Mặc dù nội dung, tình tiết của Về Nhà Đi Con đang rất hay và hấp dẫn, nhưng phim vẫn đang mang trong mình hai nghịch lý siêu to, siêu khổng lồ mà nếu cứ để tiếp tục phát triển, có khả năng đại cục viên mãn của phim sẽ trở thành rất... vô lý. Thứ nhất, đó là mối quan hệ siêu rắc rối giữa bốn người: Ông Quốc (Tuấn Tú) - Bảo (Quang Anh) - Huệ (Thu Quỳnh) - Dương (Bảo Hân) và thứ hai là mối quan hệ giữa ông Sơn (NSƯT Trung Anh) và bà Hạnh bán hoa (Thúy Hà).
Vào lúc này, cả bốn mối quan hệ đều chưa có gì tiến triển quá sâu xa, nên có thể chúng ta vẫn chưa thấy có gì quá nghịch lý, nhưng chỉ cần một trong ba cặp đôi kể trên cưới nhau, Về Nhà Đi Con sẽ xuất hiện một vấn đều siêu lớn, siêu vô lý mà nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết thúc của bộ phim.
Tại sao lại nói là mối quan hệ bốn người hình vuông? Bởi vì giữa ông Quốc - Bảo - Huệ - Dương đều có liên hệ với nhau khá rắc rối. Ông Quốc với Bảo là hai cha con còn Huệ, Dương thì là chị em ruột, Bảo đang theo đuổi Dương còn Huệ và ông Quốc có vẻ cũng đang phát triển tình cảm rất tốt. Nếu xét tình thân gia đình cũng là một loại tình yêu thì hiện nay cả bốn người đang... yêu nhau.
Tình huống diễn ra sẽ khiến Khải ở trong tù phải vỗ đùi đen đét vì quá khoái trá.
Nếu hai cặp đôi này tiến đến hôn nhân, cụ thể là ông Quốc lấy chị Huệ, còn Bảo lấy Hân, sẽ tạo nên một nghịch lý về mối quan hệ gia đình giữa cả bốn người. Đó là khi mối quan hệ giữa cả bốn được hợp pháp hóa và cụ thể hóa bởi cách xưng hô theo vai vế của người Việt. Bảo là con ông Quốc, nếu ông Quốc lấy chị Huệ còn Bảo lấy Dương thì anh chàng đáng yêu của chúng ta sẽ gọi Dương là vợ hay là... dì? Vì Huệ sẽ thành mẹ kế của Bảo vậy Dương sẽ phải thành dì của anh chàng thôi. Mặt khác, Huệ và Dương là hai chị em, nếu cả hai đều cưới bố con ông Quốc, thì hai người sẽ là gì của nhau? Những chị em dâu trong nhà hay Dương thành con dâu của Huệ? Vậy thì Bảo - ông Quốc sẽ là... anh em đồng hao hay là bố con đây?
Ông Quốc với Bảo là bố con.
Bảo thì đang thích Dương.
Trong khi ông Quốc và Huệ đang có tiến triển tình cảm.
Còn Huệ và Dương là hai chị em ruột.
Ngay cả những người đứng ngoài cũng sẽ bị cuốn vào vòng xoáy xưng hô vai vế cực kì rắc rối, ông Sơn và ông Quốc gọi nhau bằng gì nếu hai cuộc hôn nhân nói trên diễn ra? Hai ông thông gia hay bố vợ - con rể?
Sự việc sẽ càng rắc rối hơn nếu bốn người thuộc thế hệ... F1 kể trên bắt đầu sinh con đẻ cái. Quan hệ giữa những đứa trẻ và bốn người sẽ rối như mớ bòng bong mà không một chuyên gia về văn hóa gia đình người Việt nào có thể phân tích nổi. Đồng thời cũng không có một chức danh nào trong ngôn ngữ tiếng Việt có thể dùng để những đứa trẻ dùng để gọi nhau luôn.
Nếu vấn đề này tồn tại đến hết phim, người xem sẽ bị phân tâm bởi một mối quan hệ còn rắc rối hơn cả bộ phim Cô Dâu 8 Tuổi và hiệu ứng từ cái kết mà đoàn phim vốn đang kì công sắp đặt sẽ không còn hoàn toàn hiệu quả. Cách giải quyết duy nhất cho chuyện này, đó là một trong hai cặp phải... tan rã. Hoặc là cặp "chim ri" siêu cưng của khán giả, hai là cặp người lớn ông Quốc - chị Huệ phải đường ai nấy đi.
Câu chuyện về ông Sơn đi "cưa đổ" cô Hạnh bán hoa là một chuyện cổ tích khá lãng mạn và chân thành, nhưng nó sẽ trở thành một câu chuyện kinh dị - ngược tâm nếu hai người lấy nhau.
Ông Sơn đang rất mến cô Hạnh bán hoa.
Vấn đề đầu tiên, hiển nhiên đó là cô Hạnh sẽ phải chấp nhận sống bên cạnh người đàn ông coi mình là vật thay thế hoàn hảo của người vợ đã chết. Cả cuộc hôn nhân này với cô sẽ là vở kịch thế vai vô cùng đau lòng trong đó bản thân cô là vai chính, nhưng thực ra hứng trọn spotlight chính là bà Bích, người vợ quá cố của ông Sơn.
Cả hai nhân vật bà Bích - bà Hạnh đều do Nghệ sĩ Thúy Hà đảm nhận.
Vấn đề thứ hai, kinh dị hơn nhiều đó là bà Hạnh sẽ phải sống trong căn nhà với bàn thờ cúng dành cho một người phụ nữ giống... y hệt mình. Tới đây, xin hãy tưởng tượng một chút, rằng ngày ngày cô Hạnh đi qua nhìn lên bàn thờ, thấy tấm ảnh của bà Bích giống y hệt mình (cả hai cùng được nghệ sĩ Thúy Hà thể hiện), không biết cô cảm thấy ra sao? Những bó cúc vàng bà trồng ở vườn hoa, sau đó mang đặt lên bàn thờ của bà Bích. Thật là cây nhà lá vườn!
Rồi hàng năm, mỗi khi ngày giỗ của bà Bích đến, cô Hạnh sẽ phải phụ giúp gia đình chồng chuẩn bị mâm cỗ cho... chính mình ra sao? Cô có thắp nhang cho bà Bích không? Tình huống tương tự sẽ diễn ra vào mỗi tiết thanh minh, khi cả nhà ông Sơn kéo nhau đi tảo mộ cho bà Bích, không biết cô Hạnh có đi cùng?
Bà Bích - bà Hạnh giống hệt nhau. Bà Bích đã qua đời còn bà Hạnh thì đang đi bán hoa.
Hai vấn đề kể trên, thực ra sẽ trở nên rất rõ ràng một khi bà Hạnh bước chân vào nhà ông Sơn chứ chưa cần phải đến lúc cưới mới thấy. Bởi vì đã vào nhà ông Sơn thì không thể không tò mò xem người giống hệt mình kia trông ra làm sao, và bà Hạnh tò mò thì xin mời bước đến bên bàn thờ, thắp một nén hương. Xem bà có tím tái hết cả tâm hồn không.
Mối quan hệ giữa ông Sơn và bà Hạnh là cực kì oan trái. Chính vì vậy, hai người này tuyệt đối không nên đến được với nhau. Ít nhất là cho đến khi nào bàn thờ của bà Bích vẫn còn yên vị trong nhà ông Sơn. Cuối phim, nếu ông Sơn và bà Hạnh tiến tới hôn nhân, thì đoàn phim sẽ vô tình tạo ra một vấn đề khổng lồ, nằm ngáng cái kết viên mãn của Về Nhà Đi Con và sẽ chẳng còn ai quan tâm tới các nhân vật khác sướng khổ thế nào nữa. Mối quan tâm của công chúng sẽ chỉ xoay quanh chuyện làm thế nào mà bà Hạnh ngày ngày đối mặt với bàn thờ của người phụ nữ dung mạo giống hệt mình mà không... phát điên.
Đồng ý là hai nghịch lý kể trên được tạo ra để cho tình tiết của phim thêm phần hấp dẫn, kịch tính và chúng đã làm rất tốt vai trò được giao, nhưng tốt nhất nghịch lý chỉ nên là nghịch lý, xin đoàn phim dừng ngay hai trong ba mối quan hệ kể trên, để Về Nhà Đi Con, một sản phẩm tuyệt vời, có được một cái kết thật hài lòng và viên mãn.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.