Bị Steve Jobs chửi thẳng mặt với câu từ tục tĩu, cựu kỹ sư trưởng của Apple phản ứng thế nào?

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 03/10/2018

Steve Jobs nổi tiếng là một CEO có tính khí rất khó chịu với nhiều người ở Apple, và đối với câu chuyện để đời của cựu quản lý này cũng vậy.

*Theo lời kể của Ken Kocienda - cựu kỹ sư trưởng quản lý phần mềm của Apple:

Thử tưởng tượng một ngày bạn bỏ công sức 100% ra làm hăng say miệt mài công việc được giao với kỳ vọng cực nhiều, để rồi cuối cùng lại bị sếp mắng và nhận xét thẳng mặt là "đồ bỏ đi" (từ gốc: dogs***), cảm giác của bạn khi đó sẽ thế nào? Tiếp nhé, giờ thử nghĩ đến việc người sếp đó chính là... Steve Jobs - người đã nổi tiếng về tính khí cục cằn, thất thường đến độ cực đoan với nhân viên - thì sao? Đó chính là những gì tôi trải qua khi còn đương nhiệm tại Apple, trong những năm tháng đầu tiên bước vào khẳng định tên tuổi trong làng công nghệ.

Câu chuyện để đời

Đó là năm 2009, khi tôi đang phụ trách đội ngũ phát triển phần mềm cho thế hệ iPhone 4 chuẩn bị ra mắt. Nói qua một chút, đó là mẫu iPhone chứng kiến những sóng gió thực sự nổi lên khi bị dính vấn đề kết nối sóng ngay sau khi mở bán: Rất nhiều người dùng nhận thấy sóng không thể kết nối khi họ cầm vào cạnh máy, che đi không gian bắt sóng của ăng-ten. Ngay sau đó, đã có vài lãnh đạo cấp cao phải ra đi vì kết quả tệ hại này.

Bị Steve Jobs chửi thẳng mặt với câu từ tục tĩu, cựu kỹ sư trưởng của Apple phản ứng thế nào? - Ảnh 1.

Steve Jobs nổi tiếng với tài năng của mình, nhưng cũng được nhiều người biết đến vì tính khí cục cằn.

Trở lại câu chuyện chính, điểm đặc biệt của iPhone 4 khi đó là việc nó được trang bị màn hình Retina đầu tiên của Apple - công nghệ điểm ảnh chi tiết đột phá so với thời đại, tạo ra độ nét vượt bậc so với mặt bằng điện thoại khi đó. Công việc của tôi lúc ấy là lo liệu một bộ font chữ hệ thống mới cho iPhone 4 để phô diễn và tương thích nhất cho công nghệ màn hình Retina. Dĩ nhiên, đây là một trọng trách quan trọng đối với cả tương lai của công ty nên không thể nào nó bị xem thường và làm qua loa được.

Đến buổi đánh giá, 8 chiếc iPhone thử nghiệm khác nhau được cài sẵn 8 font chữ chọn trước, đem đến cho CEO Steve Jobs đánh giá. Hầu hết trong số những font chữ đó là phiên bản chỉnh sửa, cải tiến của Helvetica - font mặc định được dùng trước đó trên iPhone. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cả 8 lựa chọn này đều mắc phải một nhược điểm lặp lại như nhau: Chữ cái "M" bị vỡ nét ở các góc cạnh khi zoom màn hình lên, sẽ là một sự xấu hổ nếu so sánh kèm với những gì Apple định quảng bá về công nghệ màn hình Retina cực nét mới của mình.

Từng ký ức vẫn không thể nào phai nhòa. Steve Jobs tiến tới từng chiếc điện thoại, gạt kính gài lên trán để nhìn thật gần rồi lại bỏ kính xuống đeo, nhìn tiếp một cách chằm chằm, chăm chú. Cuối cùng, tất cả những gì ông có thể nhận xét là một nỗi thất vọng thậm tệ, đến nỗi tôi ước gì có một chiếc túi giấy to ở đó để gạt hết đống điện thoại trên bàn, dọn chúng đi một cách nhanh nhất có thể.

Phản ứng và cách giải quyết

Ở trong tình thế này, tôi nên làm gì và phản ứng như thế nào mới thật sự khôn ngoan và đúng đắn? Tự nhận mình sai và làm không tốt cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận sự kém cỏi của mình, rằng những công việc và trọng trách lớn thế này đã vượt quá tầm, xứng đáng một tấm vé giáng chức một chiều ngay lập tức. Nhưng còn việc đứng đó biện hộ và phản bác cũng chẳng khác gì một trò quay số may mắn, khi mà đối mặt với tôi là một trong những CEO "ghê gớm" nhất làng công nghệ.

Bị Steve Jobs chửi thẳng mặt với câu từ tục tĩu, cựu kỹ sư trưởng của Apple phản ứng thế nào? - Ảnh 3.

Cuối cùng, tôi đã không đủ dũng cảm để chọn cách thứ hai mà chỉ dám im lặng đứng đó, nhưng ít nhất vẫn được Steve Jobs cho một cơ hội tiếp theo để làm lại thành quả. Vài ngày tiếp theo sau đó là khoảng thời gian áp lực liên tục khi tôi và đội của mình dốc sức tìm ra font chữ giải quyết được vấn đề hiện tại. Thật may mắn và bất ngờ khi Helvetica Neue được tìm ra, cũng là một bản nâng cấp nhẹ hơn so với Helvetica gốc nhưng lại khắc phục được đúng điểm mà chúng tôi cũng như Steve Jobs cần. Tất nhiên, nó được chấp thuận ngay ở vòng đánh giá tiếp theo.

Bài học rút ra

Từ kinh nghiệm lâu năm của mình, có hai bài học mà tôi sẽ ghi nhớ suốt đời. Thứ nhất, một nhiệm vụ mới toanh với bản thân thường sẽ khó khăn và không đem lại kết quả tốt ngay lập tức. Nếu muốn thỏa mãn yêu cầu, chúng sẽ phải kinh qua một quá trình nỗ lực đáng kể. Những tức giận và những tiếng thở dài thất vọng của sếp sẽ là cần thiết để thúc đầy tinh thần làm việc, tôi luyện các ý tưởng thành một sản phẩm hiệu quả thực sự.

Thứ hai, việc phải nhận những lời chỉ trích, thậm chí mang mức độ thậm tệ, nhiều khi lại có ích trong khi nhiều người nghĩ là quá trớn. Đó là cách mà Steve Jobs thường làm, dù tôi nghĩ rằng ông có thói quen như vậy hơn là tính trước cách thức này. CEO của Apple còn hay đưa ra một lời chửi mắng với tốc độ rất nhanh, chỉ một lời từ chối vô tình lạnh lùng, trong khi không hề giải thích thêm rằng kết quả này sai ở đâu (hoặc chính ông cũng không biết chỉ ra như thế nào, đơn giản là thấy ý tưởng không ổn) để nhân viên biết và sửa lại.

Thành thật mà nói Steve Jobs rất thất thường về tính khí, nhưng phải công nhận việc ông mắng, thậm chí chửi với những ngôn từ thô thiển không phải là chuyện hiếm đối với mỗi người trong cuộc sống. Vấn đề chính ở đây là chúng ta phải biết hoàn cảnh mà dùng nó cho đúng, và Steve Jobs, bằng một cách nào đó, lại khiến được người nghe cảm thấy rằng thực ra ông đang dành những lời lẽ kinh khủng kia để nhận xét về thành quả công việc, chứ không phải là bản thân người làm ra nó.

Phải biết tự nhìn nhận bản thân chưa đủ năng lực, hoặc chưa đủ cố gắng để làm nên kết quả như ý để trau dồi hơn nữa mới là bài học giá trị. Công việc làm ra bị gọi là "đồ bỏ đi" cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải gắt gao hơn trong việc sửa chữa nó. Vì thế, hãy để cái tôi của mình lại sau cánh cửa trước khi bạn dám bước vào căn phòng nơi có những người sẵn sàng chửi mắng bạn.