Tháng 3-4 hằng năm được coi là "mùa vàng" của hội tuyển dụng và nhảy việc. Bởi sau Tết, các công ty thường có nhiều chính sách và cũng sắp xếp lại phòng ban nên có nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn. Còn nhân viên cũng thường đã nhận xong xuôi thưởng Tết và thưởng năm rồi nên cũng "an tâm" nhảy sang chỗ khác.
Thế nhưng năm 2025 thật khác.
Cứ lướt một vòng mạng xã hội, bạn sẽ thấy rất nhiều câu chuyện về việc thất nghiệp, lay-off hay sa thải đột ngột... Có những công ty mà nhân viên được đi làm vài ngày, vẫn đang bàn kế hoạch năm mới, nhưng sau đó lại đột ngột sa thải các phòng ban. Thị trường tuyển dụng đang trở nên chật chội hơn bao giờ hết, khiến nhiều người phải tự động viên nhau rằng: Còn việc là còn tất cả.
"Làn sóng lay-off dã man quá.
Các công việc của mình hầu hết đến từ sự giới thiệu của người khác và cũng không mấy khi mình thật sự không-làm-gì-cả. Ba tháng qua thất nghiệp như ác mộng vậy. Thật sự muốn biết các bạn 2000, 1999 hiện tại có ổn không? Các bạn đang sống thế nào, đang cảm thấy thế nào? Các bạn có cảm thấy hạnh phúc? Các bạn có đang theo đuổi giấc mơ của mình không? Ngày nào mình cũng tự hỏi mình đang làm gì và sẽ làm gì".
Dòng tâm sự của một chàng trai sinh năm 1999 trên Threads như đang nói lên nỗi lòng của nhiều Gen Z bây giờ.
Lên mạng đâu đâu cũng thấy bài viết về việc sa thải, lay-off, thất nghiệp.
Lan Anh (25 tuổi, TP.HCM) cũng đang trải qua cảm giác thất nghiệp sau Tết. "Cảm giác bị bất lực, mất định hướng, không có mục tiêu, cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo" - Lan Anh tâm sự.
Khi vừa mới tốt nghiệp, Lan Anh được nhận vào một công ty nổi tiếng ở TP.HCM - nơi cô bạn đi lên từ vị trí thực tập sinh. "Công ty được cấp máy tính xịn, game giải trí, máy pha cà phê, đồ ăn nhẹ 24/7, đồng nghiệp toàn người giỏi. Phúc lợi ổn, có cả chế độ khuyến khích nhân viên tập thể dục, cấp thẻ gym để work life balance. Mình còn có cơ hội được tham dự hội thảo để trau dồi thêm kiến thức" - Lan Anh nhớ về công ty cũ, đồng thời cho biết thu nhập từng ở mức 20-25 triệu đồng/tháng.
Ác mộng bắt đầu xảy ra vào hơn 1 năm trước, khi phòng ban của cô không đem được lợi nhuận cho công ty và bắt đầu lay-off nhân viên. Vì là làm truyền thông trong lĩnh vực ngách nên hầu như khi bị lay-off, những người cùng vị trí trên thị trường biết được Lan Anh bị sa thải nên CV của cô vô tình bị đánh giá thấp.
"Mình bị mang tiếng đến từ một bộ phận không hoàn thành đủ chỉ tiêu, phải sa thải cả phòng ban, nên đi đâu cũng bị làm khó. Trong suốt 1 năm qua, mình đã đi 2 nơi nhưng không nơi nào ổn hết. Có chỗ thì kêu chỉ offer lương mình bằng 1/2 mức lương công ty cũ, có chỗ thì chỉ nhận ở vị trí thực tập sinh. Chẳng lẽ mình phải đổi ngành, sang lĩnh vực khác để làm lại từ đầu sao?", Lan Anh tâm sự.
Trong suốt 1 năm qua, Lan Anh sinh sống ở Sài Gòn với mức lương khoảng 8 triệu/tháng. Đến sau Tết, công ty gần nhất lại thông báo tiếp tục cho nghỉ việc tiếp.
"Mình về quê vì không thể sống thế này mãi. Công ty cũng kêu do khó khăn nên số lượng vị trí chính thức đang có hạn, phải giảm bớt nhân sự. Mình thực sự rất hoang mang khi trong 1 năm gần đây, đi chỗ nào cũng không ổn, không được mức lương và phúc lợi như mong muốn", Lan Anh nghĩ vậy và quyết định tháng 2 này sẽ về quê, chữa lành một thời gian và suy nghĩ thật kĩ con đường sự nghiệp sắp tới.
Ảnh minh hoạ.
Hoài Nam (26 tuổi, Hà Nội) cũng đang loay hoay trên con đường tìm môi trường mới sau khi nghỉ việc. Anh chàng từng làm ở vị trí hành chính ở một tổ chức giáo dục. Do công ty start-up nên Hoài Nam phải làm kiêm nhiệm nhiều vị trí, nhiều hôm rời khỏi công ty trong tình trạng kiệt sức khi phải làm đến 8-9h tối.
"Đối với mình, đây là thời điểm áp lực và khó khăn nhất. Mình làm ở công ty này được 2 năm, mặc dù vị trí có tên nhưng hầu như chỉ phát triển được chiều ngang, chứ không nâng cao được chiều sâu trong lĩnh vực. Mình tính vừa nghỉ Tết xong sẽ nghỉ việc, để nhận cả lương thưởng", Nam chia sẻ.
Ban đầu, Hoài Nam rất tự tin sẽ tìm được công việc tốt. Nhưng anh chàng gửi CV khá nhiều, nhưng chỉ nhận lại 1/3 phản hồi. Trong đó nhiều tình huống xảy ra như: Những công ty mong muốn thì không gọi, những công ty gọi thì lại tạch, hoặc có những công ty đã đi đến vòng phỏng vấn nhưng đưa ra mức lương chỉ được bằng nửa chỗ cũ.
"Mình nhìn xung quanh, khu vực công đang tinh giản, các NGO (tổ chức phi chính phủ) liêu xiêu, các doanh nghiệp cũng vật lộn với lay-off hàng trăm nhân sự... Mình biết bản thân muốn nhảy việc, chứ không phải thất nghiệp, nên đang cố gắng dùng những đồng tiền tích luỹ cuối cùng chờ cơ hội tốt.
Mình bắt đầu nghĩ thôi kiếm đại việc nào làm cho rồi, chứ 26 tuổi mà còn "báo" cha mẹ thất nghiệp chắc còn khổ sở hơn. Nhưng mình cũng sợ bản thân bị áp lực quá, dễ đưa ra những quyết định sai lầm", Hoài Nam tâm sự.
Ảnh minh hoạ
Phương Linh (25 tuổi) cũng vừa trải qua cảm giác lay-off sau khi vừa nhận thưởng Tết. Cô bạn làm công việc PO (Product Owner - người quản lý và tối ưu sản phẩm đến người dùng) ở một công ty start-up. Phương Linh vừa quay trở lại làm việc thì phát hiện bản thân nằm trong danh sách cắt giảm đầu năm của công ty.
"Thực ra, quyết định lay-off mình đã tính trước vì từ cuối năm đến giờ, các phòng ban xung quanh bị cho nghỉ việc khá nhiều. Mình chia tay nhiều đồng nghiệp, và cũng nghe râm ran về quyết định sẽ còn lọc nhân viên nhiều đợt nữa.
Thế nhưng phải đến khi bản thân mình cũng nằm trong danh sách bị cho nghỉ việc thì mới thấy đau lòng cỡ nào. Minh cũng không biết nên vui hay nên buồn khi công ty cho sa thải sau Tết, mình vừa kịp được nhận thưởng, nhưng cũng không kịp ăn nốt thưởng tổng kết quý", Phương Linh tâm sự.
Phương Linh đã thử apply các công ty, nhưng vẫn chưa có tăm hơi nào triển vọng. Nhưng gần đây, Phương Linh đã nhận được một offer từ người đồng nghiệp cũ giới thiệu, với mức lương bằng khoảng 70% ở công ty trước đây.
"Dù bạn xịn cỡ nào thì cũng kiếm được chỗ mới rồi hẵng nghỉ nhé, đặc biệt ở trong giai đoạn này. Khi mới nghỉ việc, mình cũng tự tin sẽ nhanh chóng kiếm được job tốt. Nhưng lĩnh vực ngách của mình ai cũng biết nhau do thị trường bé, mình còn bị mang tiếng đến từ phòng ban bị cho nghỉ việc. Mình rút ra rằng khi đi làm cần phải có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và đặc biệt là sếp. Như công việc ở công ty mới là mình được sếp giới thiệu và gửi gắm qua", Phương Linh cho hay.
Ảnh minh hoạ.
Trong khi đó, Hoài Nam cũng đang cố gắng tìm những công việc phụ, trong khi chờ đợi có việc mới có thu nhập tốt hơn. Nhờ có bằng tiếng Anh nên Nam vẫn đang duy trì các job dạy và phiên dịch freelancer của mình bấy lâu nay. Nhờ thế, anh chàng cũng có đồng ra đồng vào, chứ không đến nỗi quá khổ sở do cắt giảm gần hết nguồn thu nhập.
Hoài Nam rút ra sau hành trình thất nghiệp của mình:
"Mình từng nhận được mức lương 20-25 triệu/tháng, cộng thêm cả thưởng thì có những tháng lên đến 27 triệu. Nhưng mình ngày xưa không biết giữ tiền, có bao nhiêu đều chi tiêu đến hết. Đến khi bị cho nghỉ việc đột ngột mới thấy quỹ dự phòng khẩn cấp của mình chẳng còn bao nhiêu cả. Mình phải hạ chất lượng cuộc sống và ngó nghiêng những option công việc an toàn khác.
Ở cái tuổi của mình, nhìn lên sẽ thấy các bạn cùng lứa đã lên leader, có sự nghiệp thăng tiến còn bản thân phải đứng ngoài lề. Cảm giác đó sẽ càng khó chịu hơn khi bạn rơi vào cảnh bị sa thải.
Mình chỉ biết động viên những người có hoàn cảnh giống mình là đừng bỏ cuộc, hãy cố gắng học hỏi, tích luỹ nhiều kiến thức, và có ít nhất quỹ dự phòng đủ sống trong 6-8 tháng nếu rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp.
Và cũng cần thay đổi tư duy tìm việc. Không tìm được việc on-site thì tìm việc remote, hybird. Đừng nghĩ là phải làm full-time, phải làm on-site mà kén việc... Làm freelancer, tạm thời không có hợp đồng lao động cũng được mà. Thậm chí nếu đổi nghề cũng phù hợp. Miễn là công việc tạo ra thu nhập cho bạn, qua được cơn khủng hoảng trước mặt rồi nhờ kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng... cố tìm được job tốt".
Ảnh minh hoạ.
Trong khi đó, Lan Anh cũng đang cố gắng học kĩ năng mới cho bản thân. "Dự tính đầu tiên của mình là học lên 7.5 IELTS để nếu vẫn khó kiếm việc làm, mình sẽ ở quê làm công việc full-time cơ bản, rồi tối đi dạy thêm", Lan Anh tâm sự.
Cô cũng nhận ra điểm yếu trong công việc của mình bấy lâu nay là quá tập trung vào công việc trên thị trường ngách, nên khi có biến động thì rất khó xin việc. "Sau gần 1 năm tìm kiếm công việc ở lĩnh vực của mình nhưng không có việc ưng ý, mình mới thấy bản thân đã quá an toàn trong môi trường cũ thế nào. Có lẽ mình cần học hỏi thêm kiến thức mới, mở rộng mối quan hệ, hay thậm chí đi làm thực tập sinh trở lại để có được công việc tốt hơn", Lan Anh cho hay.
2 chữ "ổn định" hiện tại thật mong manh.
Lay-off không phải thất bại, cũng không phải bước lùi trong sự nghiệp và cuộc sống. Đó cũng có thể là lúc để chúng ta nhìn lại bản thân trong công việc và chỗ đứng trên thị trường như thế nào. Từ đó biết đâu tìm được những đường đi mới tốt đẹp hơn. Nếu để bản thân không lo sợ bị sa thải, thì chính chúng ta khi còn có công việc full-time ổn định, hãy cố gắng update bản thân mỗi ngày. Và nếu được, hãy duy trì quỹ dự phòng khẩn cấp, có những công việc tay trái khác để không rơi vào thế bị động khi phải nghỉ việc.