Bị tổn thương dưới danh nghĩa tình thương

Hải My, Theo Phụ nữ số 10:53 24/05/2025
Chia sẻ

Khi những chia sẻ chỉ dẫn đến sự trách móc thay vì thấu hiểu… nỗi sợ hình thành trong chính gia đình.

Trong căn phòng, một đứa trẻ ngập ngừng nhìn về phía bố mẹ đang chuẩn bị bữa cơm. Nó muốn kể về lần bị bạn bắt nạt ở trường, cảm giác cô đơn khi không ai hiểu mình, nhưng cổ họng như nghẹn lại. Chỉ cần mở lời, nó sợ sẽ nhận được câu hỏi: “Sao con để người khác bắt nạt?”, hay tệ hơn, “Bố mẹ làm tất cả vì thương con, sao con không cố gắng, tự biết cách bảo vệ mình?”.

Những lời ấy dù mang danh nghĩa tình thương lại khắc sâu thêm tổn thương.

Trong nhiều gia đình, tình yêu của bố mẹ đôi khi được bọc trong lớp vỏ nghiêm khắc, nhưng chính lớp vỏ ấy lại vô tình để lại những vết xước trong lòng con cái. Có thể sẽ không công bằng nếu vội vã kết luận đó là những bậc phụ huynh độc hại. Thế nhưng chính họ đôi khi cũng không biết mình đã làm tổn thương con cái dưới danh nghĩa yêu thương.

“Hôm nay kiểm tra được mấy điểm?” 

Trong những ngôi nhà nghiêm khắc, tình thương của bố mẹ đôi khi được thể hiện qua những kỳ vọng khắt khe hay lời trách mắng, nhưng lại vô tình để lại những vết thương trong lòng con cái. Nhiều người thậm chí khi đã lớn lên, vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc không khí bữa ăn đang ấm áp bỗng trở nên căng thẳng khi bố mẹ hỏi: “Hôm nay kiểm tra được mấy điểm?”.

Đứa con nhận điểm 6, tim đập thình thịch, vội đáp: “Dạ, được 8”. Lời nói dối ấy không chỉ để che giấu điểm số, mà là cách bảo vệ bản thân khỏi ánh mắt thất vọng hay câu trách: “Bố mẹ đi làm vất vả cho con đi học, con không thương bố mẹ sao? Lúc nào cũng thua kém con nhà người ta”.

Dù có thể, sự trách móc ấy xuất phát từ việc bố mẹ mong muốn con cái giỏi hơn, cố gắng hơn nhưng cách họ tiếp cận lại khiến đứa trẻ cảm thấy bản thân bị phán xét, như thể giá trị của mình chỉ nằm ở con số trên bài kiểm tra. Lâu dần, chúng không còn muốn chia sẻ, từ niềm vui nhỏ bé đến những khó khăn lớn hơn, biến bữa cơm gia đình thành một không gian im ắng đầy áp lực thay vì gắn kết.

Bị tổn thương dưới danh nghĩa tình thương- Ảnh 1.

Những lần con cái mắc lỗi càng làm sâu thêm những vết xước, kéo khoảng cách giữa bố mẹ và con cái ra xa thêm một chút.

Một chiếc ly vỡ, một bài tập quên làm, lỡ miệng nói điều không đúng,... những sai lầm nhỏ nhưng với con như một tội lỗi không thể tha thứ. Thay vì được an ủi, con cái thường nhận được những lời trách: “Sao con không cẩn thận?” hay “Bố mẹ đã dạy con thế nào mà để xảy ra chuyện này?”. Dù mang danh nghĩa dạy dỗ, những lời ấy khiến ai cũng cảm thấy mình là một thất bại. Sợ thừa nhận sai lầm vì lo bị phán xét.

Một câu chuyện từng gây xôn xao là minh chứng rõ ràng: Bé gái giấu kín việc bị xâm hại suốt ba năm, chỉ vì sợ phản ứng của gia đình, sợ làm bố mẹ tan vỡ. Nỗi sợ ấy không xuất hiện trong một ngày, mà được tích tụ từ những khoảnh khắc nhỏ, khi người con cảm thấy chia sẻ chỉ dẫn đến sự trách móc thay vì thấu hiểu.

Kỳ vọng mang tên “để tốt cho con” cũng là một lưỡi dao sắc bén, dù được bọc trong tình thương. “Con phải đạt điểm 10”, “Con phải vào trường top” hay “Con không được thua kém bạn bè”,... những lời này, dù chỉ mong muốn con có một tương lai tốt đẹp, lại khiến chúng cảm thấy ngộp thở.

Mỗi lần không đạt kỳ vọng, chúng sẽ tự hỏi: “Mình có xứng đáng với tình yêu của bố mẹ không?”. Áp lực ấy khiến con cái khép kín, không dám bày tỏ ước mơ thật sự như muốn học múa thay vì làm bác sĩ chỉ vì sợ bố mẹ thất vọng. Tình thương, dù chân thành, lại trở thành gánh nặng, đẩy chúng vào sự im lặng để tránh làm bố mẹ buồn lòng.

Bị tổn thương dưới danh nghĩa tình thương- Ảnh 2.

Bố mẹ có những lý do riêng…

Nói đi cũng phải nói lại, sự nghiêm khắc của bố mẹ không phải sự cố tình hay ác ý. Mà đôi khi bởi họ cũng có những góc khuất sâu xa khó bày tỏ, nơi tình thương bị lấn át bởi áp lực và nỗi lo cuộc sống.

Trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, bố mẹ luôn sợ rằng con cái bị bỏ lại phía sau. Họ đặt ra những quy tắc nghiêm ngặt như yêu cầu điểm cao, học thêm mỗi ngày, hay cấm chơi game vì tin rằng đó là cách bảo vệ con khỏi một tương lai bất ổn. Một câu chuyện mới đây gây bão MXH khi người bố tuyên bố: “Từ nay bố không lo cho con nữa”. Đó là sự bộc phát của một người đang cảm thấy mệt mỏi vì gánh nặng kinh tế, vì bất cứ áp lực gì nhưng chính người bố ấy cũng không nhận ra rằng câu nói có thể khiến con cảm thấy bị bỏ rơi thay vì được yêu thương, bao bọc.

Bị tổn thương dưới danh nghĩa tình thương- Ảnh 3.

Sự nghiêm khắc của bố mẹ đôi khi cũng đến từ chính những vết thương trong quá khứ của họ. Lớn lên trong những gia đình nghiêm khắc, họ từng chịu những lời trách mắng hay áp lực nặng nề khiến họ tin rằng sự cứng rắn “yêu cho roi cho vọt” ấy chính là cách dạy con đúng, giúp con mạnh mẽ hơn. Một người mẹ yêu cầu con phải đạt điểm 10 có thể đang cố gắng giúp con tránh những khó khăn mà bà từng trải qua, nhưng lại không thấy rằng con cần sự lắng nghe hơn là kiểm soát. Tình thương của họ, dù sâu đậm, lại bị diễn đạt sai cách, tạo ra khoảng cách thay vì sự gần gũi.

Nỗi sợ thất bại trong vai trò làm cha mẹ cũng là một góc khuất lớn. Khi con không đạt kỳ vọng, bố mẹ có thể cảm thấy bất lực, như thể họ đang thất bại trong việc nuôi dạy con. Những lời nói gay gắt, như “con tự lo liệu cuộc sống của mình đi” là cách họ cố lấy lại quyền kiểm soát, nhưng lại vô tình khiến con tổn thương.

Những góc khuất này cho thấy bố mẹ không cố ý gây đau đớn. Họ cũng là con người, mang theo những áp lực, lo lắng, và tình yêu thương chưa tìm được cách diễn đạt đúng. Hiểu được điều này, con cái có thể bớt trách móc, mở lòng để thấu hiểu bố mẹ hơn.

Phá vỡ bức tường 

Tổn thương dưới danh nghĩa tình thương không phải là dấu chấm hết. Với sự chân thành từ con cái và sự cởi mở từ bố mẹ, cả hai có thể cùng nhau chữa lành những vết xước và xây dựng một ngôi nhà đầy yêu thương đúng nghĩa.

Đối với con cái, bước đầu tiên là dám mở lời, dù chỉ là những chia sẻ nhỏ. Thay vì kể ngay những chuyện lớn, hãy bắt đầu bằng một câu chuyện vui ở trường, một bài hát yêu thích, hay một giấc mơ nho nhỏ. Những chia sẻ này giúp bố mẹ quen với việc lắng nghe con mà không cảm thấy áp lực. Nếu sợ hãi, hãy thẳng thắn: “Con sợ bố mẹ giận nên không dám nói”. Sự chân thành ấy có thể làm mềm trái tim bố mẹ, mở ra một cuộc trò chuyện chân thật. Quan trọng hơn, hãy chọn thời điểm phù hợp như một buổi đi dạo hay khi cả nhà đang thư giãn để câu chuyện trở nên dễ dàng hơn.

Bị tổn thương dưới danh nghĩa tình thương- Ảnh 4.

Bố mẹ, về phía mình, có thể tạo ra một không gian an toàn để con cởi mở. Thay vì hỏi “Điểm Toán con thế nào?”, hãy thử: “Hôm nay con thấy vui vì điều gì?” hay “Có chuyện gì thú vị ở trường không?”. Những câu hỏi này khuyến khích con cái chia sẻ mà không sợ bị phán xét.

Khi con thừa nhận một sai lầm, hãy lắng nghe toàn bộ câu chuyện trước khi đưa ra lời khuyên. Đôi khi, trẻ chỉ cần nghe: “Bố mẹ hiểu mà, không sao đâu” là đủ. Nếu lỡ nói lời nặng nề, đừng ngại xin lỗi. Một câu “mẹ xin lỗi vì đã làm con buồn” có thể chữa lành những khoảng cách vô hình, giúp con cảm thấy được yêu thương thay vì bị trách móc.

Mỗi bước nhỏ đều là một viên gạch xây nên một ngôi nhà ấm áp, nơi con cái không còn sợ chia sẻ với bố mẹ, không ai vô tình làm tổn thương nhau.

Tình thương, dù đôi khi mang vỏ bọc nghiêm khắc và để lại những vết xước, vẫn là sợi dây gắn kết gia đình. Không cần bố mẹ phải hoàn hảo, chỉ cần sự thấu hiểu và kiên nhẫn. Không cần con cái quá áp lực về sự hoàn hảo, vì chúng ta ai cũng đầy khiếm khuyết…

Illustration by Boyoun Kim

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày