Bé gái 5 tuổi viêm phổi và phù não, qua đời vì 1 cách hạ sốt tưởng tốt của người mẹ

Ngọc Ái, Theo Phụ nữ Việt Nam 00:00 11/05/2024
Chia sẻ

Một số phụ huynh cho rằng hạn chế dùng thuốc hạ sốt sẽ tốt hơn cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, không phải cách hạ sốt nào cũng hiệu quả, thậm chí còn dẫn tới hậu quả khôn lường.

Một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, họ Hạ (tên họ đã được thay đổi) sống tại Tân Bắc, Đài Loan, Trung Quốc cũng đã rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chị Hạ có một cô con gái năm nay 5 tuổi, dù là mẹ đơn thân và gặp khó khăn về kinh tế nhưng bù lại chị rất yêu thương con.

Gần cuối tháng trước, con gái chị Hạ bị sốt sau khi đi chơi ngoài trời về. Vì cô bé thời gian gần đây biếng ăn, sụt cân nên chị Hạ không muốn con phải uống quá nhiều thuốc. Chị nghĩ rằng vừa sốt đã vội uống thuốc hạ sốt ngay không chỉ ảnh hưởng tới cơ thể của con mà lâu dài còn dễ gây nhờn thuốc.

Bé gái 5 tuổi viêm phổi và phù não, qua đời vì 1 cách hạ sốt tưởng tốt của người mẹ - Ảnh 1.

Bé gái 5 tuổi qua đời sau 19 ngày nhập viện vì viêm phổi, phù não do tự hạ sốt tại nhà (Ảnh minh họa)

Sau khi tự tìm hiểu trên mạng và gọi điện hỏi vài người, chị Hạ quyết định cho con ngâm mình trong bồn tắm để làm mát, giảm nhiệt độ cơ thể. Không ngờ, vừa rời đi chuẩn bị quần áo và đồ ăn cho con trong vài phút, quay lại phòng tắm thì chị thấy con nổi lên với tư thế nằm sấp trong bồn tắm. Hoảng loạn vô cùng, chị Hạ vừa khóc vừa bế con ra ngoài rồi gọi cấp cứu ngay lập tức.

Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng đứa bé gần như không có hy vọng sống sót. Nhiễm trùng đường hô hấp kết hợp với uống phải nước, ngạt thở trong bồn tắm gây phù não và viêm phổi. Sau 19 ngày chạy chữa, cô bé đã qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện.

Tắm có giúp hạ sốt hay không?

Nhiều bậc cha mẹ khi con sốt nhưng không thể đưa đến bệnh viện trong thời gian ngắn hoặc muốn hạn chế dùng thuốc sẽ lựa chọn các phương pháp như chườm đá, miếng dán hạ sốt hoặc tắm nước ấm… để hạ nhiệt cho con. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe đã nhiều lần nhắc nhở rằng những hành động này chỉ có thể đạt được tác dụng làm mát bề mặt cơ thể và khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn trong thời gian ngắn. Chúng không thể thay đổi trung tâm điều chỉnh nhiệt độ để đạt được tác dụng giảm sốt thực sự.

Khi trẻ bị nhiễm bệnh và sốt là do cơ thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể lên cao. Nếu cha mẹ chủ động hạ nhiệt bằng các cách trên sẽ thực sự làm tăng thêm gánh nặng cho cơ thể. Nếu trẻ mắc bệnh tim phổi, thiếu máu, bệnh chuyển hóa… thì các phương pháp làm mát vật lý bên ngoài sẽ có thể khiến hệ tuần hoàn bị suy sụp, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Bé gái 5 tuổi viêm phổi và phù não, qua đời vì 1 cách hạ sốt tưởng tốt của người mẹ - Ảnh 2.

Tắm khi sốt không giúp hạ sốt nhưng có thể khiến cơ thể dễ chịu, giảm đau nếu làm đúng cách (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Kelly, bác sĩ nhi khoa tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, tốt nhất là chúng ta nên dùng thuốc hạ sốt theo đúng hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn từ y sĩ, dược sĩ. Không lạm dụng những cách hạ sốt truyền miệng chưa được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học.

Nếu trẻ không thể hạ nhiệt, giảm hoạt động và kèm theo các triệu chứng như ho, nôn mửa, tiêu chảy, buồn ngủ, co giật… bạn phải đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn hoặc đến ngay phòng cấp cứu. Trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới ba tháng tuổi bị sốt thì cần đưa đi cấp cứu ngay từ đầu. Nếu sau khi hạ sốt, trẻ tỉnh lại, thở bình thường, tự ăn được một chút, tuần hoàn ngoại biên tay chân trở lại bình thường thì không cần đưa đi cấp cứu nhưng vẫn cần đi thăm khám.

Nguồn và ảnh: HK01, Family Doctor

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày