Ngôi sao luôn tiết kiệm tiền để… từ chối vai diễn nếu không muốn

Tô Diệp, Theo Trí Thức Trẻ 10:16 29/10/2022

Ashley Greene có quan điểm rất hiện đại về thẻ tín dụng, tiết kiệm và đầu tư vào tương lai của bản thân.

Ashley Greene được nhiều người biết đến qua các bộ phim điện ảnh và truyền hình, đặc biệt là “Chạng Vạng”. Bất chấp những thành công này đã giúp cô có nguồn thu nhập khổng lồ, nữ diễn viên tiết lộ rằng cô muốn tiết kiệm tài sản của mình hơn là tiêu xài.

Ngôi sao luôn tiết kiệm tiền để… từ chối vai diễn nếu không muốn - Ảnh 1.

Tạo hình của Ashley Greene trong Chạng Vạng - Ảnh: Kimberley French/ Summit Entertainment

Luôn tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp

Theo Celebrity Net Worth, hiện tại Ashley Greene có tài sản ròng 8 triệu USD (gần 200 tỷ đồng). Con số này đủ để cô có một cuộc sống thoải mái về tài chính, thậm chí có thể chi tiêu xa hoa. Song, AshLey Greene luôn giữ lối sống tiết kiệm và chuẩn bị tài chính cá nhân rất chi tiết.

Lần đầu tiên, thói quen tiết kiệm của nữ diễn viên được tiết lộ trên tạp chí Marie Claire tháng 11 năm 2012 và khi được CNBC hỏi lại gần đây, Ashley Greene đã tiết lộ rằng cô không cảm thấy cần phải chi tiêu cho những thứ đắt đỏ không cần thiết như chuyến bay hạng nhất.

Thay vào đó, nữ diễn viên muốn tiết kiệm tiền vào quỹ khẩn cấp cho những tình huống bất ngờ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tài chính cá nhân trong tương lai. Bên cạnh đó, Ashley Greene chia sẻ rằng bản thân thích có quyền lựa chọn và tự quyết định các vai diễn của mình. Khi tiền không phải là vấn đề, cô sẽ không “phải tham gia diễn xuất trong 2 hoặc 3 năm nếu tôi không muốn”.

Quỹ khẩn cấp là một khoản tiền tiết kiệm được trích ra để thanh toán cho các chi phí lớn bất ngờ. Một quỹ khẩn cấp nên có thể trang trải được các chi phí từ ba đến sáu tháng. Số tiền cụ thể của bạn sẽ phụ thuộc vào thu nhập và mức chi tiêu hàng tháng của bạn. Khi đặt mục tiêu tiết kiệm, hãy tập trung vào việc có đủ để trang trải chi phí, chứ không phải thay thế toàn bộ thu nhập của bạn.

Theo chuyên gia tài chính, những người trụ cột chính trong gia đình, chủ doanh nghiệp hoặc những người có thu nhập cao có thể muốn nhắm đến các khoản chi tiêu có giá trị từ 9 đến 12 tháng trong một tài khoản tiết kiệm khẩn cấp.

Ngôi sao luôn tiết kiệm tiền để… từ chối vai diễn nếu không muốn - Ảnh 2.

Ảnh: @ashleygreene/ Instagram

Kỷ luật khi sử dụng thẻ tín dụng

Ashley Greene từng chia sẻ rằng trong nhiều năm vừa qua, để học và giữ được thói quen tài chính tốt, cha đã giúp cô rất nhiều. “Chúng tôi lớn lên với số tiền không nhiều. Trong những năm tháng đó, cha luôn nhắc nhở rằng phải xây dựng điểm tín dụng tốt”.

Song, năm 17 tuổi, khi chuyển đến Los Angeles, nữ diễn viên đã mắc phải sai lầm tài chính khá lớn. “Tôi đã sử dụng thẻ tín dụng để mua máy tính và không thể trả hoá đơn tín dụng. Cha tôi đã rất bực bội”.

Việc có những bài học về sự ảnh hưởng từ việc dùng thẻ tín dụng không kỷ luật từ nhỏ đã dạy Ashley Greene suy nghĩ thấu đáo hơn. “Trước khi mắc nợ không thể trả, tôi vẫn chưa thực sự hiểu được mức độ nghiêm trọng của việc thẻ tín dụng có thể nắm quyền kiểm soát tài chính của mỗi cá nhân như thế nào. Sau đó, tôi học cách sử dụng thẻ tín dụng như 1 thứ giúp đỡ cho tài chính chứ không phải bản thân tôi”.

Nhiều người trẻ nghĩ rằng thẻ tín dụng là một cách nhanh chóng để có nhiều tiền hơn, nhưng Ashley Greene cảnh báo mọi người nên loại bỏ thái độ đó. Trong cuộc sống hiện tại, hầu hết mọi người đều sử dụng thẻ tín dụng. Theo nữ diễn viên, mỗi người có thể sở hữu nó, nhưng đừng chi tiêu nhiều hơn số tiền bản thân có.

Ngôi sao luôn tiết kiệm tiền để… từ chối vai diễn nếu không muốn - Ảnh 3.

Ảnh: DAVID LIVINGSTON / GETTY

Quản lý tài chính gia đình rất chặt chẽ

Ashley Greene đã chủ động chia sẻ trách nhiệm tài chính gia đình với chồng của mình là Paul Khoury. Nữ diễn viên có cách tiếp cận chủ động để quản lý chi tiêu gia đình. Cô nói: “Tôi xem lại tất cả các bảng sao kê thẻ tín dụng của gia đình, ngay cả khi đó là bảng sao kê thanh toán tự động hàng tháng. Tôi nghĩ mọi người không muốn nhìn vào nó. Đó là tâm lý: 'Nếu tôi không nhìn vào nó, nó sẽ không ở đó', khi thực sự những gì bạn nên làm là kiểm soát ngân sách gia đình”.

Xu hướng này được gọi là “trốn tránh tiền” (money avoidance). Tức là chúng ta bỏ qua việc quản lý tài chính cá nhân bằng mọi giá vì không muốn cảm xúc “đi tàu lượn”. Đây cũng được xem là 1 chứng rối loạn tiền bạc (money disorder) - căng thẳng tài chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn. Do vậy, chúng ta né tránh tiền bạc, nhưng điều này khiến mọi người mắc kẹt với những vấn đề tài chính vẫn hiện hữu và rơi vào vòng xoáy lo lắng.

Khi nền kinh tế gặp khó khăn do đại dịch Covid, điều đặc biệt quan trọng là phải bắt đầu nghĩ đến việc lập ngân sách thông minh. Chúng ta có thể không biết lúc nào có những rắc rối bất ngờ trong tài chính có thể xảy ra. Tuy nhiên, có sự chuẩn bị tốt sẽ giúp đỡ rất nhiều và tránh mắc phải nhiều sai lầm hoặc áp lực tiền bạc.

Theo Ashley Greene, bão giá ập đến đồng nghĩa với việc phải có những thay đổi căn bản trong chi tiêu. Đây cũng là cơ hội giúp đánh giá lại các ưu tiên trong việc chi tiêu, tránh mua những món đồ không thật sự cần thiết.

Theo Business and Tech, ChatSheet