Có lẽ nhiều người cũng biết, con người ngày nay có thể chia ra làm 2 kiểu: một là những người thích đi ngủ sớm, dậy sớm để làm việc cho hiệu quả - còn gọi là "chim sáng" (morning bird). Kiểu còn lại là "cú đêm" - những người chỉ có thể làm việc hiệu quả lúc thức đêm muộn, rồi ngủ nhiều hơn vào sáng ngày hôm sau.
Khái niệm này được đưa ra từ thế kỷ 20, bởi bác sĩ tâm lý người Đức Emil Kraepelin. Từ đây, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm, rồi chia thế giới ra làm 2 nửa như chúng ta vẫn biết hiện nay.
Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới đây thì chúng ta không chỉ có "cú đêm" và "chim sáng" đâu. Nghiên cứu chỉ ra các bằng chứng cho thấy trên đời còn ít nhất 2 kiểu người nữa, với khung giờ làm việc nằm ở khoảng giữa phạm vi của 2 dạng trên.
Họ được gọi là "napper" và "afternoon" (tạm dịch: "người nghỉ trưa" và "người của buổi chiều").
Cụ thể, những "người buổi chiều" thường sẽ cảm thấy rất buồn ngủ vào buổi sáng và buổi tối, nhưng cực kỳ linh hoạt vào giai đoạn từ trưa đến trước buổi tối. Còn các "napper", họ sẽ thấy buồn ngủ trong khung giờ từ 11 - 15h, nhưng tỉnh táo lúc sáng sớm và chiều tối.
Giới nghiên cứu đã thử giải đáp sự phức tạp này trong nhiều năm. Các kết quả trước kia đã cho thấy sự khác biệt giữa các kiểu người, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên thực sự tách họ ra thành 2 dạng mới.
Không chỉ có cú đêm và những người thích dậy sớm, chúng ta còn có kiểu người "ở giữa" nữa cơ
Kết quả của nghiên cứu được đưa ra dựa trên một bản khảo sát từ hơn 1300 người, chủ yếu là phụ nữ trẻ. Các ứng viên phải tiết lộ nghề nghiệp, một vài thông tin cá nhân cơ bản, hoàn tất 6 câu hỏi về thói quen làm việc dựa trên khung giờ, và đưa ra đánh giá về mức độ buồn ngủ ở các khung giờ ấy.
"Một người có thể dễ dàng nhận ra mình thuộc nhóm nào trong nghiên cứu này," - tác giả nghiên cứu - Arcady A.Putilov - cho biết.
Một số nhà tâm lý học khác còn đưa ra một dạng người có năng suất hoạt động hiệu quả trong cả ngày, luôn tập trung vào mọi lúc, nhưng nghiên cứu lần này không thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của họ. Đa số các ứng viên đều chỉ rơi vào 4 nhóm, dù có khoảng 30% vẫn chưa thể xác định.
"Khoảng 631 ứng viên rơi vào nhóm cú đêm và chim sáng; 550 người thuộc kiểu "napper" và "afternoon"."
Cũng cần lưu ý rằng đây chưa phải là kết luận cuối cùng vì nghiên cứu vẫn còn một số hạn chế, trong đó vấn đề lớn nhất là mẫu nghiên cứu vẫn còn quá nhỏ, đồng thời không tính đến các yếu tố như độ tuổi và giới tính.
Hay nói cách khác, sẽ cần đến những nghiên cứu sâu hơn, xét đến các vấn đề di truyền, tâm lý, môi trường... để phân biệt và có kết luận chính thức về giả thuyết này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences.