Bài học tài chính từ ngôi sao vỡ nợ do chi tiêu quá xa xỉ

Tô Diệp, Theo Trí Thức Trẻ 19:38 19/11/2022
Chia sẻ

Những thói quen chi tiêu thiếu kiểm soát đã khiến ngôi sao MC Hammer lâm vào cảnh nợ nần. Một số thói quen cần hạn chế trong tài chính cá nhân để không tiêu dùng quá mức là bài học rút ra từ cách chi tiêu của nam rapper.

Vào cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, người ta đồn rằng bạn không thể đi đến một nơi công cộng mà không nghe 1 bài hát rap của MC Hammer. Bên cạnh đó, nam ca sĩ cũng xuất hiện trên các quảng cáo, phim hoạt hình khắp mọi nơi.

Theo The Mirror, đã có thời điểm MC Hammer kiếm được khoảng 30 triệu đô la (khoảng 745 tỷ) mỗi năm và tài sản cá nhân của ông ước tính khoảng 70 triệu đô la (khoảng 1,74 nghìn tỷ). Thật không may, sự thịnh vượng trong tài chính đã không kéo dài mãi mãi. Chỉ mất chưa đầy 5 năm từ khoảng thời gian đỉnh cao của sự nghiệp đến khi nam rapper nộp đơn phá sản vì những sai lầm trong tài chính của bản thân.

Bài học tài chính từ ngôi sao vỡ nợ do chi tiêu quá xa xỉ - Ảnh 1.

MC Hammer - Ảnh: Pinterest

Lối sống xa hoa, chi tiêu không kế hoạch

Giống như phần lớn những người lần đầu nếm mùi thành công, MC Hammer đã tiêu xài hoang phí. Ông đã mua gần 20 chiếc ô tô sang trọng, 21 con ngựa đua, 1 máy bay riêng và 1 chiếc trực thăng.

MC Hammer đã chi rất nhiều tiền cho các tài sản xa hoa - Ảnh: Mirror

Nam rapper đã chi hơn 30 triệu đô la (khoảng 745 tỷ) để cải tạo biệt thự của mình ở California. Nó được trang trí bằng nội thất cao cấp, xa hoa như nhà vệ sinh bằng vàng và cổng trước mạ vàng với dòng chữ “Hammer Time” để chào đón những vị khách đến chơi. Và đó là chưa kể đến sân chơi bowling, nhà để xe, sân tennis, 2 bể bơi, phòng thu âm,... Nhìn chung, dinh thự có tổng diện tích 40.000 ft², tương đương hơn 37 nghìn m². MC Hammer chi 12 triệu đô la (gần 300 tỷ) để mua nó, và sau đó đầu tư khoản tiền gấp 2,5 lần để trang trí nhà cửa.

MC Hammer thậm chí còn tuyển dụng một đội ngũ nhân viên gồm 200 người, được cho là đã tiêu tốn của anh ta từ 500 nghìn đô la (12,4 tỷ) đến 1 triệu đô la (24,8 tỷ) mỗi tháng. Và đương nhiên 1 nam rapper không cần đội ngũ nhân viên hùng hậu đến vậy, nhiều người cho rằng anh đã không có kế hoạch trước các khoản chi của mình. Những khoản chi đó đã khiến MC Hammer lâm vào cảnh cạn kiệt ngân sách, và cuối cùng phải nộp đơn phá sản trong vòng 5 năm.

Bài học tài chính từ ngôi sao vỡ nợ do chi tiêu quá xa xỉ - Ảnh 3.

Nam rapper đã dinh thự ở California - Ảnh: Mirror

Cảnh báo những thói quen khiến bạn chi tiêu nhiều hơn

Chi tiêu quá mức khi thu nhập tăng cao không còn là điều xa lạ. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là bạn có thể trở nên nghèo đi như MC Hammer kể cả khi bản thân có dòng tiền vào lớn hơn. Dưới đây là một số thói quen cần hạn chế trong tài chính cá nhân để không chi tiêu quá mức.

1. Dựa vào sức mạnh ý chí để hạn chế chi tiêu

Nhiều người thường dựa vào động lực để kiểm soát chi tiêu, song điều này theo các nghiên cứu tài chính là không hiệu quả. Bởi vì không phải lúc nào bạn cũng có đủ ý chí để ngăn bản thân khỏi những cám dỗ.

Một cách khác đó là lập ngân sách, cân nhắc dòng tiền ra và dòng tiền vào trước khi chi tiêu. Song, một số người thường chỉ có thể tuân theo kế hoạch 1 tuần. Sau đó, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn xem như phần thưởng cho nỗ lực của bản thân. Đến khi nhận ra mình đã vượt quá ngân sách, họ lại bắt đầu tiết kiệm trở lại. Điều này khiến nhiều người cảm thấy áp lực khi quản lý tài chính cá nhân, do vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại.

Lập ngân sách rất hiệu quả nhưng chỉ có tác dụng ngắn hạn, ví dụ cho Giáng sinh hoặc nghỉ mát. Song, về lâu dài, nó khiến mọi người cảm thấy tồi tệ khi không đạt được mục tiêu đã đề ra và cảm thấy nản chí.

Bài học tài chính từ ngôi sao vỡ nợ do chi tiêu quá xa xỉ - Ảnh 4.

Ảnh minh họa - Pinterest

2. Không suy nghĩ về kế hoạch trong tương lai

Theo nghiên cứu, hầu hết mọi người thường sẽ tự làm hài lòng bản thân trong ngắn hạn, và thường ít chú trọng đến tương lai. Chẳng hạn, MC Hammer chi tiêu cho các tài sản xa xỉ để có niềm vui trong hiện tại, song không nghĩ đến tài chính của bản thân vài năm sau.

Do vậy, hãy cố gắng hình thành tư duy cân nhắc những kế hoạch tương lai trước các mong muốn ngắn hạn. Những quyết định chi tiêu hoang phí của bạn ở hiện tại có thể mang đến niềm vui nhưng sẽ để lại hậu quả nặng nề trong tương lai.

3. Chạy theo đám đông

Khi "chạy theo đám đông", mọi người có xu hướng xem việc mua sắm như những người xung quanh là điều bình thường. Chẳng hạn, một người bạn mua 1 chiếc túi hàng hiệu 5 triệu và bạn nghĩ rằng bản thân cũng nên làm điều đó, kể cả thu nhập của 2 người chênh nhau rất nhiều. Về mặt tài chính, chúng ta được thúc đẩy bởi những gì người khác đang làm, bao gồm cả thói quen chi tiêu của họ.

Chúng ta có thể biết bạn bè của mình mua sắm quần áo ở đâu và họ lái loại xe nào, nhưng không biết họ tiết kiệm được bao nhiêu tiền để nghỉ hưu hoặc liệu họ có tài khoản khẩn cấp được tài trợ đầy đủ hay không. Mỗi người sẽ có nền tảng tài chính, thu nhập khác nhau, do vậy bạn cần cân nhắc chi tiêu sao cho phù hợp dựa trên những yếu tố nội tại chứ không phải tác động từ bên ngoài.

Theo The Mirror, CNBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày