BÁO HIẾU là ý niệm rất dễ khiến bố mẹ và con cái trở thành “nô lệ trọn đời” của nhau

S.A, Theo Đời sống Pháp luật 09:22 21/02/2025
Chia sẻ

Không chỉ con cái mà ngay cả bố mẹ cũng sẽ bị trói buộc nếu quá trông đợi vào 2 chữ này.

Hiếu thảo với ông bà, bố mẹ và gia đình là đức tính tốt. 

Đây là điều quan trọng và không thể phủ nhận. Hiếu thảo còn được dùng để đánh giá xem một người tốt hay không. Bởi ngay cả với bố mẹ - người có công sinh thành, dưỡng dục mà người đó còn tệ bạc thì chắc chắn sẽ không đối tốt với ai. 

Nhưng mọi thứ trên thế gian này đều cần có sự cân bằng, hiếu thảo cũng cần có giới hạn. Nếu lòng hiếu thảo, sự báo hiếu đi quá mức sẽ trở thành công cụ xiềng xích cả đời, huỷ hoại một con người hoặc một gia đình. Điều này giống như một câu nói đang viral trên MXH gần đây:

“Báo hiếu là ý niệm rất dễ khiến bố mẹ và con cái trở thành nô lệ trọn đời của nhau”.

BÁO HIẾU là ý niệm rất dễ khiến bố mẹ và con cái trở thành “nô lệ trọn đời” của nhau- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Đi làm 10 năm, không 1 đồng tích lũy vì phải báo hiếu

“Bạn tôi lớn lên trong cảnh bị bố mẹ đánh đập.

Mẹ cô ấy sinh được 2 người con gái. Người chị được cưng chiều còn người em bị bỏ rơi, mắng mỏ và đánh đập. Chẳng ai rõ lý do, cô chỉ lờ mờ đoán là do mẹ đã phải chịu đựng cơn đau đẻ kinh khủng khi sinh cô và suýt mất mạng. Ca sinh khó không phải lỗi của cô nhưng mẹ lại khiến cô cảm thấy như vậy theo nhiều cách khác nhau. 

Trong 30 năm cuộc đời, quãng thời gian hạnh phúc nhất của cô là lúc sống với ông bà ngoại trước khi lên 6 tuổi. Sau đó cô ‘được’ bố mẹ đón về và lớn lên trong sự lạnh nhạt của chị gái, sự mắng mỏ của bố mẹ. Mọi người càng đối xử tệ, cô càng cố gắng trở thành cô gái ngoan ngoãn, hiểu chuyện và sẵn sàng chịu đòn để mong họ nguôi giận hoặc ban phát cho mình một chút tình thương. 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bạn tôi xin được học bổng ở một trường đại học nhờ nỗ lực của chính mình. Vấn đề học phí được giải quyết, cô bươn chải đi làm part-time để tự nuôi sống bản thân. Cô đã thoát khỏi sự kìm toả của gia đình nhưng lại không bao giờ thoát khỏi sợi dây thòng lọng mang tên “hiếu thảo”. 

Cô có thể vắng mặt trong những buổi tụ họp, gia đình ăn uống say sưa nhưng không bao giờ bị lãng quên khi có chuyện không hay xảy ra. Bố mẹ nợ nần, chị gái tai nạn, sửa nhà,... cô đều bị gọi bất kể nửa đêm hay sáng sớm. Và cô luôn đáp ứng mọi yêu cầu vì “họ không tốt với tôi nhưng dù gì họ vẫn sinh ra tôi, tôi cần phải báo hiếu họ”. 

Người bạn đó bị bòn rút đến nỗi dù đã ra trường và đi làm gần 10 năm nhưng không có một khoản tiết kiệm nào, không nhà cửa, không vàng bạc,... Tổn thương từ gia đình gây ra trở thành bóng ma, nỗi ám ảnh trong lòng nên cô chọn cách sống động thân, không dám vướng vào tình yêu và hôn nhân. Cô dành toàn bộ thời gian, sức lực để làm việc rồi đưa tiền cho bố mẹ.

Đến hiện tại, cô ấy đã ở trong trạng thái bi quan, chán nản suốt một thời gian dài và không biết sẽ trụ được bao lâu. Cô đánh mất bản thân và cuộc sống của mình trong sợi thòng lọng hiếu thảo. Dù thương bạn, nhưng tôi chưa bao giờ đồng tình với cách báo hiếu của cô ấy”.

Có lẽ ai cũng sẽ thở dài khi đọc câu chuyện này. 30 năm tương đương với gần 1 nửa đời người của cô gái đã bị phá huỷ. Lẽ ra đó phải là 30 năm đẹp nhất, đáng trân trọng nhất nhưng cô chẳng có gì ngoài một trái tim tổn thương. Tất cả chỉ vì cái gọi là báo hiếu mù quáng. 

Yêu thương nếu trở nên đáng sợ thì đó không còn là yêu thương nữa

Bố mẹ sinh con ra là để yêu thương nhưng cũng nên dạy con đúng cách thay vì chiều chuộng quá đà. Con cái phải tôn trọng, biết ơn bố mẹ đã sinh ra, nuôi dưỡng và chỉ bảo nhưng không có nghĩa là nghe lời họ một cách mông muội. Nếu cứ nhất nhất tuân theo lời bố mẹ thì đó không phải là hiếu thảo thực sự, đó là hiếu thảo mù quáng. 

Hiếu thảo mù quáng không chỉ huỷ hoại một con người mà còn có thể phá nát cả một gia đình. 

BÁO HIẾU là ý niệm rất dễ khiến bố mẹ và con cái trở thành “nô lệ trọn đời” của nhau- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa mẹ chồng - con dâu là do con trai hiếu thảo mù quáng, không biết cách cân bằng mối quan hệ giữa mẹ và vợ. Tôi từng đọc câu chuyện của một người phụ nữ đã ly hôn kể lại, có thể làm ví dụ cho nhận định này. 

Bố mẹ chồng (giờ đã là bố mẹ chồng cũ) của cô vốn có 2 người con trai. Tuy nhiên người anh chẳng may qua đời từ khi còn bé nên bố mẹ dồn hết tình yêu và hy vọng cho người em - tức là chồng cũ của cô. Về phần mình, anh luôn nghe lời và làm theo những gì bố mẹ nói, đặc biệt là kể từ sau khi bố qua đời.

Từ khi yêu đến lúc mới cưới, mối quan hệ của 2 vợ chồng rất tốt, luôn hòa thuận và yêu thương nhau. Nhưng khi mẹ chồng chuyển đến sống chung, xung đột mẹ chồng - nàng dâu xuất hiện, khiến cô nhận ra dù ai đúng ai sai, chồng sẽ luôn đứng về phía mẹ.

Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi cô nói rằng muốn ưu tiên sự nghiệp, chưa muốn sinh con trong vòng 2 năm tới. Mẹ chồng nghe xong liền chì chiết, nói con dâu bất hiếu, đẩy nhà chồng vào cảnh tuyệt tự. Như mọi khi, người chồng bênh mẹ, thậm chí còn đòi đánh vợ. Không thể chịu đựng thêm nữa, cô quyết định ly hôn. 

Tiến sĩ Susan Forward - nhà trị liệu tâm lý và tác giả sách nổi tiếng người Mỹ từng viết: “Trong mối quan hệ phụ thuộc tình cảm, chúng ta chỉ chú ý nhu cầu của người khác mà quên đi nhu cầu của chính mình. Bằng chiều theo cảm xúc của đối phương, chúng ta tạo ra cảm giác an toàn giả tạo, cho phép bản thân đắm chìm vào đó và tự an ủi mình. Làm vậy giúp chúng ta tránh xung đột và đối đầu nhưng đồng thời mất đi cơ hội xây dựng mối quan hệ lành mạnh”

Trong câu chuyện vừa kể ở trên, người mẹ và con trai dù lấy danh nghĩa yêu thương nhưng lại không phải là yêu thương, không phải là mối quan hệ lành mạnh. 

Tình yêu của người mẹ dành cho con trai không có ranh giới, bà tin rằng vì mình đã nuôi nấng vất vả, đặt nhiều kỳ vọng nên con phải phục tùng, không có chuyện trái lời. Cách thể hiện sự hiếu thảo của anh con trai với mẹ lại thiếu sáng suốt, không phân biệt đúng sai. Kết quả là thêm một cặp đôi chia tay, một gia đình đổ vỡ.

BÁO HIẾU là ý niệm rất dễ khiến bố mẹ và con cái trở thành “nô lệ trọn đời” của nhau- Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

Con cái không phải là “bảo hiểm dưỡng già” của bố mẹ

Tình cảm gia đình là tình cảm nguyên thuỷ và thiêng liêng nhất. Mối quan hệ với ông bà, bố mẹ, anh chị em khơi dậy lòng tốt và sự ấm áp trong trái tim mỗi người, khiến cuộc sống trở nên có giá trị hơn. Khi con cái lớn lên, bố mẹ già yếu đi nên cần con cái chăm sóc là điều hiển nhiên. Sự hoán đổi vai trò này có thể khiến người ta nhận thức rõ hơn về vất vả mà bố mẹ đã trả qua trong quá khứ và càng nỗ lực báo hiếu hơn. 

Diễn biến này tự nhiên và hợp lý. Nhưng khi hiếu thảo trở thành công cụ để bố mẹ và con cái kiểm soát, đặt áp lực lên nhau thì lại là chuyện khác. 

Khi nhiều người còn nhỏ, tự do cá nhân, bày tỏ quan điểm và ý tưởng, thậm chí tự do hành động bị bố mẹ hạn chế bởi “trứng đòi khôn hơn vịt”, “cá không ăn muối cá ươn”,... Khi họ trưởng thành, bố mẹ xem con như một chương kéo dài của cuộc đời mình, yêu cầu tiếp tục thực hiện ước mơ giang dở hồi trẻ hoặc tệ hơn, xem con như “bảo hiểm dưỡng già”.

Nhưng đó là sai lầm tai hại. Nếu bố mẹ chỉ trông chờ và đòi hỏi con cái báo hiếu, phần đời còn lại của họ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào điều đó. Nếu con cái cứ thế làm theo, dành cả cuộc đời để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ thì sẽ tự bít lối tương lai của chính mình. 

Tôi từng đọc được thế này: “Nhận thức yếu về ranh giới là lý do nhiều loại cảm xúc trở thành vũ khí gây tổn thương con người”. Cho dù là bố mẹ chăm lo cho con cái hay con cái báo hiếu bố mẹ thì ý thức về ranh giới đều cần thiết. Nếu không thì chỉ là sự nuông chiều và lòng hiếu thảo mù quáng, bó buộc cả 2 trong một mối quan hệ khó chịu, nghẹt thở. 

Bố mẹ và con cái được ràng buộc bằng liên kết máu mủ nhưng đồng thời là những cá nhân độc lập. Đôi khi bố mẹ cần học cách buông bỏ và duy trì ranh giới với con cái như người ta từng nói: "Lo lắng về mọi thứ là vô ích. Con cháu bạn sẽ tự có phước lành riêng của chúng”.

Ngược lại, con cái hiếu thảo không có nghĩa là vâng lời mù quáng. Đền đáp công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ là chủ động và tự nguyện, có nhiều cách khác nhau. Bạn nên biết cách từ chối những yêu cầu bất tận và vô lý của bố mẹ. Bởi vì nếu bạn thậm chí không thể tự lập và sống tốt cuộc đời mình thì làm sao có thể báo hiếu bố mẹ thật tốt được?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày