Vụ việc khiến dư luận bàng hoàng, trong khi cha của bé đang theo đuổi vụ kiện nhằm truy cứu trách nhiệm những người liên quan và kêu gọi siết chặt quản lý loại thực phẩm nguy hiểm này.
Bộ Y tế Thái Lan đã nhanh chóng ra lệnh thực hiện truy quét toàn quốc các loại thực phẩm, đồ uống, đồ ngọt tự chế, không rõ nguồn gốc chứa cần sa. (Ảnh: The Nation)
Theo thông tin đăng tải trên mạng xã hội ngày 6/7, người cha đã công bố toàn bộ diễn biến vụ việc với mục đích cảnh báo cộng đồng. Theo đó, vào đầu tháng này, một giáo viên tại trường mẫu giáo phát hiện bé gái có biểu hiện bất thường: mắt lờ đờ, buồn ngủ và bỏ bữa trưa. Ngay lập tức, cô giáo báo cho gia đình, sau đó bé được đưa đi khám và nhập viện khẩn cấp.
Kết quả xét nghiệm và thăm khám cho thấy nguyên nhân chính là bé đã ăn khoảng 10 viên kẹo dẻo có chứa chất THC, hoạt chất chính trong cần sa. Đây là một dạng thực phẩm đang bị cảnh báo vì nguy cơ gây ngộ độc đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là khi được đóng gói bắt mắt, dễ gây nhầm lẫn với các loại kẹo thông thường.
Đáng lo ngại hơn, sau lần nhập viện đầu tiên, bé tiếp tục phải nhập viện lần thứ hai do xuất hiện các triệu chứng sốt cao và ảo giác, kéo dài trong nhiều ngày.
Người cha của nạn nhân đã chính thức đệ đơn khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân hoặc tổ chức sản xuất và phân phối loại kẹo gây ngộ độc. Đồng thời, ông cũng kêu gọi chính phủ siết chặt quy định quản lý và kiểm soát các loại thực phẩm pha cần sa, đặc biệt là các sản phẩm dễ bị trẻ nhỏ tiêu thụ nhầm.
Hiện chưa rõ gói kẹo dẻo trên được mua từ đâu, nhưng hình ảnh từ truyền hình cho thấy bao bì sản phẩm được đóng gói sặc sỡ và không có cảnh báo rõ ràng về thành phần chứa cần sa.
Vụ việc đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng thực phẩm pha cần sa ở Thái Lan, nơi loại cây này đã được hợp pháp hóa trong y học từ năm 2022 nhưng chưa có hành lang pháp lý đủ chặt chẽ để kiểm soát các sản phẩm thương mại chứa THC.
Trong khi các cơ quan chức năng Thái Lan đang mở chiến dịch kiểm tra toàn quốc đối với các sản phẩm thực phẩm và đồ uống pha cần sa, giới chuyên gia và phụ huynh đồng loạt kêu gọi cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xu hướng sử dụng cần sa "ngầm" qua đường thực phẩm.
Đây không phải lần đầu tiên ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ ngộ độc cần sa ở Thái Lan. Vụ việc lần này tiếp tục làm dấy lên lo ngại rằng các sản phẩm như kẹo, thạch, nước ngọt có chứa cần sa đang len lỏi vào đời sống thường nhật mà không có rào cản đủ an toàn.
Bài học cảnh tỉnh từ vụ việc là lời nhắc mạnh mẽ với phụ huynh và nhà trường về tầm quan trọng của việc kiểm tra kỹ thực phẩm mà trẻ sử dụng, cũng như sự cần thiết của việc quản lý chặt chẽ các sản phẩm có chứa chất kích thích trong môi trường cộng đồng.