Màn ảnh Hàn mấy năm gần đây được đánh giá cao hơn hẳn về mặt kỹ xảo khi nhiều bộ phim được đầu tư chỉn chu để mang đến cho khán giả những thước phim chân thực, hoành tráng hơn. Những điều không có thực, những bối cảnh cần dùng chi phí quá lớn để dàn dựng,... được các ekip tạo ra bởi kỹ xảo CG (computer graphic - đồ họa vi tính) nhằm hạn chế việc phát sinh kinh phí nhưng vẫn mang tới cảm giác "y như thật".
Bối cảnh sân vườn gia đình nhà giàu ở Parasite không quá phức tạp so với loạt phim Hàn về giới siêu giàu nhưng trên thực tế, đa phần nó được dựng lên bởi đồ họa vi tính. Khi xem những phân đoạn hậu trường mà ekip làm phim đăng tải, khán giả phải trầm trồ bởi những màn "biến hóa" quá xuất sắc, từ phông xanh thành sân vườn, biệt thự giống thật đến từng chi tiết nhỏ. Ngoài ra, bối cảnh khu chợ tồi tàn, một số phân đoạn đường phố khi xe di chuyển cũng đều là sản phẩm của CG.
Bối cảnh giàu sang bên trong tòa Hera cao chọc trời ở Penthouse đa phần đều là "hàng thật" nhưng bản thân tòa nhà 100 tầng giữa Seoul này lại là sản phẩm của kỹ xảo dựng nên. Thực tế không có bất kỳ tòa nhà chọc trời nào xuất hiện ở khu vực này. Trong khi đó, bối cảnh toàn bộ Hera Place cũng là sản phẩm kết hợp giữa thực tế với kỹ xảo. Thú vị hơn khi phần kỹ xảo này lại do ekip người Việt Nam thực hiện.
Bộ phim Hotel Del Luna thuộc thể loại viễn tưởng, kỳ ảo với bối cảnh là một khách sạn chuyên tiếp đón các linh hồn trước khi họ sang thế giới bên kia. Với chủ đề này, dĩ nhiên phim phải sử dụng rất nhiều kỹ xảo để tái hiện hình ảnh các linh hồn hay loạt phép thuật kỳ ảo. Tuy vẫn còn khá nhiều phân đoạn "non tay" nhưng nhìn chung, kỹ xảo của Hotel Del Luna đủ để khán giả cảm thấy dễ chịu và hài lòng.
Thuộc thể loại tâm lý, chữa lành nhưng vì khai thác nội dung phim kết nối với một số câu chuyện cổ tích nên bối cảnh phim và nhân vật nữ chính có những hình ảnh mang hơi hướm cổ tích thời hiện đại. Tòa lâu đài mà nữ chính sinh sống tạo cảm giác như một cung điện bị nguyền rủa, kỳ ảo, lung linh nhưng lại mang chút màu u ám. Được biết phần bên ngoài của "cung điện" này được tạo ra bởi kỹ xảo điện ảnh khi vốn dĩ ekip chỉ xây dựng duy nhất phần cửa và cổng vào. Thậm chí ngay cả một số họa tiết trong căn nhà này như các loại đèn chùm lớn cũng được tạo ra bởi kỹ xảo điện ảnh. Và dĩ nhiên khán giả không hề nhận ra điều này mà tin tưởng tuyệt đối rằng đây là một bối cảnh có thật.