"Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông": Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên

AT!, Theo Helino 19:07 23/12/2018

Thanh xuân là những tháng ngày tươi đẹp nhất của một đời người nhưng với Dịch Dao trong "Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông" thì đó là quãng thời gian “ác mộng”. Bạo lực học đường là hung thủ sát hại người thiếu nữ đáng thương đó dưới dòng sông lạnh giá.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông là một món ăn tinh thần mang vị "đắng cay" khác biệt với sự "ngọt ngào" của các tác phẩm thanh xuân vườn trường đậm chất ngôn tình đang gây bão hiện nay. Phim là một bức tranh u ám phản ánh chân thực về vấn đề bắt nạt, lối sống vô cảm của thế hệ thanh thiếu niên Trung Quốc.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 1.

Chuyện kể về Dịch Dao (Nhậm Mẫn), cô gái có một tuổi mười bảy chằng chịt những vết xước "rỉ máu" về tâm hồn và thể xác. Tháng ngày đến trường của cô chỉ là một bi kịch, tấn trò hề cho bạn bè giếu cợt, mỉa mai và hành hạ cô từ lời nói đến hành động. Trường học là địa ngục, nơi lạnh lẽo đã chôn vùi cuộc sống của cô trong máu và nước mắt.

Người thiếu nữ học cách trưởng thành trong bất hạnh

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 2.

Bạn học Dịch Dao sớm mất cha từ nhỏ, mẹ thì làm nghề "massage" vì vậy cô thầm lặng, khép mình trong sự tủi nhục của nghèo hèn. Số phận dồn cô vào đường cùng khi cô phát hiện mình mắc bệnh phụ khoa do những vị khách của mẹ lấy khăn tắm của cô sử dụng. Hoang mang, sợ hãi Dịch Dao phải tự mình chịu đau cho đến khi bị Đường Tiểu Mễ (Châu Dannel) phát hiện ra bí mật kinh khủng này. Kể từ đó, cô là mục tiêu để trường học chà đạp và lăng nhục.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 3.

Giống như nữ chính phim thanh xuân khác cô cũng có tri kỉ "thanh mai trúc mã" là lớp trưởng Tề Minh (Triệu Anh Bác) tuấn tú, tài giỏi và cậu bạn Cố Sâm Tây (Vận Vân Lai) thân thiện, luôn bên cạnh chở che. Nhưng đây không phải là câu chuyện cổ tích nhiệm màu mà là thực tế tàn nhẫn đầy khắc nghiệt khi Dịch Dao phải gồng mình chịu đựng những màn tra tấn vô tình của bạn bè. Sự kỳ thị, tẩy chay của một cộng đồng như hàng ngàn mũi kim có độc đâm vào cơ thể bé nhỏ của Dịch Dao khiến cô đau đớn, mặc cảm và chết dần trong nỗi cô đơn buồn thẳm.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 4.

Cố Sâm Tây, Tây trong mặt trời mọc đằng tây là chút hơi ấm mà Dịch Dao cảm nhận được từ ánh nắng của tình bạn thuần khiết. Cậu ấy đã xuất hiện trong thanh xuân đầy nỗi bi ai này, đã ở bên cạnh lắng nghe, an ủi và sẻ chia cùng Dịch Dao. Đáng tiếc đoạn đường trưởng thành của Dịch Dao chỉ là sự bất hạnh khi cô phải sống trong sự ghẻ lạnh của xã hội, sự thờ ơ trong túng quẫn của gia đình. Cuối cùng cái chết như một sự cứu rỗi duy nhất để cô có thể giải thoát cho chính mình, để được an nhiên và thanh thản.

Bạo lực biến trường học trở thành đấu trường sinh tử

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 5.

Phim rất thực tế khi phơi bày hiện thực tàn khốc của những người trẻ đang vật lộn với vấn nạn bạo hành, bắt nạt trong trường học. Nạn nhân luôn một mình chống đỡ trước những đòn tấn công độc ác của đám đông. Chỉ cần một tin đồn không cần biết đúng sai được lan rộng và bàn tán rồi công kích đầy hả hê, thích thú và vô tâm trêu đùa trước nỗi đau của người khác.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 6.

Bạo lực học đường xuất phát từ sự đố kỵ, ghen ghét; từ cách giáo dục sáo rỗng dẫn đến hậu quả khôn lường khi hình thành những "sát nhân" yêu thích chỉ trích, phê phán và bình phẩm. Đường Tiểu Mễ cũng là nạn nhân nhưng cô ta thật đáng trách khi lan truyền bí mật căn bệnh của Dịch Dao rồi tấn công và vùi dập bạn cùng lớp phải "sống không bằng chết". Tề Minh thì quá khác biệt khi được sống trong sự yêu thương chiều chuộng nên cậu không có dũng khí hay chính kiến để ở bên cạnh thấu hiểu và bảo vệ Dịch Dao.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 7.

Mỗi người một hoàn cảnh khác biệt nhưng tất cả đều "quay lưng" để mặc cô gái Dịch Dao một mình kiên cường mà chống đỡ. Một thanh xuân bị vẩy đục bởi miệng lưỡi thế gian, bởi sự lạnh lùng đến tuyệt tình của con người. Tuổi trẻ của ai cũng đáng quý đừng vì trò đùa ác ý mà thản nhiên mặc kệ vết thương mà ai đó phải đau đáu mang theo suốt cả cuộc đời.

Một tác phẩm buồn và rất "đời"

Đây là một tác phẩm rất đáng xem khi gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ về vấn nạn bạo lực học đường. Một kịch bản không tô vẽ rực rỡ, một dàn cast không ngôi sao hay mỹ nam, mỹ nữ. Đơn giản phim chỉ là một câu chuyện "rất đời" . Đạo diễn Lạc Lạc đã thay đổi chút ít so với cốt truyện gốc của nhà văn Quách Kính Minh để giảm nhẹ những tình tiết nặng nề và giữ lại cái hồn, nét đẹp đầy tính nhân văn sâu sắc.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 8.

Nỗi buồn của phim ẩn hiện trên những góc quay nghệ thuật, đầy dung dị và gần gũi. Dàn diễn viên trẻ đã hoàn thành vai diễn của mình khi khắc họa chân thực những chuyển biến tâm lý phức tạp của các cô cậu học trò tuổi mới lớn. Đáng khen nhất chính là nữ chính do Nhậm Mẫn thủ vai. Đôi mắt buồn trong sáng như ngọc, gương mặt phảng phất sự sầu bi cùng cực của Nhậm Mẫn khiến khản giả cảm thông, thương xót cho nhân vật Dịch Dao. Nỗi buồn cứ thế kéo dài miên man theo lời thoại giàu chất tự sự cùng lối diễn mê hoặc, rất có hồn của Nhậm Mẫn.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 9.

Cái kết của phim chính là một sự giải phóng cho số mệnh. Một kết thúc mở tràn đầy ánh sáng niềm tin và hy vọng mới. Sự cố của ngày hôm nay chỉ là cú vấp ngã để bạn mạnh mẽ hơn mà quên đi và sống tiếp vì đâu đó trên thế gian này vẫn có người bạn như Cố Sâm Tây mỉm cười cùng ta đi qua những khó khăn.

Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông: Bức tranh u ám về nạn bắt nạt học đường và lối sống vô cảm của thanh thiếu niên - Ảnh 10.

"Nguyện cho thanh xuân của người người đều được đối xử ấm áp" là lời ước nguyện mà bộ phim muốn gửi đến những người trẻ. Chúng ta sẽ hạnh phúc mà trưởng thành trong sự yêu thương đơn thuần đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ.

Trailer "Bi Thương Ngược Dòng Thành Sông"