Bác sĩ lưu ý cách vo gạo thế này sẽ làm mất lớp vỏ lụa bọc Vitamin B1, dễ gây bệnh Beriberi

Bác sĩ Phạm Thị Hằng, Theo Tổ quốc 20:54 30/05/2023

Thói quen sử dụng gạo của nhiều người rất dễ khiến gạo mất lớp vỏ lụa bọc Vitamin B1 quý giá, thậm chí có thể gây bệnh cho cơ thể.

Beriberi là gì?

Beriberi là chứng bệnh tê phù gây ra do sự thiếu hụt Vitamin B1 trong khẩu phần ăn.

Bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Thần kinh Phạm Thị Hằng cho biết, trong giai đoạn đầu của bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng nên thường hay bị bỏ qua. Người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, táo bón kèm căng 2 bắp chân. Về chiều tối, chân hơi bị phù ở vùng mắt cá và cảm giác tê, râm ran như kiến bò ở bắp chân

Giai đoạn sau khi bệnh nặng lên, gây tổn thương thần kinh ngoại biên và hội chứng tim mạch biểu hiện dần rõ hơn như:

- Cảm giác tê bì, nóng bỏng ở ngón chân và bàn chân, giảm hoặc mất phản xạ gân xương, đi lại khó khăn, teo cơ, phải chống gậy hoặc nằm tại chỗ

Bác sĩ lưu ý cách vo gạo thế này sẽ làm mất lớp vỏ lụa bọc Vitamin B1, dễ gây bệnh Beriberi - Ảnh 1.

Beriberi là một bệnh tê phù gây ra do sự thiếu hụt vitamin B1

- Biểu hiện tim mạch: khó thở, hồi hộp, mệt mỏi, da xanh hoặc tím tái do ứ trệ tuần hoàn ngoại vi, phù toàn thân. Trường hợp nặng gây bệnh não Wernicke- Korsakoff gây tình tạng lú lẫn, chậm chạp mất trí nhớ, hoang tưởng thậm chí hôn mê.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào định lượng vitamin B1 trong máu và nước tiểu.

Nguyên nhân gây thiếu hụt Vitamin B1

Vitamin B1 (còn gọi là thiamin) là 1 trong 8 loại vitamin nhóm B thiết yếu, có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, nhưng cơ thể lại không tự tổng hợp được nên cần phải bổ sung bằng nhiều loại thực phẩm giàu thiamin như ngũ cốc nguyên hạt, loại hát, thịt, cá. Mỗi người lao động bình thường 1 ngày can 1-2mg thiamin.

Nguyên nhân gây thiếu hụt Vitamin B1 có thể kể đến như do sử dụng những loại gạo ăn kém phẩm chất (mốc) hoặc chà xát qua kỹ, quá trắng làm mất lớp vỏ lụa bọc chứa Vitamin B1 hoặc trong chế độ ăn thiếu vitamin như đỗ xanh, lạc, vừng…

Ngoài ra cũng khả năng do cơ thể chỉ hấp thu được lượng nhỏ do các bệnh lý đường ruột. Những người lao động nặng, phụ nữ có thai và cho con bú, người bị cường giáp có nhu cầu thiamin tăng cao hơn bình thường cũng trở thành đối tượng dễ thiếu hụt Vitamin B1.

Những người có một số thói quen như ăn cá sống, ăn nhiều tôm, trai, phát sinh thiaminase phân hủy thiamin hấp thu vào cơ thể. Ngoài ra, người nghiện rượu, uống rượu quá nhiều, không ăn cơm hoặc ăn ít cơm cũng có khả năng thiếu hụt Vitamin B1.

Phòng ngừa bệnh do thiếu Vitamin B1

Để phòng ngừa bệnh do thiếu Vitamin B1, bác sĩ Phạm Thị Hằng đưa ra những lưu ý sau:

- Không nên xay xát gạo 2 lần. Nếu xát trắng quá sẽ dễ mất đi các chất dinh dưỡng quý như chất béo, sắt, calci, Vitamin B1.

- Cần bảo quản tốt gạo, không để mối mọt, ẩm mốc, nhiều sạn, thóc...

- Nấu cơm nên để nước sôi mới cho gạo vào để tránh Vitamin B1 ở lớp vỏ gạo bị phá hủy.

- Trong bữa ăn, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin B1 như: rau xanh, ngũ cốc, các loại hạt, vừng, lạc, khoai tây…

- Sau bữa ăn, có thêm hoa quả như chuối, táo.

- Phụ nữ có thai và cho con bú: bổ sung thêm sữa giàu thiamin trong thành phần và kiểm tra tình trạng thiamin định kỳ.