Những ngày qua, số ca mắc cúm tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước đang gia tăng nhanh chóng, kéo theo tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, thậm chí phải thở máy và can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, theo thông tin từ Thạc sĩ, bác sĩ Võ Đức Linh (Trung tâm Hồi sức tích cực), bệnh viện hiện đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm nặng.
Đáng lo ngại, có trường hợp đang phải đặt ECMO do biến chứng suy hô hấp cấp. Bác sĩ Linh nhấn mạnh, cúm A và các loại cúm mùa khác đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh lý nền, nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, bệnh nhân có sẵn tổn thương phổi từ trước sẽ dễ diễn tiến nặng hơn, nguy cơ suy hô hấp cao.
Cũng theo bác sĩ Linh, cúm thường bị xem nhẹ như một bệnh lý thông thường, tuy nhiên thực tế, bệnh có thể gây biến chứng nặng nề, đặc biệt là viêm phổi, suy hô hấp, viêm cơ tim, thậm chí tử vong.
Trước đó, thông tin nữ diễn viên nổi tiếng Đài Loan - Từ Hy Viên qua đời vì biến chứng cúm cũng khiến nhiều người hoang mang và nâng cao cảnh giác với căn bệnh này.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh đã tăng đột biến trong những ngày đầu năm.
Cô H. (60 tuổi, ngụ tại TP. HCM), cho biết: "Mới nhận tiền lì xì nên thấy trung tâm mở cửa lại là tôi đi tiêm ngay. Những ngày qua đọc báo thấy lo lắng, lớn tuổi rồi, hệ hô hấp yếu nên phải tự bảo vệ mình. Tiêm xong tôi còn gọi điện cho bạn bè để rủ đi tiêm cùng".
Nhu cầu khám, tiêm vaccine phòng bệnh tăng trong những ngày đầu năm. Ảnh HL
Ghi nhận tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, số lượng người tiêm vaccine cúm và phế cầu đã tăng gấp đôi so với trước đây. Đại diện trung tâm này cho biết, dù dịp đầu năm bận rộn với việc chuẩn bị Tết, lượng khách đến tiêm chủng vẫn tăng 5% so với các tháng cuối năm. Đặc biệt, nhóm vaccine cúm và phế cầu tăng trưởng mạnh mẽ gấp 2 lần trong vòng 1-2 tháng qua.
Ghi nhận tại Trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, số lượng người tiêm vaccine cúm và phế cầu đã tăng gấp đôi so với trước đây.
Nhu cầu tiêm vaccine không chỉ tập trung ở trẻ em mà còn ở người lớn, đặc biệt là những người có bệnh nền. Nhiều người lớn tuổi, sau khi nghe thông tin về dịch bệnh và các ca tử vong do cúm, đã chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để bảo vệ bản thân.
Không chỉ riêng FPT Long Châu, Trung tâm tiêm chủng VNVC cũng ghi nhận lượng khách đến tiêm vaccine tăng mạnh ngay từ những ngày đầu năm. Theo số liệu từ hệ thống VNVC, từ ngày mùng 4 Tết, khi các trung tâm mở cửa trở lại, tỷ lệ trẻ em và người lớn đến tiêm vaccine cúm tăng hơn 50% so với thời điểm trước Tết. Đặc biệt, sau khi có thông tin về ca tử vong của nữ diễn viên Đài Loan, lượng khách đến tiêm vaccine càng tăng cao.
Trung tâm tiêm chủng VNVC ghi nhận lượng khách đến tiêm vaccine tăng mạnh ngay từ những ngày đầu năm.
Ngoài vaccine cúm, các loại vaccine phòng bệnh đường hô hấp khác như phế cầu 13, phế cầu 23, ho gà - bạch hầu - uốn ván, sởi… cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt ở nhóm người lớn tuổi và những người có bệnh lý nền. Các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nơi đang trải qua mùa lạnh, ghi nhận số người tiêm vaccine phòng bệnh hô hấp tăng gấp đôi so với trước đây.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Dù cúm là bệnh thường gặp, nhưng không thể chủ quan, đặc biệt với nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Bên cạnh tiêm phòng, người dân cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi đông người, giữ gìn vệ sinh cá nhân và nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý.
Với tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, việc chủ động tiêm phòng không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
6. Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm - biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất;
7. Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,... cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác.