"Bán máu, bào sức": Tuổi trẻ gục ngã trên deadline, ai trả lại cuộc sống cho họ?

Minh Đức - Design: Đức Minh, Theo Helino 17:20 10/12/2019

Không ai nghĩ rằng công việc sẽ đánh gục mình, cướp đi mạng sống của ai đó cho tới một ngày Facebook tràn ngập lời tiếc thương cho một người xa lạ. Đó là đồng nghiệp của bạn mình, đàn em của sếp cũ, người yêu của cô bạn cấp ba hay bất cứ ai từng đi qua đời mình.

Đó là lúc chúng ta chợt giật mình, liệu một ngày đó có thể là mình phải không? 

Trên Facebook tôi sáng nay, người ta tiếc thương cho một người anh đã ra đi mãi ở tuổi 31. Công việc dựng phim với những đêm cày cục, thâu đêm tới khuya để hoàn thành sản phẩm có lẽ đã bào sức của anh. Sự ra đi đột ngột ấy khiến bạn bè đau xót, bàng hoàng, tiếc thương cho một tuổi trẻ và một tương lai. Tôi kéo vài trăm lượt bình luận trên một bài viết rồi chợt nhận ra, anh không hề "cô độc" - có quá nhiều người trẻ như vậy chẳng phải ở Hàn Quốc hay Nhật Bản xa xôi. Họ ở Việt Nam, tag nhau vào câu chuyện trên, tự dặn mình và những người thân bạn bè.

"Em không cần anh làm việc vất vả như vậy, em chỉ cần anh ở bên cuộc đời em thôi". Một bình luận khiến ai đó dừng lại một vài giây.

Lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc, tuổi 22 phơi phới đầy đam mê và sẵn sàng cống hiến sức mình, sếp cũ hỏi tôi: "Công việc này cần thời gian linh động, online nhiều để trả lời phản hồi của khách, em có làm được không?".

"Em làm được ạ", tôi quả quyết, thời gian online Facebook nhiều như vậy có gì phải sợ. Công việc đầu tiên, tôi không từ chối điều gì. Nhưng tôi biết không chỉ công việc đầu tiên, nhiều người không thể từ chối những yêu cầu như vậy dù đã đi làm rất lâu.

Bán máu, bào sức: Tuổi trẻ gục ngã trên deadline, ai trả lại cuộc sống cho họ? - Ảnh 1.

Tôi không biết nên cười hay nên khóc khi nghe chuyện cô bạn phóng viên đi lên bar buổi tối vẫn phải gõ bài cành cạch vì trực tin, 30 Tết bạn tôi vẫn còn đang tất tả với chiến dịch "Tết hạnh phúc, Tết đoàn viên" của một nhãn hàng nào đó. "Tết đoàn viên" nhưng mẹ nó khóc tức tưởi, con bé cũng khóc ấm ức sáng 30 Tết: "Tao hứa về Hà Nội từ 29 rồi nhưng giờ mới xong việc, phải chiều 30 mới về được".

Ngày tôi rời công ty với "giờ làm việc linh động" như vậy, mắt tôi thâm quầng, nhìn cô bé đang háo hức ứng tuyển thay vị trí của mình.

Công việc ấy như một chiếc máy bào, chúng tôi như những tảng gỗ cứ thế lướt qua, mất một phần tuổi trẻ mới nhận ra sự đau đớn. Ai đó sẽ nói chúng tôi lựa chọn điều đó, nhưng đừng trách người trẻ còn quá khù khờ về thế giới ngoài kia hay trên vai nặng gánh trách nhiệm. 

"Em chẳng mong gì ngoài được ngủ…"

Tôi thấy chuyện của người anh mãi ra đi ở tuổi 31 ấy đâu đó giữa cuộc sống này. Chuyện của anh là chuyện của dân sáng tạo, dân freelancer, chuyện của những người thức trắng đêm, lấy cà phê nước tăng lực làm nguồn sống, đội deadline của khách lên đầu, đốt thuốc cho tỉnh táo những lúc tưởng chừng "chết não", đôi lần muốn gục xuống bàn nhưng vẫn thấy tiếng tin nhắn giục giã: "Trả chị bản nháp được chưa em?".

Chuyện của anh là chuyện của tôi, chuyện của bạn tôi. "Ngày cậu ấy làm full-time, tối về lại cày freelance có khi tới sáng sớm". Ai soi gương cũng thấy bóng mình trong đó. Một lũ freelancer hay ngồi với nhau, đùa vui là tuổi trẻ bán máu, bào sức mà ra tiền.

Sáng nay tôi gửi câu chuyện cho Minh đọc - một cậu em làm thiết kế. Tối qua tôi biết nó phải ở lại công ty khuya để "cày" deadline trả sản phẩm cho khách. 12h đêm qua Minh mới xong việc về nhà, chưa ăn tối cũng không kịp tắm rửa, "sập" luôn một mạch tới sáng rồi cũng phải bò dậy vì khách lại "dí". Hỏi đã ăn sáng chưa hay có mệt không, Minh đáp gọn lỏn: "Em chẳng mong gì ngoài được ngủ…"

Người ta từng tự hỏi, tại sao karoshi - những cái chết vì làm việc quá sức, ở Nhật Bản lại tồn tại? Họ không cảm thấy cơ thể mệt mỏi và hiểu rằng mạng sống của mình quan trọng hơn bất cứ điều gì sao? 

Bán máu, bào sức: Tuổi trẻ gục ngã trên deadline, ai trả lại cuộc sống cho họ? - Ảnh 2.

Hôm nay, khi ai đó đọc xong về câu chuyện của anh, họ sẽ gập máy tính lại, dành một buổi chiều để làm việc ít đi, có thể nhắn tin cho vài người bạn rủ đi cà phê, tối sẽ đi ngủ thật sớm. Ngày mai, muộn lắm là ngày kia, deadline lại treo tận cổ, khách lại giục bán sống bán chết, họ sẽ quên đi câu chuyện của một người anh vừa rời khỏi nhân gian. Cuộc sống lại trở về guồng quay như chưa từng có điều gì xảy ra.

Tuổi trẻ gục ngã trên deadline, ai trả lại cuộc sống cho họ?

Chúng ta biết trách ai khi phải nghe những câu chuyện đau lòng như vậy. Nếu hỏi những người đồng nghiệp của anh, hỏi tôi, hỏi bao người làm trong ngành sáng tạo rằng chúng tôi có bỏ nghề không, thì chắc chắn là không. Công việc đâu có tội lỗi gì, chỉ có một hệ thống vô hình đang chi phối toàn bộ quy trình làm việc đang đẩy những người trẻ kiệt sức, bào mòn sức lực, đẩy nhanh những deadline, lúc nào cũng gấp gáp. Hôm nay tôi chấp nhận tắt máy sau 6 giờ tối, ngày mai bạn chấp nhận bỏ công việc thâu đêm đang làm nhưng nếu thứ văn hóa làm việc độc hại ấy vẫn còn tồn tại thì sẽ có người thế chân chúng ta ngay lập tức. Họ sẽ nói thẳng vào mặt bạn: "Nếu cậu không chịu làm OT thì nghỉ việc, vị trí ấy có hàng trăm người đang muốn nhảy vào, không làm được thì nghỉ".

Mọi thứ như một cuộc chơi mà bạn không thể từ bỏ. Nếu dừng lại, bạn sẽ là người bị đẩy ra ngoài. 

Có một câu chuyện từng rất viral trên mạng xã hội - không ai chết nếu bạn ngừng làm việc sau 6 giờ tối cả, tắt điện thoại và tắt tin nhắn công việc, hãy để buổi tối thực sự là thời gian để bạn nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc. Nếu khách hàng không giục vào lúc 6h30, sếp sẽ không gọi tôi vào lúc 7 giờ và tôi sẽ không gọi cậu em làm freelancer vào lúc 7:30 tối. Cậu ấy sẽ không phải bỏ dở buổi hẹn hò với bạn gái để sửa lại bản thiết kế - mà không sửa cũng chẳng ai chết cả. Không ai chết nếu bạn ngừng làm việc sau 6 giờ tối nhưng có thể cuộc đời bạn sẽ dừng lại nếu tiếp tục làm việc sau 6 giờ tối, 10 giờ tối, 1 giờ sáng hay 4 giờ sáng.

Bán máu, bào sức: Tuổi trẻ gục ngã trên deadline, ai trả lại cuộc sống cho họ? - Ảnh 3.

Tôi chỉ ước bản thân bớt yêu công việc đi một chút, lắm lúc nói dại ước gì mình thực sự có một trận ốm 1 tuần, chứ không phải lấy cớ "chị ơi tối qua em mệt quá, giờ em sửa luôn đây". Tôi ước mình không cần nhiều tiền đến vậy, không bị áp lực bởi bạn bè, không mang nỗi sợ bị lãng quên, không sợ cảm giác thấy mình vô dụng, không sợ bị bỏ rơi trong cuộc đua Rat race… Những hạt mầm của sự bất an và nỗi sợ đó đã gieo trong đầu chúng ta từ bao giờ, để chúng ta biết rằng từ bỏ một thói quen công việc không hề dễ dàng.

Bán máu, bào sức: Tuổi trẻ gục ngã trên deadline, ai trả lại cuộc sống cho họ? - Ảnh 4.

Bạn tôi, một cô thạc sĩ marketing từ một trường đại học danh giá tại Mỹ, trở về Sài Gòn làm việc. Những tưởng với kiến thức và kinh nghiệm, công việc với nó sẽ dễ dàng hơn. Một đêm, nó gọi tôi rồi òa khóc. Là người cuối cùng rời khỏi công ty, hơn 10 giờ tối nhưng công việc chưa xong, nó tấp vào lề đường khi chạy xe về nhà và khóc. Khóc vì mệt, vì bất lực, vì cơm tối chưa ăn, người yêu chưa có, ba mẹ đã chán ngán từ lâu chẳng buồn nhắc nhở. 

Rồi chúng ta làm việc vì điều gì? Rồi chúng ta đặt mình ở đâu trên tháp ngà cuộc sống? Phải chăng, sức khỏe và tinh thần của mỗi người luôn nằm ở tầng hầm?

Một buổi tối không giao việc, không có deadline, không có cái gì "gấp" là một buổi tối bạn tôi được đi hẹn hò người yêu, em tôi được về nhà ăn cơm cùng bố mẹ, cô bạn đồng nghiệp được đi ngủ sớm. Và tối hôm đó, chắc sẽ không ai phải ra đi.