4 kiểu con cái là nỗi sợ của bố mẹ khi về già

S.A, Theo Thanh Niên Việt 06:00 20/02/2025
Chia sẻ

Thất bại lớn nhất của bố mẹ không phải là không kiếm được nhiều tiền, mà là có 4 kiểu con cái này.

Trong cuộc đời mỗi người, làm bố mẹ vừa là trạng thái hạnh phúc vừa là trách nhiệm không thể trốn tránh. Thậm chí, trách nhiệm suốt đời của bố mẹ chính là nuôi dưỡng, lo lắng cho con cái.

Bố mẹ cũng luôn đặt mọi hy vọng vào con cái, mong chúng sẽ có tương lai tươi sáng, đạt thành công trong cuộc sống. Ngược lại, nỗi buồn lớn nhất của họ chính là đã nuôi dạy nên 4 kiểu con cái dưới đây, để chúng trở thành gánh nặng khi về già.

Coi bố mẹ như ATM di động, chỉ lăm le bòn rút tiền của

Con cái đối xử với bố mẹ như máy in tiền sẽ không muốn trưởng thành, không chịu trách nhiệm với bố mẹ chứ đừng nói là hiếu thảo.

Chú tôi có một người con trai đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng chưa bao giờ nghiêm túc tìm việc làm. Người đó, tức là em họ tôi, luôn ở nhà và không làm gì cả. Bất cứ khi nào muốn chi tiêu gì, dù đi ăn với bạn bè hay mua quà tặng bạn gái, cậu ấy đều ngửa tay xin tiền bố. Số tiền xin xỏ chỉ có nhiều hơn chứ không ít đi.

Chú tôi vô cùng đau khổ và ngày càng cạn tiền, không thể đáp ứng nhu cầu của con trai. Dù miệng thì mắng nhưng vì thương con, chú lại bán dần đồ đạc trong nhà để dấm dúi cho con. Cuối cùng chú nhờ tôi xin cho em họ một công việc. Thương chú, tôi cũng nhờ mối quan hệ của mình giúp em họ đi làm công nhân một xưởng gần nhà. Nhưng cậu ta cãi nhau với đồng nghiệp và nghỉ việc chỉ sau 2 ngày.

Sau đó, em họ tiếp tục ở nhà cả ngày để chơi game, không làm việc nhà, không giúp đỡ bố mẹ. Phòng của cậu ấy như bãi rác còn chú thím tôi lo đến bạc tóc.

Những đứa con không có ước mơ, không biết mình nên làm gì, không biết tự chịu trách nhiệm với bản thân, chỉ muốn ăn bám sẽ luôn đẩy tuổi già của bố mẹ vào bi kịch. Vì vậy bố mẹ nên nghiêm khắc với con cái ngay từ nhỏ, đừng chiều chuộng và để chúng học cách tự lập.

Ỷ lại vào bố mẹ, vô trách nhiệm

Có người khi gặp vấn đề sẽ suy nghĩ nát óc và tìm mọi cách để giải quyết. Dù có khó khăn hay gian khổ đến đâu, họ cũng sẽ nghiến răng chịu đựng, không để bố mẹ phải lo lắng.

Có người thì ngược lại, dù là chuyện bé hay chuyện lớn đều nhờ bố mẹ giải quyết. Muốn mua nhà to thì xin tiền bố mẹ, sinh con xong thì đưa con về cho ông bà chăm sóc, hùng hồn tuyên bố khởi nghiệp thì nhà đầu tư là nhị vị phụ huynh,... Từ bé đến lớn, khi gặp rắc rối họ đều khóc lóc và chạy về nhà nhờ bố mẹ giúp, không biết tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình.

4 kiểu con cái là nỗi sợ của bố mẹ khi về già- Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Người thiếu ý thức trách nhiệm cũng thường ích kỷ, chỉ quan tâm đến cảm xúc của bản thân, không thể gánh vác được gia đình.

Tôi từng đọc được câu đại ý thế này: “Mỗi người được sinh ra đều có trách nhiệm của riêng mình. Biết trách nhiệm của mình là khởi đầu, hoàn thành trách nhiệm của mình là kết thúc của một cuộc đời trọn vẹn. Nếu một người từ bỏ trách nhiệm của mình thì người đó đã từ bỏ những gì làm nên con người họ”.

Maugham - nhà văn nổi tiếng người anh cũng nói: "Cách hiệu quả nhất để khiến một người bộc lộ bản chất thật là yêu cầu họ chịu trách nhiệm”.

Trong khi bố mẹ làm việc không biết mệt mỏi, không dám nghỉ ngơi một chút nào mà con cái vẫn vô tâm, vô trách nhiệm thì không thể chấp nhận. Nếu con cái cứ sống như vậy sẽ khiến gia đình bất ổn, đi vào bế tắc. Vì vậy bố mẹ phải rèn giũa, khiến chúng trở thành người có trách nhiệm mới có thể hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Phụ thuộc bạn đời, phớt lờ bố mẹ

Dù là con trai hay con gái, chỉ cần kết hôn đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nửa kia của mình. Nếu con dâu/ con rể là người hiểu chuyện thì không sao nhưng trong tình huống ngược lại, người bất hạnh nhất chính là bố mẹ.

Hàng xóm của tôi là ví dụ. Ông bà chỉ có một cậu con trai nên dồn hết mọi công sức và tâm huyết để nuôi dạy. Anh ta là người con hiền lành, ngoan ngoãn nhưng cũng là người chồng nhu nhược. Sau khi kết hôn vợ anh gần như nắm mọi quyền chỉ đạo trong gia đình, bao gồm cả việc báo hiếu và chăm sóc bố mẹ.

Một dịp cuối tuần nọ, người con trai đã lên kế hoạch đưa cả nhà về thăm ông bà nội. Đến sát ngày, vợ anh bất ngờ thông báo có bạn thân đi du học mới về, muốn tổ chức gặp mặt. Dù không muốn nhưng cuối cùng anh đã thuận theo ý vợ, để bố mẹ chưng hửng khi con cháu báo về rồi lại “quay xe”.

Tình huống này xảy ra không chỉ với con trai mà cả con gái. Khi đi lấy chồng, nhiều người thường dồn tâm huyết cho chồng, bố mẹ chồng mà quên mất bố mẹ mình cũng cần chăm sóc. Con gái vốn được ví là chiếc áo bông nhỏ của bố mẹ nhưng bây giờ thì chiếc áo bông đã không còn thuộc về bố mẹ nữa.

Thực ra trong chuyện này, bố mẹ chỉ cần một yêu cầu nhỏ với con cái. Đó là sau khi kết hôn, tốt nhất là phải có chính kiến. Chúng không cần phải nghe lời bố mẹ hoàn toàn cũng không nghe lời vợ/ chồng tuyệt đối. Thay vào đó mỗi người nên cân nhắc kỹ càng vấn đề, đảm bảo cân bằng giữa người bạn đời và bố mẹ mình.

4 kiểu con cái là nỗi sợ của bố mẹ khi về già- Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Mơ tưởng hão huyền, sống không thực tế

Trong cuộc sống luôn có một kiểu người thích mơ mộng hão huyền, sống không thực tế, không nỗ lực hết mình nhưng lại thích “đi tắt” để đạt được mục tiêu của mình. Họ không hiểu rõ về khả năng của bản thân và không muốn bắt đầu từ nền móng.

Quang Hà (29 tuổi) - đồng nghiệp cũ của tôi là một trong số đó. Khi đang có một công việc làm công ăn lương bình thường ở thành phố, anh đùng đùng nghỉ việc để mở quán cà phê vì đọc được những câu chuyện khởi nghiệp thành công. Lúc đó anh tuyên bố hùng hồn rằng mình sẽ là người tiếp theo trong danh sách này.

Nhưng vì không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực, cũng chỉ học hỏi hời hợt nên sau nửa năm trầy trật, Quang Hà đành ngậm ngùi đóng cửa quán cà phê. Thời điểm đóng cửa, anh không những tiêu hết tiền tiết kiệm mà còn báo nợ bố mẹ thêm 200 triệu đồng.

Thấy người khác thành công nên mình cũng muốn thử vận may là suy nghĩ bình thường. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng thành công đó đến từ công sức và nỗ lực của người khác, không phải bỗng dưng mà có.

Người không thực tế sẽ cả thèm chóng chán, không có gì khiến họ kiên trì theo đuổi mục tiêu đặt ra trước đó. Họ lãng phí tuổi trẻ, tiêu tốn tiền bạc nhưng cuối cùng cũng chẳng đạt được điều gì. Người gánh chịu hậu quả không ai khác chính là bố mẹ già.

(Nguồn: Baidu)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày