. Theo đó, Philippines sẽ không cho phép nhập cảnh những hành khách từng đến một trong những nước trên trong 14 ngày qua.
Bên cạnh đó, ông Duterte cũng quyết định gia hạn một số biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến hết tháng 6 này. Chính phủ Philippines cũng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại 9 thành phố và 12 tỉnh, bao gồm cả những khu vực ở miền Trung và Nam. Theo đó, các doanh nghiệp bị hạn chế công suất hoạt động và các cơ sở kinh doanh dịch vụ và hàng hóa không thiết yếu phải đóng cửa.
Indonesia dự báo, làn sóng dịch COVID-19 tại nước này sẽ lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 7. Đa phần các ca nhiễm được dự báo sẽ là biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Theo giới chức Jakarta, làn sóng dịch mới có thể sẽ khiến các bệnh viện tại thủ đô nước này phải hoạt động gần tối đa công suất để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ngành y tế nước này cảnh báo, số ca mắc mới đã tăng 50% trong tuần qua và nếu tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, giới chức thủ đô có thể phải xem xét khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch. Mặc dù vậy, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn bày tỏ lạc quan, cho rằng thủ đô Jakarta sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 8 tới.
Làn sóng dịch COVID-19 tại Indonesia có thể sẽ lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 7 (Ảnh: AP)
Báo Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về tiêm phòng COVID-19, bà OrVandine, cho biết, trong vài ngày tới, số người được tiêm phòng COVID-19 sẽ đạt 3 triệu người và nước này đang hướng tới mục tiêu 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng. Chia sẻ trên trang Twitter, bà Vandine nói rằng, Campuchia đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 để người dân được tiêm phòng sớm nhất có thể.
Đến nay, Campuchia ghi nhận số các nhiễm COVID-19 vượt mốc 39.400 người và có thêm 13 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này trong ngày 15/6. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 495 ca mắc COVID-19, trong đó có 44 ca nhập cảnh, trong khi số người được công bố khỏi bệnh là 604 người. Trong tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, có 33.571 người đã hồi phục và 361 người tử vong.
Do diễn biến phức tạp của các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane, Bộ Y tế Lào vào ngày 15/6 thông báo, các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 sẽ bắt buộc phải cách ly tại những trung tâm hoặc khách sạn được chỉ định.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.025 trường hợp. Trong số 15 ca mắc mới, có 6 người lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 9 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, việc một bộ phận người dân không tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới trong cộng đồng.
Ngày 15/6, Thái Lan ghi nhận 3.000 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng người mắc ở nước này vượt 200.200 trường hợp. Đáng lo ngại là hơn 80% các ca mắc mới và 90% ca tử vong mới được ghi nhận sau tháng 4.
Tính đến nay, khoảng 6,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm ở Thái Lan, trong đó, 1,6 triệu người đã được tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người, tức 70% dân số, trong năm nay.
Biến thể SARS-CoV-2 có tên Delta, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ, tới nay đã xuất hiện ở 74 quốc gia và đang tiếp tục lây lan nhanh chóng. Giới chuyên gia lo ngại rằng, biến thể Delta có thể trở thành biến chủng thống trị trên toàn thế giới.
Tại Anh, số người nhiễm biến thể Delta chiếm tới hơn 90% các ca mắc mới. Trong khi đó, dù Mỹ mới ghi nhận biến thể Delta trên khoảng 10% ca mắc COVID-19 mới nhưng con số này đang tăng gấp đôi sau mỗi tuần. Nhiều chuyên gia cho rằng, ở những nước có hệ thống giám sát kém hơn, biến thể có thể đã lan rộng hơn những gì được báo cáo. Bằng chứng từ Ấn Độ và các nơi khác cho thấy, người nhiễm biến thể này xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn, mất thính giác và đau khớp.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, biến chủng Delta và Alpha cũng là lý do chủ yếu khiến COVID-19 đang lây lan nhanh hơn cả tốc độ phân phối vaccine trên toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO cho biết, việc các ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine đồng nghĩa rủi ro tăng lên đối với những người chưa được chủng ngừa đầy đủ, mà đây lại là nhóm đối tượng chiếm phần lớn dân số thế giới.
Các quốc gia châu Phi đang ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn so với các khu vực khác. Châu Phi hiện cũng ít có khả năng tiếp cận vaccine, khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh còn hạn chế, thiếu nguồn cung oxy nhất so với các nơi khác trên thế giới. Dù các nước G7 đã cam kết phân phối 870 triệu liều vaccine dành riêng cho khu vực châu Phi nhưng WHO cho biết, lục địa này sẽ cần nhiều hơn thế.