Bác sĩ Zeng Yiteng hiện đang là Trưởng khoa da liễu tại Taiwan Beauty Xinyi (Đài Loan). Một bài phỏng vấn gần đây của ông đăng tải trên trang "Health Today" đã khiến rất nhiều người ngỡ ngàng bởi những sự thật về muỗi và khi con người bị muỗi đốt. Nhờ vậy mà chúng ta cũng có thêm nhiều kiến thức để phòng tránh loài côn trùng gây khó chịu và rất nguy hiểm này.
Mặc dù muỗi là côn trùng quen thuộc nhưng rất ít người trong chúng ta chịu tìm hiểu về chúng. Những kiến thức liên quan đến việc bị muỗi đốt chủ yếu là được truyền tai, không mang tính khoa học. Phổ biến là 5 hiểu lầm nhiều người mắc sau đây:
- Người ăn nhiều thịt sẽ dễ bị muỗi đốt hơn: theo bác sĩ Zeng, đây là quan điểm rất phổ biến ở nhiều quốc gia Châu Á. Tuy nhiên, không có 1 nghiên cứu nào chỉ ra việc hấp thụ nhiều thịt thu hút muỗi hay bất cứ loài côn trùng nào.
Ảnh minh họa
- Nhiều người ngồi chung trong 1 căn phòng nhưng bạn cảm thấy mình là người duy nhất bị muỗi đốt. Điều này cũng không hề đúng bởi vì nếu trong cùng môi trường, chắc chắn sẽ có nhiều người bị muỗi đốt trong số đám đông. Tuy nhiên, mức độ phản ứng của mỗi người khi bị muỗi đốt là khác nhau. Từ đó sinh ra cảm giác ở những người có cơ thể phản ứng mạnh là chỉ có mỗi mình bị muỗi tấn công.
- Muỗi không thể bay cao hơn 6m nên sẽ an toàn nếu sống ở tầng nhà cao. Nhưng thực tế, muỗi được tìm thấy trong lỗ cây cao hơn 15m so với mặt đất và cũng phát triển mạnh ở những tòa nhà chung cư cao tầng. Rõ ràng, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh từ muỗi là ngăn chặn muỗi sinh sản trong nhà bạn và sử dụng thuốc chống muỗi đốt.
- Không ít người vẫn quan niệm rằng không cần bôi thuốc chống muỗi khi bật điều hòa. Nhưng theo bác sĩ Zeng, sự thật là muỗi thích môi trường nóng và ẩm, vì vậy việc duy trì nhiệt độ mát trong nhà có thể giúp tránh được chúng. Tuy nhiên, để tránh muỗi hoàn toàn, bạn cần phải để nhiệt độ dưới 10 độ C. Nếu không, chúng vẫn tồn tại và có thể đốt bạn.
Ảnh minh họa
- Đừng tiếp tục cho rằng muỗi nói chung hay các loại muỗi gây bệnh chỉ cắn vào ban đêm nữa. Thực tế, Aedes aegypti là loại muỗi có thể lây lan các bệnh như sốt xuất huyết, chikungunya, virus Zika... Chúng hoạt động nhiều nhất trong ánh sáng ban ngày, đặc biệt khoảng 2 giờ sau khi mặt trời mọc và vài giờ trước khi mặt trời lặn.
Nếu bị muỗi đốt, bạn có thể phải đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm. Phổ biến nhất là 10 căn bệnh sau đây:
- Sốt xuất huyết.
- Sốt rét.
- Sốt vàng da.
- Virus Zika.
- Viêm não Nhật Bản.
- Bệnh sốt Rift Valley – RVF.
- Sốt Chikungunya.
- Dirofilaria immitis.
- Viêm não Murray Valley.
- Nhiễm virus West Nile.
Theo bác sĩ Zeng, muỗi có thể đốt bất kỳ ai nhưng có 4 nhóm người thường xuyên bị chúng tấn công nhất, bao gồm:
- Người có thân nhiệt cao.
- Người có mùi cơ thể mạnh hoặc dễ bị đổ mồ hôi.
- Những người mập mạp hoặc có cơ thể to lớn hơn bình thường.
- Người có lượng khí thải carbon dioxide cao, hô hấp nhanh hoặc mắc bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, trẻ em, phụ nữ có thai, những người mặc đồ sặc sỡ cũng rất dễ trở thành mục tiêu của loài côn trùng này.
Để phòng ngừa bệnh tật do muỗi đốt, đương nhiên việc tránh muỗi và diệt muỗi phải được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, dù dùng biện pháp gì thì cũng rất khó để ngăn được việc bị muỗi đốt trong màu hè, bởi chúng sinh sản rất nhanh và có mặt ở khắp mọi nơi. Vì vậy, khi chẳng may bị muỗi đốt hãy nhớ thực hiện ngay 5 mẹo xử lý bằng thực phẩm sau đây:
- Dùng đá lạnh: nhiệt độ lạnh hoặc đá lạnh có thể giúp giảm viêm và làm tê da trong thời gian ngắn. Bạn có thể sử dụng các túi chườm đá để làm giảm tình trạng ngứa của vết đốt. Bạn cũng lưu ý không đặt đá trực tiếp lên da quá 5 phút vì có thể làm tổn thương da mà tốt nhất nên dùng khăn mềm để chườm.
- Yến mạch: ngoài làm đẹp da, giảm cân, yến mạch còn có tác dụng giảm ngứa và sưng do muỗi đốt. Nó chứa các thành phần đặc biệt, có khả năng chống kích ứng. Bạn trộn bột yến mạch với nước, sau đó hãy thoa hỗn hợp này lên vết đốt trong 10 phút và rửa sạch với nước.
- Tỏi: ngoài làm gia vị tốt cho sức khỏe, tỏi cũng giúp làm giảm kích ứng của vết muỗi đốt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng sử dụng tỏi cho các vết thương hoặc vết đốt có thể gây nóng và kích ứng da. Vì vậy, bạn nên xay nhỏ tỏi và trộn chung với kem dưỡng hoặc dầu dừa trước khi thoa lên da.
- Lá tía tô: để điều trị vết muỗi cắn, bạn có thể dùng lá tía tô đã được cắt nhỏ hoặc tinh dầu tía tô. Thảo dược này có chứa tanin, một chất làm se tự nhiên. Ngoài ra, tía tô đất còn chứa polyphenol, kết hợp với tannin sẽ làm giảm chứng viêm, tăng tốc độ chữa lành và làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
- Mật ong: vì có tính kháng khuẩn và chống viêm nên mật ong thường được sử dụng để điều trị đau họng hoặc vết thâm tím. Nếu bạn nhỏ một giọt mật ong lên vết đốt sẽ làm giảm tình trạng viêm.
Nguồn và ảnh: Skypost, Health Today, Sina