Tiết lộ gây sốc về Steve Jobs khi làm chiếc iPhone đầu tiên: Lãnh đạo xuất chúng hay kẻ cuồng trí và nỗi ác mộng?

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 10:07 02/08/2018

Brian Merchant - một kỹ sư của Apple đã cho ra đời cuốn sách "The One Device: The Secret History of the iPhone" vào năm ngoái, phơi bày rất nhiều thông tin sửng sốt về quãng đường làm ra chiếc iPhone đầu tiên dưới sự chỉ đạo của Steve Jobs.

Steve Jobs được xem như một lãnh đạo ưu tú của làng công nghệ nói chung và tập thể nhân viên Apple nói riêng, khi ông một tay lo liệu cho công ty từ khi còn là văn phòng chật hẹp dưới garage, đến nay đã là một đế chế công nghệ đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cuốn sách "The One Device: The Secret History of the iPhone" do chính kỹ sư Brian Merchant của Apple viết nên, giới thiệu vào năm ngoái đã hé lộ những sự thật bất ngờ về một phần môi trường làm việc nơi đây.

Điều kiện làm việc trái ngược với những gì từng biết tại Apple

Căng thẳng tột độ, đôi khi sợ hãi vì những chỉ tiêu mà CEO Steve Jobs đặt ra trong quá trình làm nên chiếc iPhone đầu tiên của lịch sử, hay thậm chí làm suy sụp tinh thần, phá hỏng các mối quan hệ của nhân viên với người thân - tất cả đều được Merchant tiết lộ trong tác phẩm của mình. Về phần lãnh đạo, Steve Jobs cũng được miêu tả là một ông sếp giỏi, nhưng lại có cách điều phối công việc cho nhân viên không hề lý tưởng chút nào, dẫn đến nhiều hệ quả xấu.

Tiết lộ gây sốc về Steve Jobs khi làm chiếc iPhone đầu tiên: Lãnh đạo xuất chúng hay kẻ cuồng trí và nỗi ác mộng? - Ảnh 1.

"Các anh chị sẽ phải học cách từ bỏ những giấc ngủ ngon mỗi đêm, hay thời gian rảnh cuối tuần từ bây giờ cho tới vài năm nữa, chừng nào chúng ta thành công với sản phẩm này thì thôi." Đó là lời mà Steve Jobs nói với đội ngũ nhân lực cho dự án làm ra chiếc iPhone đầu tiên của mình. Không hề dọa nạt hay nói quá, các nhân viên từ lâu năm cho tới "lính mới" đều nhận ra rằng Jobs đang rất nghiêm túc với kiểu cách làm việc này. Andy Grignon - kỹ sư dày dạn kinh nghiệm trong dự án iPhone đã nhận định đó là một khoảng thời gian tồi tệ nhất sự nghiệp của ông, và chính nó đã khiến hôn nhân của ông tan vỡ, rơi vào cảnh ly hôn đường ai nấy đi. Rất nhiều người khác cũng có chung quan điểm như vậy.

Toàn bộ đội ngũ làm việc cho dự án thiết kế iPhone được chia làm 2 nhóm: P1 và P2. Tuy nhiên, Steve Jobs không phân chia như vậy để giúp họ điều phối đầu việc và cộng tác với nhau, trái lại, ông muốn 2 nhóm phải... đối đầu nhau trong công việc, để Jobs có thể chọn ra một kết quả tối ưu nhất khi tổng kết trên tất cả nỗ lực.

Dù vậy, vẫn có một số sự khác nhau trong nhiệm vụ giao cho các nhóm: P1 sẽ phụ trách công việc tìm ra cách để thêm các chức năng của điện thoại lên thân xác của chiếc iPod (vốn đã tồn tại khi đó). Trong khi đó, nhóm P2 được giao công việc trọng tâm là phát triển cách thức thao tác với công nghệ cảm ứng màn hình.

Tiết lộ gây sốc về Steve Jobs khi làm chiếc iPhone đầu tiên: Lãnh đạo xuất chúng hay kẻ cuồng trí và nỗi ác mộng? - Ảnh 2.

Chiếc iPhone đời đầu thử nghiệm có trình điều khiển bằng vòng xoay cảm ứng như iPod.

Theo lời kể của Merchant, không khí làm việc của dự án căng thẳng tột độ khi không bao giờ có chuyện quản lý của 2 nhóm ngồi chung phòng hay gần nhau cả. Tất cả dường như bị cuốn theo vòng xoáy của một nhiệm vụ bất khả thi, đi cùng thời hạn hoàn thành cũng chồng chất khó khăn không kém, dù cho tất cả đều là những người thực sự tài giỏi. Sau này, nhóm P1 đã tạo ra một phiên bản điện thoại sử dụng tốt theo cơ chế điều khiển vòng xoay cảm ứng của iPod thời bấy giờ. Thế nhưng P2 mới là nhóm chiến thắng và đáp ứng dự định của Jobs, để rồi sau này phát triển ra chiếc iPhone cảm ứng đa điểm đầu tiên trên thế giới.

Steve Jobs: Lãnh đạo xuất chúng hay một kẻ cuồng trí vì công việc?

Vị CEO của Apple khi đó đặt mức độ bảo vệ bí mật của dự án iPhone lên ưu tiên hàng đầu, vượt trên tất cả mọi thứ, như thể tâm trí ông đã nghĩ về nó quá nhiều nên... phát điên vậy. Mở đầu là cách ông chọn văn phòng làm việc chung không hề có cửa sổ để tránh bị nhìn vào từ bên ngoài, thậm chí còn đặt một mã hiệu cho nơi đó là "Purple" thay vì gọi thẳng. Các nhân viên lau dọn cũng được miễn làm việc, không được phép vào phòng vì Jobs lo sợ những thông tin viết trên bảng hay để xung quanh bị lộ ra.

Trưởng bộ phận phát triển phần mềm cho iPhone thời bấy giờ - ông Scott Forstall - chia sẻ trong cuốn sách: "Nhân viên được lệnh khóa kỹ mọi lối đi trong tầng làm việc lại. Cửa ra vào được đặt các máy quét bảng tên, nhiều và chặt chẽ đến nỗi chỉ đi tới phòng nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm thôi cũng phải quét thông tin tới 4 lần. Chưa hết, Jobs còn chủ động đặt các tấm biển nhắc nhở liên tục theo lối đi, chẳng hạn như một chiếc ghi chữ 'Fight Club', khiến chúng tôi phải nhớ đến bộ phim cùng tên mà trong đó có luật lệ phải giữ kín thông tin chung một cách tuyệt mật."

Tiết lộ gây sốc về Steve Jobs khi làm chiếc iPhone đầu tiên: Lãnh đạo xuất chúng hay kẻ cuồng trí và nỗi ác mộng? - Ảnh 3.

Bên cạnh phương pháp điều hành công việc khác người, tính cách của Steve Jobs cũng là một chủ đề nóng được nhiều người nhắc đến từ lâu. Nóng nảy, cục tính là hai từ dễ nghe nhất mỗi khi có ai đó chia sẻ thẳng thắn về vị lãnh đạo của mình khi còn làm việc tại Apple, đặc biệt là thói quen sa thải nhân viên một cách công khai, bất ngờ vì không đáp ứng yêu cầu.

Một điều nữa được tiết lộ trong cuốn sách cũng khiến nhiều người không tin khi đọc đến: Steve Jobs là nhà lãnh đạo tài ba, nhưng cũng chính ông suýt chút nữa đã tự cản đường thành công rực rỡ của cả iPhone và iPod với những dự định sai lầm của mình.

Chẳng hạn, Jobs đã là một trong những người phản đối dữ dội nhất việc đưa iTunes lên mở rộng phát triển thành một phần mềm trên hệ điều hành Windows. Khi đó, ông còn đánh tiếng với quản lý Tony Fadell - một trong những người sáng chế ra iPod - rằng: "Nếu muốn đưa iTunes lên phát triển trên máy tính Windows thì phải bước qua xác tôi đã." Thế nhưng, chính quyết định bị Jobs ngăn cản đó sau này lại trở thành một trong những bước ngoặt khổng lồ cho iPod tiến lên thành biểu tượng toàn cầu của giới chơi nhạc.

Tiết lộ gây sốc về Steve Jobs khi làm chiếc iPhone đầu tiên: Lãnh đạo xuất chúng hay kẻ cuồng trí và nỗi ác mộng? - Ảnh 4.

Không chỉ iPod mà chính ý tưởng về chiếc iPhone nguyên gốc đầu tiên cũng bị "dính dớp" bởi Steve Jobs. Năm 2005, ông lo lắng đây sẽ là một dự án thất bại, không tin rằng sẽ có một nhà mạng nào đồng ý hợp tác để công ty mình nắm quyền thiết kế toàn bộ sản phẩm từ đầu đến cuối như vậy, vì nhà mạng là phía có nhiều sức nặng quyền lợi hơn trong thỏa thuận với công ty sản xuất smartphone.

Cũng chính vì sự không chắc chắn đó mà Jobs lo sợ iPhone sinh ra sẽ lấn át thành công mà iPod đang làm nên, vì thế ông đã quết định hợp tác với Motorola thử tạo ra ROKR - một phiên bản điện thoại "lai", cho phép tích hợp iTunes lên đó để xem tác động lên thị trường ra sao. Mục đích khi đó là để khách hàng biết đến trải nghiệm tuyệt vời khi dùng iTunes, từ đó đổ xô đi mua iPod chính hãng đang phổ biến.

Kết quả cuối cùng ra sao? Hóa ra ROKR lại thất bại thảm hại, khiến Jobs phải thay đổi ý kiến và cuối cùng cũng phê duyệt sự ra đời cho dự án iPhone. Chính số phận của ROKR đã là nhân tố tác động đến sự "cứng đầu" của Jobs, buộc ông phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận và định hướng làm điện thoại tới người dùng trên toàn thế giới. Tranh cãi về tính cách của Steve Jobs thì vẫn để đó, nhưng bằng chứng về việc iPhone ra đời bởi ông đang ngày một chiếm lĩnh thế giới thì đã, đang và sẽ không thể bị chối từ, với tên tuổi của vị CEO được người đời vinh danh như một nhà lãnh đạo lỗi lạc trong lịch sử công nghệ.