Ba chị em Huệ (Thu Quỳnh) - Thư (Bảo Thanh) - Dương (Bảo Hân) trong Về Nhà Đi Con giống hệt như một phiên bản Việt hóa của các nhân vật trong bộ truyện Một Nửa Ranma từng rất quen thuộc với các độc giả 8x, 9x.
Thực ra thì không chỉ ba chị em Huệ - Thư - Dương, mà cả gia đình ông Sơn có hoàn cảnh khá giống với nhà Tendo trong Một Nửa Ranma. Cũng là một ông bố đơn thân một mình nuôi ba cô con gái khôn lớn. Ngoài chuyện Về Nhà Đi Con không có một chàng trai tóc đuôi gà, tập võ nào đến ở nhờ ra thì về mặt tính cách, ngoại hình của ba chị em trong phim lẫn trong truyện đều có rất nhiều điểm giống nhau.
Nhà Tendo và nhà ông Sơn giống nhau ở chỗ là đều thiếu đi vị trí của người mẹ, người vợ.
Cả hai ông bố đơn thân này có khá ít điểm chung. Chủ yếu là về mặt ngoại hình vì cơ bản là tạo hình nhân vật của cả hai khác nhau. Một là nhân vật truyện tranh, hoạt hình nên ông Soun Tendo cần phải "tưng tửng" chút cho vui, ông Sơn lại là một nhân vật phim truyền hình nên phải có chiều sâu về tâm hồn hơn.
Ông Soun và ông Sơn, tới cách phát âm tên của hai người cũng na ná nhau.
Hoàn cảnh hai người khá giống nhau, cả hai đều là những ông bố "gà trống nuôi con". Mà lại là ba cô con gái rắc rối. Gia đình nào cũng thiếu đi bóng hình người mẹ, và ông bố nào cũng quyết tâm ở vậy nuôi các con gái khôn lớn.
Điều đặc biệt thú vị là cả hai ông đều nuôi... râu mép. Không biết hàng râu mép có phải là điểm tạo hình nhân vật quan trọng không mà thấy ai cũng nuôi.
Cả hai người đều nuôi ria mép, không hiểu tại sao.
Mặc dù độ tuổi của Kasumi Tendo và chị Huệ khác nhau, nhưng có lẽ khi Huệ bằng tuổi với Kasumi, tính tình hai người cũng không khác nhau là mấy. Vì hoàn cảnh của cả hai là như nhau. Mẹ mất sớm, cả hai cô chị cả, bất đắc dĩ phải trở thành người mẹ thứ hai, cùng cha chăm sóc các em.
Cả hai cô chị luôn dịu dàng, chăm sóc các em.
Cả Huệ và Kasumi đều là những người rất hay làm việc nhà. Một tay các cô quán xuyến hết công việc bếp núc trong gia đình. Đối với Huệ, khi trưởng thành, thói quen bếp núc đã thấm sâu tới mức cô nàng mở hẳn một... cửa hàng ăn tên là "Bếp Của Huệ", để tiếp tục nấu ăn cho... khách hàng, khi không còn được ở nhà cơm nước cho cả gia đình như ngày trước.
Huệ khi lớn cũng mở cửa hàng bán thức ăn.
Ở Kasumi cũng vậy, mỗi lần cô nàng xuất hiện, phần lớn đều thấy cô cầm là túi đồ đi chợ cho gia đình, hay cái muôi nấu cơm gì đó. Mọi việc cơm nước trong nhà và cả chăm lo cho võ đường Tendo, đều do một tay Kasumi quán xuyến.
Phần lớn thời gian chúng ta đều thấy cô chị cả Kasumi mang tạp dề.
Một điểm chung nữa của các bà chị cả, đó là cả hai đều không bao giờ than vãn hoặc oán trách những gì mình làm. Ai cũng đều tự nguyện chăm lo cho bố và các em vô điều kiện với tấm lòng bao dung vô hạn.
Tính tình của cả hai bà chị lớn trong nhà cũng đều rất dịu dàng, nữ tính. Luôn cố gắng nở nụ cười hiền hậu với các em và luôn tôn trọng, lễ phép với người lớn.
Ngoại hình tuy không giống nhau lắm, nhưng tính cách của hai cô chị giữa thì trùng hợp nhiều đến lạ. Cả Nabiki lẫn Anh Thư đều là những cô gái thực dụng, ham muốn của cải vật chất hơn tình cảm.
Cô chị hai Nabiki chỉ nghĩ đến tiền.
Đối với Nabiki, cô nàng luôn tìm ra cơ hội kinh doanh, mua bán trong bất cứ tình huống nào. Luôn thu tiền bạn bè, anh chị em và những người xung quanh. Cô nàng được cái không bao giờ biết ngại... vòi tiền người khác, và buôn bán là niềm đam mê của Nabiki.
Còn với Anh Thư thì về cơ bản, cô chị thứ hai trong nhà cũng khá thực dụng, nhưng với một phương pháp khác. Thư luôn muốn thao túng đàn ông, tìm được chồng giàu để lo cho mình một cuộc sống sung sướng. Buôn bán thì rõ ràng Thư không có tài, mấy lần bàn hàng dỏm đều bị đổ nợ hoặc khách tìm đến tận nhà đòi. Được cái ở Thư là một sự sâu sắc, xây dựng nhân vật có lớp lang rõ ràng hơn. Cô nàng luôn cực kì tự tin, bản lĩnh và sắc sảo. Thư biết cách bảo vệ bản thân tốt và luôn biết lấy lòng người khác. Ở điểm này, có lẽ Thư hơn Nabiki nhiều, vì dù sao Anh Thư cũng lớn tuổi hơn Nabiki, người vẫn đi học cấp 3. Thực ra mà nói thì nếu Nabiki và Anh Thư mà bằng tuổi nhau, thì có lẽ sẽ trở thành một cặp bạn tốt, ngang tài ngang sức.
Thư cũng rất thực dụng, nhưng được cái tự tin, khôn khéo và biết bảo vệ bản thân.
Không biết ông Soun Tendo có mong đợi con trai như ông Sơn hay không, mà Akane lớn lên lại nóng nảy, học võ và thượng cẳng tay hạ cẳng chân hệt như Ánh Dương. Không chỉ về tính cách mà cả ngoại hình, hai người cũng khá giống nhau.
Hai cô nàng đều thích để tóc ngắn.
Ban đầu Akane có tóc dài, nhưng trong một lần... đánh nhau, tóc của cô bị cắt ngắn và từ đó, em út trong nhà Tendo để luôn mái tóc ngắn xù ngộ nghĩnh. Ánh Dương thì ngay từ đầu đã để tóc ngắn uốn xù như một chú sư tử con nóng tính. Không biết hai cô nàng có rủ nhau đi chăm sóc tóc luôn không.
Về tính cách, thì không hiểu sao Akane và Ánh Dương đều rất nóng nảy và bạo lực. Một phần, có lẽ vì Dương của Về Nhà Đi Con muốn thành con trai để hợp với kì vọng của bố. Có điều, ở khía cạnh tình chị em, cả hai cô em út đều muốn mình trở nên mạnh mẽ. Để còn có thể bảo vệ các chị của mình.
Đặc biệt, khi chạm tới tình yêu, cả hai cô nàng "bỗng hóa dịu dàng" đến lạ. Ánh Dương crush phải ông Quốc xong thì bắt đầu trang điểm, mặc váy còn Akane vẫn có những khía cạnh dịu dàng, e lệ đặc biệt là mỗi khi gặp người mình mến.
Nếu Ánh Dương gặp "crush" là hóa mèo con, thì akane cũng có những giây phút dịu dàng, nữ tính riêng của mình.
Ở cả hai gia đình bốn người trong Về Nhà Đi Con và Một Nửa Ranma, còn có một điểm chung nữa đó là tình cảm gia đình luôn ấm áp. Người này luôn bảo ban, khuyên nhủ người kia, và cả nhà ai nấy đều yêu thương, quý trọng lẫn nhau. Mặc dù xét cụ thể, tính cách của các nhân vật hoạt hình không thể so với các nhân vật truyền hình được vì chiều sâu là khác nhau, nhưng tổng thể thì cả hai phim đều đề cao tình thân giữa các thành viên trong gia đình. Cuối cùng, khi một tập phim kết thúc, mục đích chung của Về Nhà Đi Con lẫn Một Nửa Ranma đều là muốn đem lại những phút giây ấm lòng cho khán giả về tình cảm gia đình.
Một Nửa Ranma là bộ truyện tranh là tác phẩm của nữ họa sĩ Takahashi Rumiko, từng được xuất bản ở Việt Nam 1999-2000 sau đó được sản xuất thành phim hoạt hình. Nội dung của truyện và phim đều xoay quanh gia đình nhà Tendo, một ngày bỗng dưng chào đón hai vị khách kì dị. Cha con nhà Saotome đến ở nhờ, nhưng mang theo hàng loạt rắc rối xoay quanh đặc tính kì lạ, cứ dội nước nóng là hóa đàn ông, nước lạnh là trở thành phụ nữ của anh chàng Ranma.
Phim hoạt hình Ranma 1/2 (Một Nửa Ranma).
Về Nhà Đi Con hiện đang được lên sóng lúc 21h các ngày thứ 2-6 hàng tuần trên VTV1.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.