Bí quyết kiếm tỷ đô từ thú bông giá 5 đô: Không mất một xu quảng cáo, tạo khan hiếm ảo, thậm chí dừng sản xuất khiến fan hoảng sợ lùng sục bằng được

Phong Ninh, Theo Trí Thức Trẻ 17:34 28/08/2019
Chia sẻ

Ở thời kỳ đỉnh cao, ông Warner còn ngạo nghễ nói rằng có thể nhúng những con thú đồ chơi vào phân mà vẫn có người sẵn sàng mua chúng.

Ngành đồ chơi là một ngành ăn nên làm ra ở Mỹ, doanh số hàng chục tỷ USD một năm. Tuy nhiên, có những thời điểm một món đồ chơi vài USD bị những nhà đầu cơ thổi giá lên vài chục nghìn USD, tạo nên "bong bóng" thị trường đồ chơi mà nhiều chuyên gia nhận định là "điên rồ".

Người ta giẫm đạp lên nhau chỉ để mua những con thú đồ chơi. Họ coi chúng như những món đồ quý giá nhất, tài sản giá trị nhất. Thậm chí nhiều gia đình ly hôn còn phân chia tài sản là… những con thú nhồi bông.

Tất cả những sự việc "điên rồ" trên đây đều do chiến lược của Ty Warner - dựa vào một tâm lý đặc biệt của con người.

Warner ban đầu cũng có một sản phẩm đặc biệt: những con thú được nhồi bằng hạt nhựa, khác hoàn toàn so với phần còn lại của thị trường – chỉ nhồi bằng bông. Chúng được gọi với cái tên Beanies Babies và chỉ với giá 5 USD, rồi nhanh chóng được yêu thích. Tuy nhiên chỉ thế thôi chưa đủ.

Bí quyết kiếm tỷ đô từ thú bông giá 5 đô: Không mất một xu quảng cáo, tạo khan hiếm ảo, thậm chí dừng sản xuất khiến fan hoảng sợ lùng sục bằng được - Ảnh 1.

Ty Warner

Là một người tin vào học thuyết tâm lý của Sigmund Freud, một trong những nhà tâm lý học đầu tiên cho rằng hầu hết các quyết định của con người là vô thức và thiếu lý trí; Warner đã lợi dụng nguyên lý này để thao túng cung cầu, tạo nên cơn sốt đồ chơi ảo lớn nhất thế giới.

Như đã nói ở trên, ngay từ những ngày đầu tiên ra mắt loạt đồ chơi thú nhồi hạt Beanies Babies, Ty Warner đã không tiêu một xu nào cho quảng bá. Ông thậm chí còn từ chối bán đồ chơi của mình cho những cửa hàng bán lẻ lớn, bao gồm Walmart, Wallgreen và kể cả Toys R Us – một điều thường thấy để gia tăng độ phủ.

Thay vào đó, Warner quyết định chỉ bán cho các cửa hàng Hallmark có diện tích trung bình. Việc này tạo cho khách hàng sự gần gũi và niềm tin rằng giá cả sẽ rất hợp lý.

Ngoài ra, Warner kiểm soát rất chặt lượng thông tin về số sản phẩm được bán và những con thú nào sẽ được bán ở cửa hiệu nào. Số lượng đơn đặt hàng tối đa của mỗi cửa hàng chỉ là 36 món/tháng đối với mỗi kiểu đồ chơi.

Sản phẩm của công ty bỗng trở nên kì bí do mọi người không thể sưu tập hết được đủ loại ở một cửa tiệm, khiến đồ chơi của hãng rơi vào hiện tượng khan hàng ảo giác.

Bí quyết kiếm tỷ đô từ thú bông giá 5 đô: Không mất một xu quảng cáo, tạo khan hiếm ảo, thậm chí dừng sản xuất khiến fan hoảng sợ lùng sục bằng được - Ảnh 2.

Một đứa trẻ trên tay là những Beanies Babies đủ loại

Kể từ đây giá thú nhồi bông của Ty Inc – công ty phân phối đồ chơi của Ty Warner bắt đầu tăng dần cùng với độ "khan hiếm" của sản phẩm và cảm giác "thèm thuồng" từ người tiêu dùng. Mức giá 5 USD cũng nhích dần lên. Dẫu vậy Warner vẫn chưa hài lòng và ông quyết định tung "đòn hiểm".

Năm 1995, Warner tung một thông tin kích nổ thị trường khi tuyên bố tạm dừng sản xuất một số thú nhồi bông, nhưng trên thực tế ông đã đặt hàng triệu con thú này từ các nhà máy khác.

Điều này đã "kích nổ" quả bom đầu cơ Beanies Babies. Mức giá 5 USD bị đẩy lên đến 15-20 USD và có những con lên tới 13.000 USD.

Chiêu cuối cùng, Warner chọn ngẫu nhiên một số mẫu đồ chơi và "cho về hưu", đồng thời cho ra mắt một số mẫu mới.

Năm 1996, khi ông công bố dừng sản xuất một số mẫu đồ chơi, người hâm mộ Beanie Babies trên khắp đất nước sững sờ. Và tất nhiên, người dân nháo nhào đi mua những thú đồ chơi của hãng về để đầu cơ những mong kiếm được khoản lợi nhuận khủng.

Chiến lược này của Warner đã thành công đến nỗi một năm sau đó, ông phải thuê 3 chiếc máy bay 737 để vận chuyển hàng khẩn cấp từ nhà máy ở Hàn Quốc đến các cửa hàng trên khắp nước Mỹ vì nhu cầu đã được đẩy lên quá cao.

Giới truyền thông khi đó tràn ngập những thông tin về Beanie Babies.

Một người đàn ông được ghi nhận đã chen lấn lên trẻ em chỉ để mua thú nhồi bông. Một ông lão 77 tuổi ở Chicago ăn cắp 1.200 con thú nhồi bông để đầu cơ. Một vụ xả súng giết người ở Tây Virginia do liên quan đến thú Beanie Babies trị giá vài trăm USD. Thậm chí những chuyến hàng lậu chuyên chở ma túy giờ đây cũng chất hàng thú nhồi bông.

Bí quyết kiếm tỷ đô từ thú bông giá 5 đô: Không mất một xu quảng cáo, tạo khan hiếm ảo, thậm chí dừng sản xuất khiến fan hoảng sợ lùng sục bằng được - Ảnh 3.

Cặp vợ chồng ly hôn đang phân chia tài sản là những con thú Beanie Babies tại một tòa án ở Las Vegas

Vào thời kỳ đỉnh cao 1997, Ty Inc bán được 100 triệu con thú chỉ trong 10 ngày. Hàng loạt những vụ đánh cướp giữa người lớn với nhau chỉ để tranh giành các mẫu thú nhồi bông khó kiếm. Đến năm 1998, Ty Inc đạt lợi nhuận hơn 1 tỷ USD và Warner trở thành người hùng trong mắt các nhân viên của mình.

Khi đó, ông đã từng ngạo nghễ nói rằng có thể nhúng một con thú nhồi bông vào phân mà vẫn khiến mọi người mua chúng.

Dù vậy, cũng như cách hình thành điên rồ của nó, "bong bóng" thú đồ chơi cũng nhanh chóng tan vỡ. Quá mơ mộng khi ở trên đỉnh vinh quang, Ty Inc cứ tiếp tục tung ra thị trường hàng loạt thông tin ảo song song với nhập hàng triệu con thú bông về bán.

Cung lúc này đã vượt quá cầu. Warner phát hiện ra cũng quá muộn. Bong bóng thú nhồi bông đổ vỡ. Những mẫu thú khan hiếm đắt giá trước đây giờ được bán tràn lan trên mạng. Cả giá và doanh số của thú nhồi bông Ty Inc đều giảm 90% vào đầu thập niên 2000.

Tuy nhiên Warner cũng đã kịp giữ cho mình 107 triệu USD từ phi vụ này trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Theo Forbes, tài sản hiện tại của Warner là 2,6 tỷ USD, đứng thứ 877 thế giới. Ông sở hữu bộ sưu tập nghệ thuật, những bất động sản hàng triệu đô. Warner còn là chủ sở hữu khách sạn Four Seasons nổi tiếng tại New York, Mỹ.

Theo Business Insider

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày