Theo đó, khi bé 2 tuổi, bố mẹ đi làm xa, bé ở nhà với bà nội. Hằng ngày, bà đều nhai, mớm cơm cho bé. Một năm sau, bé này bắt đầu có biểu hiện nôn khan, người càng ngày càng gầy, xanh đi. Nhưng chỉ đến gần đây nhất (bé đã 6 tuổi), khi bố mẹ thấy bé nôn nhiều, đi ngoài phân đen mới đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chia sẻ của facebooker T.Q.H về trường hợp bệnh nhi 6 tuổi bị bệnh HP do thói quen nhai mớm cơm của bà nội
Kết quả cho thấy, bé bị xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, nổi sần toàn bộ niêm mạc dạ dày và bị viêm dạ dày HP. Bác sĩ cho rằng hệ quả trên cũng bắt nguồn từ thói quen nhai, mớm cơm cho trẻ khi người bà nội của bé có tiền sử bị bệnh viêm loét dạ dày.
Theo PGS. TS. BS Trần Thanh Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sức khỏe trẻ em – Bệnh viện Nhi Trung ương, trường hợp nêu trên là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tỷ lệ nhiễm HP ở người không có phàn nàn về vấn đề sức khỏe khoảng 50-60%. Tỷ lệ nhiễm HP ở bệnh nhân viêm dạ dày tá tràng cao hơn nhiều, có thể lên 80-90%. Tuy nhiên, chỉ định diệt HP ở trẻ viêm dạ dày tá tràng cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng tùy thuộc vào mức độ và vị trí tổn thương.
Hơn nữa, tỷ lệ HP kháng kháng sinh cao, đặc biệt là những kháng sinh thông thường và thời gian điều trị viêm dạ dày HP cho trẻ thường kéo dài. Vì vậy việc chẩn đoán, điều trị cần được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa có kinh nghiệm.
Để phòng tránh, chúng ta nên vệ sinh dụng cụ ăn uống kĩ lưỡng. Đối với các thói quen mớm cơm cho trẻ, sử dụng chung thìa đũa sẽ là tăng nguy cơ lây nhiễm HP và nhiều loại bệnh nguy hiểm khác, cần được tuyệt đối loại bỏ.
Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh cần được chẩn đoán thật chính xác tại các cơ sở uy tín để điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tránh việc lây bệnh cho người khác.
Theo các chuyên gia nhận định, vi khuẩn Hp là tên gọi tắt của xoắn khuẩn Helicobacter pylori có roi gram-âm. Chúng sinh trưởng và phát triển bên dưới lớp niêm mạc dạ dày và một trong số ít vi khuẩn có thể tồn tại trong môi trường acid dạ dày đậm đặc. Bởi lẽ chúng có khả năng tiết ra enzyme urease có khả năng trung hòa acid trong dạ dày.
Hình ảnh vi khuẩn HP dưới kính hiển vi
Viêm dạ dày Hp là tình trạng dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori dẫn tới tổn thương viêm loét niêm mạc dạ dày. Tình trạng này tiến triển gây ra viêm loét dạ dày mãn tính, ung thư dạ dày và u lympho… Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn Hp cũng gây thiếu sắt, thiếu máu, gia tăng dị ứng, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Tuy nhiên, viêm dạ dày Hp là căn bệnh phổ biến nhất chiếm tỷ lệ 35% trên tổng số các bệnh. Bệnh có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào, ở mọi độ tuổi. Nhưng thường gặp nhất là ở những người độ tuổi từ 30 – 40 tuổi.
Biểu hiện của HP thường thay đổi theo lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh nhưng chủ yếu bao gồm:
- Xuất huyết tiêu hoá (nôn ra máu, đi ngoài phân đen) gặp ở 50% trẻ em
- Đau thượng vị giống người lớn. Giai đoạn đầu thường đau mơ hồ, chủ yếu vùng quanh rốn (không phải bé nào đau cũng là viêm loét), ít khi đau cấp tính như ở người lớn, đau âm ỉ, kéo dài vài phút đến vài giờ, vài tuần nhưng giảm đau sau khi ăn.
- Thiếu máu nặng. Biếng ăn, chán ăn, nôn. Đôi khi đi ngoài phân đen do xuất huyết tiêu hoá. Thường biểu hiện rõ ở trẻ 3 tuổi.