Cấp cứu cho bệnh nhi hóc dị vật.
Sau 15 phút sau, bé được đưa đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng lơ mơ, tím tái, nhịp tim chậm.
Qua nhận định nhanh tình trạng bệnh và thông tin người nhà cung cấp, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị suy hô hấp cấp do hóc dị vật (quả nhãn) vào đường thở.
Ngay lập tức, các kỹ thuật cấp cứu được thực hiện, khi bộc lộ vùng hầu họng để đặt nội khi quản, các bác sĩ phát hiện được dị vật tròn che lấp hoàn toàn đường thở.
Dị vật được gắp ra là quả nhãn, tuy nhiên bệnh nhi bị suy hô hấp nặng, có nguy cơ ngừng tim nên các bác sĩ đã đặt nội khí quản và hỗ trợ hô hấp bằng thở máy và duy trì các biện pháp hồi sức tích cực.
Khi tình trạng hô hấp, tuần hoàn của bệnh nhi ổn định, bệnh nhi được hội chẩn và chuyển về điều trị tiếp theo chuyên khoa tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Hiện tại, bệnh nhi đã tỉnh táo hoàn toàn, không để lại di chứng gì và được ra viện.
Bác sĩ Hoàng Hồng Quang, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: Hóc dị vật đường thở là tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, lứa tuổi hay mắc là từ 1-5 tuổi. Các trường hợp bị hóc dị vật vào đường thở nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả rất nặng nề suy hô hấp, ngừng thở và ngừng tim, đặc biệt với những dị vật lớn lấp hoàn toàn đường thở có thể dẫn đến ngừng tim chỉ trong vài phút.
Qua trường hợp bệnh nhi này, bác sĩ khuyến cáo: Cần hết sức cảnh giác với những đồ ăn, đồ chơi xung quanh trẻ, có hình tròn, trơn nhẵn như quả vải, quả nhãn, viên kẹo, viên bi… và tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chơi đùa vì rất dễ gây sặc.
Khi phát hiện trẻ bị hóc dị vật cần thực hiện các biện sơ cứu đúng cách và kịp thời; đồng thời cũng phải nhanh chóng gọi người hỗ trợ vừa thực hiện sơ cấp cứu vừa đưa trẻ đến các cơ sở y tế ở gần nhất để được hỗ trợ chuyên sâu.